Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP).

Joe Biden - “nước cờ” có thể khiến Trung Quốc quay lưng với ông Trump

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ nặng ký của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020, có thể là nguyên nhân khiến Trung Quốc “xoay 180 độ” với chính quyền Mỹ trên bàn đàm phán thương mại.

6 tháng trước, Trung Quốc đột ngột rời khỏi bàn đàm phán thương mại với Mỹ. Động thái này của Bắc Kinh khiến tất cả mọi người đều ngỡ ngàng, trong bối cảnh hai nền kinh tế thế giới tưởng chừng sắp đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài suốt nhiều tháng.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, các cuộc đàm phán Mỹ - Trung liên tục diễn ra với tần suất ngày càng tăng và đạt được tiến triển đáng kể từ đầu năm nay.

Tới tháng 3, dự thảo thỏa thuận thương mại giữa hai nước đã đạt được con số ấn tượng là 150 trang.

Theo dự thảo này, Trung Quốc cam kết từ bỏ nhiều hành vi thương mại từng bị Mỹ chỉ trích như thao túng tiền tệ, đánh cắp tài sản trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ và bí mật trợ cấp cho các công ty công nghệ cao của Trung Quốc.

Bắc Kinh thậm chí sẵn sàng ủng hộ những thay đổi về mặt cấu trúc, khi nhất trí với những điều khoản thực thi tương tự những điều khoản từng được Mỹ áp dụng với Triều Tiên.

Dự thảo cho phép trừng phạt mạnh tay các công ty Trung Quốc hoặc đánh thuế Trung Quốc nếu Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận.

Tuy nhiên, một thông báo do Trung Quốc gửi tới Mỹ vào ngày 3/5 đã thay đổi tất cả. Dự thảo thỏa thuận đổ vỡ.

Từng nội dung thỏa thuận bị loại bỏ. Những người Mỹ chứng kiến điều này nói rằng, Trung Quốc đã rút lại gần hết những nhượng bộ mà nước này đã đồng ý trước đó.

Phải chăng các nhà đàm phán thương mại Trung Quốc đã bội ước? Có lẽ là vậy, bởi Bắc Kinh từng nhiều lần nuốt lời trong quá khứ.

Tuy nhiên, theo Steven W. Mosher, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khảo sát Dân cư, lý do thực sự khiến Trung Quốc “xoay 180 độ” với Mỹ là một nhân vật có tên “Joe Biden”.

Ông Biden, cựu Phó Tổng thống Mỹ, đã chấm dứt hàng loạt tin đồn kéo dài suốt nhiều tháng khi tuyên bố tranh cử tổng thống vào ngày 25/4. Chỉ vài ngày sau đó, Trung Quốc quyết định “lật lọng” với Mỹ về dự thảo thỏa thuận thương mại.

“Trung Quốc quyết định câu giờ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, vì họ tin rằng họ sẽ nhận được thỏa thuận tốt hơn nhiều từ Tổng thống Biden trong tương lai”, Mosher nhận định.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden từ lâu đã là tiếng nói thân thiện, ủng hộ cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bắc Kinh có nhiều lý do để hy vọng rằng ông Biden, tương tự cựu Tổng thống Barack Obama, sẽ “nhắm mắt làm ngơ” trước các hành vi của Trung Quốc như đánh cắp việc làm hay tài sản trí tuệ của người Mỹ.

Trung Quốc có lẽ cũng chờ đợi rằng, sau khi nhậm chức tổng thống, ông Biden sẽ nhanh chóng gạt sang một bên các hàng rào thuế quan do Tổng thống Trump áp đặt, khiến nền kinh tế Trung Quốc bị tê liệt.

Đổi lại, những gì Washington nhận được có thể chỉ là những lời hứa suông từ Bắc Kinh.

Tuy vậy, theo nhà phân tích Mosher, Trung Quốc có một lý do khác để “đặt cược” vào ứng viên tổng thống Joe Biden: Đó là những thỏa thuận “béo bở” mà Trung Quốc đã trao cho Hunter Biden, con trai của ông Biden.

Phó tổng thống Joe Biden bước ra từ chuyên cơ cùng con trai Hunter Biden và cháu gái tại Trung Quốc tháng 12/2013 (Ảnh: AP).

Trong cuốn sách có tựa đề “Những đế chế bí mật”, tác giả Peter Schweizer đã tiết lộ rằng, Hunter Biden từng bay tới Bắc Kinh trên chuyên cơ Không lực Hai cùng cha mình vào tháng 12/2013.

Không lâu sau khi cha con ông Biden từ Trung Quốc trở về Mỹ, doanh nghiệp nhỏ của Hunter đã giành được hợp đồng trị giá 1 tỷ USD với một công ty con của Ngân hàng Trung Quốc. Giá trị hợp đồng này sau đó tăng lên 1,5 tỷ USD.

“Chính quyền Trung Quốc đã rót tiền cho một doanh nghiệp được đồng sở hữu bởi con trai của hai nhà hoạch định chính sách quyền lực nhất nước Mỹ”, tác giả Schweizer viết.

Theo nhà phân tích Mosher, đây chính là lý do khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng họ đã nắm Joe Biden “trong tầm tay”.

Kết quả của các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Biden hiện là ứng viên nhận được nhiều sự ủng hộ và có thể trở thành gương mặt đại diện cho đảng Dân chủ để đánh bại ông Trump, ứng viên đảng Cộng hòa, trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Cơ hội đắc cử của ông Biden càng khả quan hơn trong bối cảnh Tổng thống Trump đang vướng vào vụ lùm xùm liên quan tới cha con ông Biden.

Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã mở một cuộc điều tra luận tội nhằm vào cuộc điện đàm của Tổng thống Trump với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 7.

Trong cuộc điện đàm, ông Trump được cho là đã hối thúc Tổng thống Zelensky khởi động cuộc điều tra nhằm vào cựu Phó Tổng thống Biden và con trai Hunter Biden, người mà ông Trump cáo buộc là có những hoạt động đáng ngờ khi làm việc cho một công ty khí đốt của Ukraine thời ông Biden còn đương chức.

Khi đã “đặt cược” vào Joe Biden, Trung Quốc có thể cứng rắn với các nhà đàm phán của chính quyền Trump.

Mặc dù các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán vào tháng sau, song cơ hội để hai nước đạt được một thỏa thuận thực sự vẫn xa vời.

Phó Tổng thống Mike Pence tuần này thẳng thừng tuyên bố rằng, Mỹ muốn Trung Quốc thực hiện các cải cách đáng kể đối với hệ thống kinh tế của nước này, bao gồm dỡ bỏ các rào cản thương mại, chấm dứt hành vi cưỡng ép chuyển giao công nghệ và trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó, Tổng thống Trump tuyên bố, nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung trước cuộc bầu cử vào năm sau, Trung Quốc thậm chí sẽ đạt được một thỏa thuận tồi tệ hơn nhiều sau khi ông tái đắc cử.

Tin bài liên quan