HSBC: VN-Index sẽ tăng lên mức 1.850 điểm trong năm 2022

HSBC: VN-Index sẽ tăng lên mức 1.850 điểm trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những tin tức khả quan về tỷ lệ tiêm vắc xin và khả năng khống chế dịch Covid-19 của Việt Nam, đã và đang củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài khi cân nhắc rót vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Đây là nhận định của ông James Estaugh, Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam.

Nền kinh tế được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2022

Ông James Estaugh nhận định, GDP của Việt Nam trong quý IV/2021 đã bật tăng trở lại, đạt 5,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kỳ vọng của thị trường (HSBC: 3,8%, Bloomberg: 3,9%) và củng cố nền tảng cho đà tăng tốc của nền kinh tế trong năm 2022. Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 trong khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Nhờ các hoạt động sản xuất cải thiện nhanh chóng, xuất khẩu đạt mức kỷ lục và khu vực dịch vụ bắt đầu hồi phục mạnh mẽ, nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam thậm chí có thể vượt mức 7%. Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của Tập đoàn HSBC cũng đưa ra dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,5%.

Ông James Estaugh, Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam

Ông James Estaugh, Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam

Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán HSBC Việt Nam cho rằng, năm 2022, đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế đất nước.

Chính phủ đã chỉ đạo việc triển khai đầu tư công rất quyết liệt và phải có sự giám sát, đánh giá tính hiệu quả thường xuyên. Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nêu rõ mục tiêu cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đầu tư công của Chính phủ được kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế lâu dài, bền vững.

Điểm đáng chú ý được Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán HSBC cho biết, đó là việc các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có nhận thức cao hơn về ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và việc sử dụng tài chính xanh để phòng ngừa các rủi ro đe dọa tính bền vững, thu hút các nhà đầu tư và xây dựng năng lực chống chịu trước các cú sốc khủng hoảng. Việt Nam đã có bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp chi tiết và theo hướng đáp ứng nhiều trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Các lĩnh vực tăng trưởng xanh của Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài, ví dụ như lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư nước ngoài cao nhất trong khu vực ASEAN - tính đến tháng 9/2021. Ngay trước thềm Xuân Nhâm Dần, Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng cam kết thu xếp tới 12 tỷ USD tài trợ cho các dự án phát triển bền vững của các doanh nghiệp tại Việt Nam cho tới năm 2030.

“Việt Nam cũng đã có một chỉ số riêng trên Sở giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) về phát triển bền vững - Vietnam Sustainability Index (VNSI), được tạo lập năm 2017, bao gồm 20 doanh nghiệp hàng đầu theo các tiêu chí phát triển bền vững - hiện tại phần lớn là các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng - diễn biến theo sát chỉ số VN-Index”, ông James Estaugh nhấn mạnh.

Được biết, từ năm 2022, Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh phát triển tài chính xanh với vai trò vai trò là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển nền kinh tế xanh, hướng tới sự phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khó khăn trước mắt lớn nhất của Việt Nam, ông James Estaugh cho rằng vẫn là dịch bệnh Covid-19 và khả năng làn sóng dịch mới do biến chủng Omicron.

"Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua nguy cơ này một cách an toàn nhờ chương trình tiêm chủng nhanh chóng của Chính phủ, cho phép phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ được sức khỏe cho người dân. Việt Nam đang duy trì tốc độ tiêm vaccine nhanh và thực hiện chiến lược “Sống chung với COVID-19”", ông Estaugh cho biết.

VN-Index sẽ tăng lên mức 1.850 điểm

Nhìn chung, HSBC vẫn giữ quan điểm lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, cũng như trong tương lai. Theo dự báo của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của Tập đoàn HSBC, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 lên mức 1.850 điểm.

Một hệ thống công nghệ đồng bộ cho thị trường được cung cấp bởi nhà thầu KRX sẽ sớm được triển khai, dự kiến trong năm 2022. Trong đó, hệ thống giao dịch được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu giao dịch ngày càng lớn của thị trường, xua tan nỗi lo ngại về hiện tượng tắc, nghẽn lệnh mỗi khi nhu cầu giao dịch tăng đột biến.

Đồng thời, cơ sở hạ tầng mới hiện đại sẽ cung cấp nền tảng cần thiết để triển khai một loại các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting Depositary Receipt - NVDR)…

“Với kỳ vọng hỗ trợ sức mua của nhà đầu tư và tạo tiền đề quan trọng cho việc nâng hạng thị trường, cơ quan quản lý đã hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm triển khai hoạt động thanh toán - bù trừ giao dịch theo cơ chế thay cho cơ chế bù trừ đa phương hiện tại, dự kiến triển khai ngay khi hệ thống giao dịch - thanh toán sau giao dịch mới đi vào hoạt động trong năm 2022”, ông James Estaugh nhận định.

Hệ thống mới cũng cho phép vận hành cơ chế thanh toán - bù trừ giao dịch Đối tác Bù trừ Trung tâm (Central Clearing Counterparty - CCP) mới, theo đó yêu cầu 100% ký quỹ tiền trước giao dịch sẽ không còn áp dụng. Thay vào đó, nhà đầu tư có thể chỉ phải ký quỹ tiền cho mỗi lệnh mua dự kiến thực hiện theo một tỷ lệ nhất định theo yêu cầu của thành viên bù trừ.

