Quý IV/2023, VHC báo lãi giảm tới 66,5% so với cùng kỳ năm 2022

Quý IV/2023, VHC báo lãi giảm tới 66,5% so với cùng kỳ năm 2022

Hụt hẫng lợi nhuận ngành thủy sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo tài chính quý IV/2023 được một số doanh nghiệp thủy sản công bố chắc hẳn gây “bất ngờ không thú vị” với cổ đông của các doanh nghiệp này.

Những con số gây thất vọng

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC), doanh nghiệp đầu ngành cá tra đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu hợp nhất 2.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 66,3 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, doanh thu chỉ giảm khoảng 3%, nhưng lợi nhuận lại giảm tới 66,5%.

Đáng nói là mức lợi nhuận này được so sánh trên mức nền thấp của quý IV/2022 - giai đoạn các doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu ngấm đòn từ lạm phát phi mã tại Mỹ và châu Âu - các thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam.

Lợi nhuận quý IV/2023 của VHC cũng thấp hơn nhiều so với 3 quý đầu năm. Kết quả này khiến luỹ kế cả năm, Công ty lãi sau thuế hợp nhất 949,6 tỷ đồng, giảm tới 53% so với mức thực hiện trong năm 2022 và chỉ hoàn thành 89,7% kế hoạch đề ra.

Theo giải trình của VHC, lợi nhuận quý cuối năm 2023 giảm mạnh là do giá bán và sản lượng xuất khẩu của Công ty đều giảm.

Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực hơn nhiều, với doanh thu 1.110,8 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ; lỗ 0,52 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 lãi 106,53 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân thua lỗ trong quý cuối năm 2023, Nam Việt cho biết, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, sản lượng tiêu thụ của Công ty tăng nhưng giá bán chưa hồi phục so với cùng kỳ.

Luỹ kế cả năm 2023, Nam Việt ghi nhận doanh thu 4.439,12 tỷ đồng, giảm 9,3% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 67,62 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với năm trước đó. Với kết quả này, Công ty chỉ thực hiện được 22,5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 (ở mức 300 tỷ đồng).

Chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 nhưng báo cáo sơ kết hoạt động năm 2023 của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) cho thấy bức tranh kinh doanh kém tích cực của doanh nghiệp trong quý IV cũng như cả năm 2023. Cụ thể, năm qua, doanh số tiêu thụ của FMC đạt 200,6 triệu USD (tương ứng 4.800 tỷ đồng), giảm hơn 11% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận dự kiến đạt trên 300 tỷ đồng.

Năm qua, sản lượng tiêu thụ tôm và nông sản thành phẩm của FMC đạt lần lượt 17.407 tấn và gần 1.366 tấn, giảm 4% và 24% so với năm 2022.

FMC cho biết, doanh số tiêu thụ 2023 giảm cơ bản do giá tiêu thụ trung bình giảm khoảng 10%. Trước đó, vào cuối tháng 10, FMC đã bất ngờ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 nhưng không nêu rõ lý do. Sau điều chỉnh, chỉ tiêu tổng doanh thu là 4.870 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, đồng loạt giảm 25% so với chỉ tiêu ban đầu.

Công ty cổ phần Thủy sản Mê Kông (mã AAM) cũng trải qua một năm kinh doanh ảm đạm. Quý IV/2023, Công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 38 tỷ đồng, giảm 9,5% so cùng kỳ 2022; lợi nhuận sau thuế âm 380 triệu đồng. Lũy kế cả năm, Công ty đạt doanh thu thuần 136,7 tỷ đồng, giảm 35% so với mức thực hiện năm 2022; lãi sau thuế vẻn vẹn 703 triệu đồng, giảm 96% so với năm 2022.

Năm 2023, Thủy sản Mekong đặt mục tiêu doanh thu đạt 180 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 10 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, Công ty đã hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 8% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.

Có thể thấy, kết quả kinh doanh năm 2023 xấu hơn nhiều dự liệu của các doanh nghiệp thủy sản. Còn nhớ, hồi đầu năm 2023, khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn phát đi tín hiệu kỳ vọng vào sự phục hồi cuối năm khi lượng tồn kho của các nhà nhập khẩu suy giảm và cũng là mùa mua sắm cuối năm.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của Thủy sản Minh Phúc, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc khẳng định trước cổ đông: “Từ quý III và quý IV/2023, thị trường dự kiến tốt hơn”.

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước năm qua chỉ đạt 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022, tức giảm khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, bao gồm tôm, cá tra, cá ngừ…

Khó khăn chưa dứt

Sau năm 2023 nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp thủy sản và giới phân tích đều có cái nhìn thận trọng về quá trình hồi phục của ngành trong năm 2024.

Công ty Thực phẩm Sao Ta nhận định, khó khăn của doanh nghiệp còn tiếp tục kéo dài, ít nhất trong nửa đầu năm 2024 khi mà chu kỳ giảm giá nhiều loại thuỷ sản có thể tiếp diễn, do hàng tồn kho nhiều, xung đột ở Trung Đông có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, đã xuất hiện thêm các chướng ngại lớn từ đầu năm là vụ kiện chống trợ cấp ở Hoa Kỳ và sự cố Biển Đỏ. Từ đó, khó khăn thêm chồng chất.

Tương tự , ông Trần Nhật Trung, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán ACBS cho rằng, năm 2024, ngành thủy sản Việt Nam nhìn chung vẫn tiếp tục đối mặt với các khó khăn, nhưng lợi nhuận có thể tăng trưởng nhẹ so với năm 2023. Chi tiết hơn, ông Trung dự báo, sản lượng xuất khẩu cá tra năm 2024 của Việt Nam có khả năng khoảng 2-3% so với năm 2023, dù tỷ lệ hàng tồn kho/doanh thu các mặt hàng thực phẩm của Mỹ đang giảm có thể làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu trong năm 2024.

“Chúng tôi dự báo nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản sẽ tăng không đáng kể trong năm 2024. Với diễn biến giá những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giá cá tra tại các thị trường lớn của Việt Nam vẫn giữ nguyên hoặc giảm nhẹ. Bên cạnh đó, với triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 yếu hơn năm 2023, sức tiêu thụ của các mặt hàng có thể bị ảnh hưởng. Tổng kết lại, chúng tôi thấy rằng, triển vọng phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy hải sản trong năm 2024 sáng hơn so với năm 2023, nhưng vẫn chưa phải là một năm bứt phá”, ông Trung nói thêm.

Tin bài liên quan