Invesco: Các quỹ đầu tư quốc gia trên toàn cầu muốn tăng đầu tư vào tài sản của Trung Quốc

Invesco: Các quỹ đầu tư quốc gia trên toàn cầu muốn tăng đầu tư vào tài sản của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo một báo cáo của Invesco Global Sovereign Asset Management công bố hôm thứ Hai (14/7), các quỹ đầu tư quốc gia toàn cầu đang tăng cường phân bổ vốn vào tài sản của Trung Quốc, với kỳ vọng vào năng lực của quốc gia này trong công nghệ số, năng lượng tái tạo và sản xuất tiên tiến để thúc đẩy lợi nhuận và phòng ngừa rủi ro địa chính trị.

Báo cáo của Invesco Global Sovereign Asset Management được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 3, ngay trước khi Mỹ áp thuế đối với các đối tác thương mại, bao gồm cả Trung Quốc. Nghiên cứu này cũng trùng khớp với sự phấn khích trên toàn cầu về mô hình AI tiết kiệm chi phí từ DeepSeek.

Theo báo cáo, gần 60% quỹ đầu tư quốc gia cho biết họ có kế hoạch tăng đầu tư vào Trung Quốc trong 5 năm tới, cao hơn so với năm 2024. Trong đó, sự quan tâm đến tài sản của Trung Quốc đặc biệt rõ rệt trong các quỹ đầu tư quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương và Châu Phi, với lần lượt 88% và 80% bày tỏ ý định tăng đầu tư.

Khoảng 73% các quỹ Bắc Mỹ, vốn tập trung vào các cơ hội cơ cấu dài hạn, cho thấy mong muốn tăng cường đầu tư vào Trung Quốc. Các quỹ toàn cầu đã trích dẫn một số yếu tố khi lý giải cho việc tăng đầu tư vào Trung Quốc. Khoảng 71% nhận thấy lợi nhuận cao từ Trung Quốc, 63% cho biết họ muốn đa dạng hóa và 45% cho biết khả năng tiếp cận thị trường được mở rộng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Báo cáo cho biết các lĩnh vực hấp dẫn nhất để đầu tư vào Trung Quốc là công nghệ số và phần mềm, sản xuất và tự động hóa tiên tiến, năng lượng sạch và công nghệ xanh.

Martin Franc, Giám đốc điều hành khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) của Invesco cho biết: "Ngày càng có nhiều sự đồng thuận rằng cơ hội tại Trung Quốc là độc đáo và hấp dẫn, đặc biệt là khi xét đến hệ sinh thái công nghệ đang phát triển tại quốc gia này. Các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng vào vị thế dẫn đầu đổi mới của Trung Quốc trong các phân khúc công nghệ lớn và không muốn bị bỏ lại phía sau”.

Các quỹ đầu tư cũng cho thấy ủng hộ các chính sách hỗ trợ từ các nhà chức trách Trung Quốc và tin rằng thị trường này là nơi các công nghệ đổi mới có thể phát triển mạnh mẽ. Báo cáo cho thấy 78% số người tham gia khảo sát tin rằng các lĩnh vực công nghệ và đổi mới của Trung Quốc sẽ đạt được khả năng cạnh tranh toàn cầu, nhưng chỉ 48% cho rằng nước này sẽ trở thành một nền kinh tế do tiêu dùng dẫn dắt.

Khoảng 88% số người tham gia khảo sát cho biết bất ổn địa chính trị là mối quan tâm chiến lược hàng đầu, trong khi 64% chỉ ra áp lực lạm phát. Báo cáo cho biết các ngân hàng trung ương đang đa dạng hóa các chiến lược quản lý dự trữ ngoại hối để ứng phó với căng thẳng địa chính trị leo thang và bất ổn tài chính ngày càng gia tăng, nhưng 78% cho biết sẽ mất hơn 20 năm để xuất hiện một lựa chọn thay thế đáng tin cậy cho đồng đô la Mỹ.

Ngoài ra, 47% dự kiến sẽ tăng đầu tư vào vàng trong ba năm tới. Báo cáo cũng cho thấy sự gia tăng số lượng quỹ đầu tư quốc gia đã đầu tư trực tiếp vào tài sản kỹ thuật số. Tỷ lệ phân bổ cao nhất ở Trung Đông với 22%, châu Á - Thái Bình Dương với 18% và Bắc Mỹ với 16%.

Báo cáo được thực hiện thông qua việc khảo sát ý kiến 141 chuyên gia đầu tư cấp cao - bao gồm các giám đốc đầu tư và chiến lược gia danh mục đầu tư từ 83 quỹ đầu tư quốc gia và 58 ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.

Tin bài liên quan