Nhà đầu tư sẽ phải thanh toán số tiền còn lại vào ngày thanh toán giao dịch. Cơ chế này được kỳ vọng giúp sức mua của nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng tăng lên đáng kể, góp phần thu hút vốn ngoại vào thị trường Việt Nam.

Kỳ vọng sự trở lại của dòng vốn ngoại

Theo ông James Estaugh, dù chưa có nhiều chuyển biến trong quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL), vẫn còn nhiều lựa chọn tốt cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong số 30 cổ phiếu của rổ VN30 Index, chỉ có 5 cổ phiếu đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài, 13 cổ phiếu có vốn hóa trên 5 tỷ USD và 12 cổ phiếu có mức giao dịch bình quân ngày hơn 10 triệu USD.

Những thay đổi về hạ tầng và pháp lý tới đây, cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của 2021 và những hỗ trợ tích cực từ Chính phủ chắc chắn sẽ đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một năm 2022 với những thành công mới

Đối với các mã đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài, ông James Estaugh cho rằng, các quỹ hoán đổi danh mục (Exchange Traded Fund - ETF) là một lựa chọn tốt với hiệu suất đầu tư tương đối cao. Năm 2021, tăng trưởng tài sản ròng các quỹ ETF trong nước là 40%, trong khi đó của của các quỹ ETF nước ngoài bình quân khoảng 24,7%.

Mặt khác, đã có cơ sở pháp lý cho các sản phẩm mới như Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting Depositary Receipt - NVDR) và chứng quyền có bảo đảm với tài sản cơ sở là các chỉ số, mang lại cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư nước ngoài từ các cổ phiếu đã hết room.

Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch mới sắp được vận hành cũng hứa hẹn cung cấp cơ sở hạ tầng để phát triển nhiều sản phẩm mới trong tương lai, nhờ đó cung cấp cho nhà đầu tư lựa chọn đầu tư phong phú hơn

Theo ông James Estaugh: “Năm 2021 chứng kiến khối ngoại bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều lý do để tin tưởng rằng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong năm 2022. Bên cạnh các yếu tố vĩ mô là điểm tựa vững chắc hỗ trợ thị trường chứng khoán, còn nhiều điểm sáng của thị trường sẽ thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài sớm tiếp tục rót vốn vào thị trường. Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu mua ròng trở lại trong những tuần đầu tiên của năm 2022”.

Triển vọng nâng hạng lên Thị trường mới nổi

Ông James Estaugh cho biết, đây có lẽ cũng là thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc tham gia thị trường từng bước và ngay từ bây giờ nhằm đảm bảo chỗ đứng của mình khi Việt Nam được nâng hạng lên Thị trường mới nổi - triển vọng sớm đạt được trong một vài năm tới.

Việc nâng hạng thị trường đã được đưa vào kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán của Chính phủ được Thủ tướng phê duyệt, đã cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc đạt được mục tiêu này, dự kiến vào năm 2025.

Mở đường cho việc nâng hạng thị trường, ông James Estaugh cho biết, cơ sở pháp lý cho một loạt cải cách thị trường đã được ban hành trong năm 2021 và sẽ được thực hiện trong 2022 trở đi tập trung giải quyết hai vấn đề then chốt cho việc nâng hạng.

Đó là yêu cầu ký quỹ đủ tiền và chứng khoán trước giao dịch được thay thế bằng cơ chế thanh toán - bù trừ CCP (bù trừ thanh toán); và giải pháp cho vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc triển khai sản phẩm NVDR.

Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm mới cũng sẽ được đưa vào khi triển khai hệ thống công nghệ mới của KRX cho thị trường như chứng quyền có bảo đảm với tài sản cơ sở là các chỉ số, giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, bán khống có bảo đảm, vay và cho vay chứng khoán… cũng kỳ vọng thu hút được nhiều hơn các khoản đầu tư nước ngoài mới vào thị trường.

“Với những phân tích nêu trên, chúng tôi tin tưởng rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn đầy hứa hẹn. Những thay đổi về hạ tầng và pháp lý tới đây, cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của 2021 và những hỗ trợ tích cực từ Chính phủ chắc chắn sẽ đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một năm 2022 với những thành công mới. HSBC mong đợi tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài để “Mở ra một thế giới tràn đầy cơ hội” (“Opening up a world of opportunity”) tại Việt Nam và cùng viết nên câu chuyện thành công của thị trường Việt Nam”, ông James Estaugh nhấn mạnh.

Một số khuyến nghị của Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán, HSBC Việt Nam

Để đạt được các kỳ vọng nói trên trong thời gian tới thì thị trường và cộng đồng đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài cũng cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý hữu quan, cụ thể:

Một là, phối hợp, đồng bộ hóa quy định pháp lý giữa các bộ ngành cho hoạt động cung cấp dịch vụ và đầu tư trên thị trường chứng khoán nhằm tiếp tục nới lỏng các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) theo quy định tại Luật Đầu tư hay như quy định về tài khoản, cấu trúc tài khoản, hợp pháp hóa lãnh sự hồ sơ mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài…

Hai là, triển khai kịp thời hệ thống công nghệ mới phục vụ cho hoạt động giao dịch và thanh toán sau giao dịch cho thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo đưa các sản phẩm dịch vụ mới vào vận hành và mở ra cơ hội tháo gỡ cho vấn đề ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Ba là, tiếp tục nâng cao khả năng tiếp cận thông tin đầy đủ và chính thống và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.

Tin bài liên quan