Hơn 75.000 tỷ đồng trong tài khoản chờ giải ngân

Hơn 75.000 tỷ đồng trong tài khoản chờ giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số dư tiền mặt trong các tài khoản chứng khoán hiện tại ước tính đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với cuối quý III/2022.

Số dư tiền trong các tài khoản chứng khoán là một trong những dữ liệu được nhiều nhà đầu tư quan tâm, dù con số chính xác chỉ được thống kê khi các công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính hàng quý.

Một số công ty chứng khoán cho biết, số dư tiền trong tài khoản nhà đầu tư phụ thuộc vào diễn biến thị trường chứng khoán. Khi thị trường tăng điểm và giao dịch sôi động, lượng tiền này sẽ cao và ngược lại.

Chẳng hạn, giai đoạn đầu năm 2022, thị trường duy trì diễn biến khả quan, thanh khoản cao, VN-Index dao động quanh mức 1.500 điểm, số dư tiền của nhà đầu tư đạt hơn 100.000 tỷ đồng khi kết thúc quý I, lập kỷ lục mới. Sau đó, thị trường điều chỉnh, thanh khoản đi xuống, số dư tiền giảm dần, đến cuối quý III còn gần 67.000 tỷ đồng (VN-Index còn 1.132,1 điểm).

Hiện nay, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, số dư tiền mặt trong tài khoản nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán ước tính đạt hơn 75.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo một số công ty chứng khoán cho hay, sau khi VN-Index tạo đáy vào giữa tháng 11 (xuống sát 900 điểm), lượng tiền trong tài khoản nhà đầu tư tăng dần, cùng với đà tăng của thanh khoản, cũng như cơ hội đầu tư.

Tiền và các khoản tương đương tiền cuối kỳ của khách hàng tại các công ty chứng khoán.

Tiền và các khoản tương đương tiền cuối kỳ của khách hàng tại các công ty chứng khoán.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán DSC, thanh khoản thời gian gần đây tương đương với giai đoạn quý II và quý III/2021 - VN-Index khi đó dao động phổ biến trong khoảng 1.300 - 1.350 điểm, trong khi điểm số hiện tại quanh mức 1.050 điểm.

Tuy nhiên, số dư tiền tăng có thể không còn là chỉ báo tích cực về xu hướng thị trường. Bởi lẽ, VN-Index đi xuống kéo dài khiến giá trị tài khoản nhà đầu tư sụt giảm, tâm lý nhiều người vẫn còn bi quan.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, lượng tiền mặt trong tài khoản chứng khoán gần đây gia tăng thể hiện nhà đầu tư có khuynh hướng bán ra hoặc đứng ngoài thị trường. Các nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn đang trong xu hướng bán ròng, lũy kế 6 tháng qua bán 15.713 tỷ đồng, trái ngược với giá trị mua ròng gần 21.000 tỷ đồng của khối ngoại.

Mặc dù vậy, lượng tiền mặt cao thể hiện rủi ro thị trường giảm, khi tỷ lệ tiền mặt/thanh khoản trung bình ở mức 6 lần (cao hơn mức 5,2 lần trong quý III/2022), trong bối cảnh định giá của thị trường đang ở mức thấp và các rủi ro vĩ mô có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không còn chịu áp lực phải tăng mạnh lãi suất.

Do đó, ông Minh đánh giá, thị trường có dư địa tăng trưởng và dòng tiền chờ đợi cơ hội đang ở mức lớn.

“Nhóm cổ phiếu đáng quan tâm trong giai đoạn hiện nay là ngân hàng, nước, khí đốt, công nghiệp nặng, vận tải, sản xuất thực phẩm và điện. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng có thể đóng vai trò dẫn dắt xu hướng của thị trường khi nhóm này đang có những thuận lợi và chất xúc tác trong ngắn và trung hạn”, ông Minh nói.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam lưu ý, trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên hạn chế mua mới, mà chờ tích lũy ở các nhịp điều chỉnh, đồng thời bán ra một phần tỷ trọng cổ phiếu khi VN-Index lên trên 1.110 điểm.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần chú ý tỷ trọng giao dịch, tránh mua đuổi những cổ phiếu có định giá P/E thấp mà không tìm hiểu kỹ doanh nghiệp, vì lợi nhuận trong thời gian tới nếu sụt giảm sẽ làm cho P/E tăng, khiến định giá tưởng rẻ trở nên đắt.

Ở giai đoạn đáy của thị trường chứng khoán năm 2011, định giá P/E VN-Index rơi về mức 8 lần, thấp hơn đáng kể so với mức 11 lần hiện tại.

Tin bài liên quan