Hút FDI vào du lịch, biến Việt Nam thành điểm đến quyến rũ

0:00 / 0:00
0:00
Sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược trong nước cùng nguồn lực đầu tư nước ngoài vào hạ tầng du lịch, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng đã và đang biến những vùng quê nghèo thành nơi dừng chân đầy mê hoặc.
Hoiana Resort & Golf là dự án được kiến tạo bởi nguồn vốn đầu tư nước ngoài

Hoiana Resort & Golf là dự án được kiến tạo bởi nguồn vốn đầu tư nước ngoài

Đầu tư vào dịch vụ lưu trú ngày càng lớn

Việt Nam sở hữu 3.260 km bờ biển, 400 bãi tắm lớn nhỏ, hàng ngàn cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hóa trải rộng khắp cả nước. Đó là những “kho báu” quý giá, hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược như SunGroup, Vingroup, FLC, VinaCapital... tham gia mạnh mẽ vào đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch. Nhiều chuỗi khách sạn hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế đã được đầu tư tại các điểm du lịch trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, TP.HCM, Hạ Long... Trong đó, không ít công trình đã được thế giới bình chọn, vinh danh.

Cùng với đó, nhiều thương hiệu quốc tế lớn về du lịch đã có mặt tại Việt Nam như Accor, Marriott, Hyatte, IHG, Four Seasons, Archipelago, góp phần nâng cao năng lực quản trị và chất lượng của dịch vụ du lịch.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đóng góp của FDI vào lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã giúp Việt Nam ngay trong những năm đầu khi mới mở cửa hội nhập. Trong đó, phải kể đến hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đã được hình thành với một loạt khách sạn 5 sao tại Hà Nội và TP.HCM như Metropole, Melia, Daewoo...

Khoảng 20 năm trở lại đây, nguồn lực đầu tư vào dịch vụ lưu trú ngày càng lớn. Theo Tổng cục Du lịch, quy mô cơ sở lưu trú tăng từ 12.350 (năm 2010), lên 33.330 cơ sở (năm 2022), với 667.000 buồng, phòng. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng.

Còn theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cả nước hiện có 239 dự án bất động sản du lịch, với khoảng 114.000 căn condotel (căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng), giá trị ước tính 297.000 tỷ đồng; gần 24.400 biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, giá trị ước tính 244.000 tỷ đồng; gần 30.900 shophouse (nhà phố thương mại), giá trị ước tính 154.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của 3 loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này ước tính lên tới hơn 681.800 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.

“Cửa sáng” phục hồi và tiếp đà tăng trưởng

Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản du lịch Việt Nam bùng nổ với vai trò của các doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, SunGroup, FLC... với nhiều loại sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đa dạng, phong phú, đẳng cấp quốc tế.

Về mặt pháp lý, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành, trong đó quy định cấp sổ hồng cho condotel, officetel, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, được đánh giá là sẽ tháo gỡ điểm nghẽn lớn trong phát triển các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản trên thế giới. Bất động sản du lịch mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng đây cũng là phân khúc mà các nhà đầu tư có khả năng tìm thấy cơ hội hiếm có để gia nhập thị trường Việt Nam.

Thực tế, dù thị trường bất động sản nói chung đang khó khăn, nhưng các nhà đầu tư ngoại vẫn quan tâm tới bất động sản nghỉ dưỡng. “Thị trường Việt Nam có các yếu tố dân số trẻ, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, tốc độ đô thị hóa cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và mở ra tiềm năng phát triển nhiều loại hình bất động sản. Trong đó, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông”, ông Sử Ngọc Khương cho hay.

Ghi nhận của CBRE Việt Nam cũng cho thấy, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đang là một trong những thị trường nghỉ dưỡng hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. Điều này được thể hiện ở việc các đơn vị quản lý khách sạn hàng đầu thế giới liên tiếp có kế hoạch mở rộng hoạt động tại đây, với hàng loạt thương hiệu mới sẽ chính thức ra mắt như Mandarin Oriental, JW Marriott, M Gallery, Le Méridien, Wink Hotels, The Ascott Limited…

“Trong giai đoạn 2022 - 2024, các đơn vị quản lý khách sạn tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động tại khu vực Nam Trung Bộ. Sự hiện diện của nhiều đơn vị quản lý chuyên nghiệp giúp nâng cao vị thế của thị trường khách sạn cao cấp tại Đà Nẵng, Bình Thuận, Phú Yên… Đến hết năm 2022, Đà Nẵng dự kiến có thêm 10 dự án với 2.442 phòng, nâng tổng nguồn cung lên gần 18.000 phòng”, đại diện CBRE cho hay.

Tương tự, tỉnh Bình Thuận dự kiến đến năm 2025 nguồn cung khoảng 5.000 căn biệt thự nghỉ dưỡng (hiện nay là 4.000 căn). Còn tại Phú Yên, đến năm 2026, khu nghỉ dưỡng Mandarin Oriental, Bãi Nồm, sẽ cung cấp 72 căn biệt thự và phòng khách sạn rộng rãi, trong đó có 25 căn biệt thự nghỉ dưỡng riêng tư. Dự báo đến năm 2024, giá thuê phòng sẽ tăng đạt khoảng 25%/năm và có thể đạt mức 119 USD/phòng/đêm. Công suất phòng sẽ hồi phục về mức trước dịch là 63%.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt du khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du khách đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu này, trong năm 2023, toàn ngành du lịch tập trung vào việc công bố Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng triển khai Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Đề án Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam.

Tin bài liên quan