Huawei chi 26 triệu USD xây dựng ứng dụng cho hệ điều hành mới

Huawei đã tuyên bố đầu tư 20 triệu bảng (26 triệu USD) để lôi kéo các nhà phát triển ứng dụng của Anh và Ireland xây dựng các ứng dụng cho thư viện ứng dụng riêng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Huawei đang cố gắng kết nối hệ sinh thái ứng dụng của riêng mình sau khi bị cắt truy cập vào dịch vụ phần mềm của Google và tích cực thu hút các nhà phát triển ứng dụng với lời hứa tài trợ hấp dẫn.

Vào tháng 5 năm 2019, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã liệt Huawei vào danh sách đen thương mại, buộc các công ty Mỹ phải xin phép chính phủ trong các giao dịch với hãng công nghệ Trung Quốc.

Sau đó, Google đã có thông báo gây sốc rằng Huawei sẽ mất quyền truy cập vào dịch vụ phần mềm ứng dụng phổ biến như Gmail, YouTube, Google Maps cũng như kho ứng dụng Play Store cho các thiết bị chạy hệ điều hành Android phát hành mới.

Quyết định của Google đã gây ra những ảnh hướng nghiêm trọng với Huawei. Điều đó có nghĩa là điện thoại Huawei mới không còn có thể cài đặt sẵn các ứng dụng do Google sản xuất.

Trong khi đó, điện thoại Huawei rất phổ biến ở các nước phương Tây, một lý do chính là vì người dùng Android có thể truy cập các dịch vụ và ứng dụng phổ biến như Play Store, Gmail và Google Maps.

Mặc dù các mẫu điện thoại cũ hơn của Huawei vẫn có quyền truy cập vào cửa hàng ứng dụng Play Store của Google, nhưng các điện thoại mới lại không có các ứng dụng và dịch vụ do Google tạo ra, được gọi là Google Mobile Services.

Huawei đã phát hành điện thoại hàng đầu đầu tiên không có ứng dụng Google, Mate 30 vào tháng 9 năm ngoái và điện thoại P40 sắp ra mắt của công ty (dự kiến vào tháng 3) cũng sẽ không có dịch vụ Google.

Giải pháp của Huawei là thử và xây dựng một hệ sinh thái ứng dụng của riêng mình, và ngày thứ Tư 15/1 vừa qua, hãng này đã tổ chức một ngày hội các nhà phát triển ứng dụng ở London.

Tại đây, hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc đã tuyên bố đầu tư 20 triệu bảng (26 triệu USD) để lôi kéo các nhà phát triển ứng dụng của Anh và Ireland xây dựng các ứng dụng cho thư viện ứng dụng riêng.

Các lãnh đạo Huawei đã đưa ra lời đề nghị hấp dẫn giảm 15% chiết khấu doanh thu cho các nhà phát triển, thay vì mức 30% do Apple và Google áp dụng.

Phó chủ tịch dịch vụ tiêu dùng châu Âu của Huawei, Jamie Gonzalo, nhấn mạnh rằng Huawei đang cố gắng xây dựng một hệ sinh thái ứng dụng ít xâm phạm tới cá nhân người dùng hơn so với các đối thủ ở Thung lũng Silicon và cho biết chúng sẽ tạo ra ít spam dạng thông báo.

"Đây là điều rất tốt từ góc độ riêng tư," ông Gonzalo nói. "Quảng cáo trên mạng không quan trọng đối với chúng tôi."

Ông nói thêm rằng các nhà phát triển sẽ có thể tiếp thị ứng dụng của họ trên màn hình chính của người dùng.

Huawei cũng đã xây dựng hệ điều hành Harmony OS, một phương án thay thế dự phòng cho Android.

Hiện tại điện thoại Huawei mới chạy trên phiên bản Android nguồn mở. Huawei đã không có bất kỳ thông báo rõ ràng nào về việc khi nào có thể bắt đầu thay thế Android bằng Harmony, ngoại trừ một tuyên bố mới đây của một giám đốc điều hành cho thấy Harmony có thể sẵn sàng sử dụng vào giữa năm 2020.

Tin bài liên quan