NHNN nên tạo cơ chế cho các NHTM tự huy động vàng trong dân

NHNN nên tạo cơ chế cho các NHTM tự huy động vàng trong dân

Huy động vàng: “Bao bì mới” cho món đồ cũ?

(ĐTCK-online) Gần đây, có nhiều chuyên gia nêu lên những đề xuất về huy động nguồn vàng trong dân (được cho là từ 300 - 500 tấn). Những trao đổi gần đây của nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Trương Văn Phước trên báo Tuổi Trẻ cũng đã làm rõ đây là một cơ chế "NHTM huy động, NHNN vay lại" để tăng dự trữ ngoại hối và can thiệp thị trường khi cần thiết. Việc sử dụng nguồn vàng này sẽ do NHNN tính toán mà theo đề xuất của ông Phước, có thể là đem hoán đổi với nước ngoài để lấy ngoại tệ.

Có hai vấn đề ở đây không được làm rõ: (1) Lãi suất huy động của NHTM sẽ được tính thế nào để hấp dẫn người gửi vàng? (2) NHNN sẽ vay lại với lãi suất nào? Sau đó, nếu sử dụng nguồn này mà sinh lợi thấp hơn lãi suất phải trả cho người dân thì NHNN phải làm sao để bù đắp? Rõ ràng, cơ chế này buộc NHNN phải đi làm kinh doanh, trong khi nhân sự NHNN không được trả lương thưởng dựa trên kết quả kinh doanh, vậy thì làm sao đảm bảo hiệu quả?

Mặt khác, việc huy động vàng qua trái phiếu hay giấy tờ có giá có một nhược điểm là tính thanh khoản kém. Người nắm giữ trái phiếu hay giấy tờ có giá muốn rút tiền trước thời hạn sẽ phải đem giấy tờ có giá đi chiết khấu tại NHTM. Xét về mặt linh hoạt, tiện lợi và thậm chí là về lợi ích, có vẻ như kênh này kém hấp dẫn hơn đáng kể so với gửi tiết kiệm. Mặt khác, lãi suất tiết kiệm có thể thay đổi linh hoạt hơn lãi suất trái phiếu cộng với bối cảnh thị trường thứ cấp trái phiếu còn kém phát triển ở Việt Nam, nên sử dụng công cụ huy động này không đảm bảo hiệu quả như kênh huy động bằng tiết kiệm của NHTM trước đây. Câu hỏi đặt ra là vì sao không cho NHTM huy động và cho vay vàng trở lại?

Ông Trương Văn Phước đã có một lưu ý rất quan trọng: NHNN cho rằng việc NHTM huy động và cho vay vàng là hoạt động có rủi ro, do đó đã hạn chế hoạt động này. Rõ ràng, việc các chuyên gia của NHNN và NHTM đang phải đau đầu nghĩ giải pháp huy động vàng và sau đó sử dụng như thế nào nguồn huy động này chỉ bởi vì quan điểm của NHNN là sợ NHTM bị rủi ro khi cho họ được tự động huy động và cho vay vàng.

Điều này nghĩa là NHNN đang phải tự ngồi nghĩ cách đi vòng qua quy định của mình trước đây, chỉ bởi vì NHNN không tin tưởng khả năng kiểm soát rủi ro của NHTM nên phải đi làm thay cho NHTM những việc vốn dĩ không thuộc chức năng của NHNN. Nếu vậy, tại sao NHNN không quy định những chuẩn mực nhất định cho việc sử dụng nguồn huy động vàng rồi cho NHTM tự do mở lại hoạt động huy động và sử dụng nguồn vàng huy động trong một khuôn khổ quản lý rủi ro nghiêm ngặt hơn?

Một đề xuất khác gần đây nhiều chuyên gia nói tới là sử dụng đối ứng giữa vàng vật chất và vàng tài khoản, cho phép xuất nhập vàng linh hoạt và ít tốn kém hơn để ổn định thị trường và tạo thanh khoản. Ông Trương Văn Phước cũng nhắc tới việc sử dụng tài khoản vàng. Rõ ràng, đây là công cụ cần thiết để đảm bảo cho hệ thống hoạt động có tính thanh khoản cao và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Trương Văn Phước cũng thừa nhận, việc sử dụng vàng tài khoản thì không có gì khác tài khoản trên các sàn vàng trước đây, vấn đề chỉ là ở chỗ cần quản lý chặt. Vậy tại sao không cho mở lại sàn vàng nhưng với những quy định chặt chẽ hơn? Trong một bài viết trước đây trên báo ĐTCK, người viết đã có phân tích rằng, chỉ cần giới hạn những quy định về ký quỹ và minh bạch thêm thông tin trên sàn vàng thì sẽ hạn chế được việc lạm dụng dẫn đến thua lỗ trong dân như trước nay. Thực tế hiện tại, không phải không có người đang thua lỗ vì vàng biến động, nhưng nó không được báo chí khai thác nhiều như lúc trước mà thôi.

Tóm lại, những đề xuất, cố vấn gần đây của các chuyên gia cho NHNN về chuyện thị trường vàng đều có một mẫu hình chung: đó là nói lại chuyện sử dụng những công cụ trước đây thị trường đã có và NHTM hay các tổ chức tài chính đều có làm, chỉ là với một sự "gói ghém" lại những công cụ cũ trong những "bao bì" mới, vì NHNN đã ra nhiều quy định hạn chế NHTM sử dụng những công cụ cũ do tồn tại tình trạng lạm dụng công cụ, làm mất an toàn hệ thống.

Nhưng những gói ghém mới này không đảm bảo là không có những lỗ hổng khác để bị khai thác. Vì vậy, nên chăng NHNN xem lại khuôn khổ để giám sát và trừng phạt nặng (bằng giải pháp thị trường) những tổ chức có vi phạm về quản trị rủi ro, đồng thời cho mở lại những công cụ đã bị cấm trước đây? Nếu có những công cụ về mặt bản chất luôn cần thiết trong thị trường thì cho dù chúng có thể bị lạm dụng, chúng ta cũng không thể cấm sử dụng chúng mãi được. Ai cũng biết điện có thể giật chết người nhưng chúng ta liệu có thể không cần sử dụng điện?