Kết nối ngân hàng - DN: Chuyện cũ vẫn mới

Kết nối ngân hàng - DN: Chuyện cũ vẫn mới

(ĐTCK) Khúc mắc ngân hàng ứ tiền nhưng DN vẫn đói vốn một lần nữa lại được nêu ra tại Hội thảo “Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp: Cơ hội vốn cuối năm 2012” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 20/9.

Câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này chắc chắn sẽ còn được nói lại, vì chưa có giải pháp hiệu quả nào được đưa ra. 

 

Kết nối ngân hàng - DN: Chuyện cũ vẫn mới ảnh 1

Cần có một cơ chế khoanh và giãn nợ đối với các DN đang nợ quá hạn

Nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện DN nhận định, quý cuối cùng của năm đóng vai trò quan trọng và là tiền đề cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN cũng như ngân hàng trong năm 2013. Nhưng đến nay, DN vẫn trong tình trạng khó khăn ở nhiều mặt: cầu yếu dẫn đến hàng tồn kho cao (khoảng 30%), thiếu vốn kinh doanh, sản xuất đình trệ. Thậm chí, có đại diện DN than thở: “DN sắp chết hết nếu Nhà nước không có giải pháp hỗ trợ trực tiếp và ngay tức thì”. Những con số về lượng DN giải thể, tạm ngừng hoạt động được nhiều đại biểu dẫn chứng, như trong 6 tháng đầu năm 2012, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động lên tới 26.324 đơn vị, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2011, trong đó riêng số lượng DN giải thể tăng tới 35,4% so với cùng kỳ…

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, khảo sát của Hiệp hội cho thấy, phần lớn DN phải chọn phương án giải thể, ngưng kinh doanh đều là DN có quy mô vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ, dù nhóm DN này đóng góp trên 50% GDP hàng năm. Để tháo gỡ áp lực lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nỗ lực đưa lãi suất cho vay về dưới 15%/năm và hiện đã có gần 80% các khoản vay cũ được đưa về mức lãi suất này. Tuy lãi suất đã hạ, nhưng đa số DN, nhất là DN nhỏ không vì thế mà dễ thở hơn.

Đại diện Hiệp hội DNNVV tỉnh Lạng Sơn cho biết, trên địa bàn tỉnh này có những chi nhánh ngân hàng ứ trong kho hàng trăm tỷ đồng, trong khi có DN chỉ cần vay một vài tỷ đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng cũng không được. Đối với các DNNVV, phần lớn nguồn vốn kinh doanh được huy động là tài sản gia đình, nhưng với quy trình, quy chế cho vay hiện nay, tài sản đảm bảo đó không thể vượt qua khâu thẩm định, hoặc nếu có được “vào vòng trong” thì tỷ lệ cho vay trên tài sản thế chấp cũng không đủ đáp ứng nhu cầu kinh doanh.

Ông Đoàn Trọng Lý, Tổng giám đốc CTCP Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex cho rằng, nếu cứ yêu cầu DN phải trả hết nợ cũ mới được vay tiếp thì rất khó. Vì vậy, Nhà nước và ngân hàng phải vào cuộc, đưa ra cơ chế cụ thể để DN có thể tiếp cận vốn. Trong khi đó, ông Tô Hoài Nam kiến nghị, cần có một cơ chế khoanh và giãn nợ đối với các DN đang nợ quá hạn. Từ nay đến cuối năm 2012, để có cơ hội tái đầu tư mở rộng sản xuất trong năm tới, khối DNNVV cần có một lượng vốn mồi với cơ chế thông thoáng để tạo đà hồi phục.

Tuy nhiên, ở góc độ ngân hàng, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, các ngân hàng cũng rất vướng vì phải cho vay theo đúng quy định của NHNN và dựa trên đánh giá về khả năng trả nợ của DN. Hiện các ngân hàng đang áp dụng Quy chế 1627 về cho vay đối với khách hàng, theo đó, khách hàng muốn được vay vốn phải đáp ứng các điều kiện: đủ tư cách pháp nhân, mục đích vay vốn hợp pháp, có năng lực tài chính đảm bảo trả nợ, có dự án đầu tư, phương án kinh doanh có hiệu quả, thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay.

Trước những phàn nàn của DN rằng, ngân hàng dễ dàng cho vay đối với các DN thân quen, nhưng lại gây khó khăn cho DN khác, bà Hạnh yêu cầu DN cung cấp thông tin cụ thể.

“DN nào có đủ điều kiện vay vốn như trên mà không được ngân hàng cho vay cứ liên hệ trực tiếp với Hiệp hội. Không có chuyện ngân hàng cố tình gây khó dễ không cho DN vay bởi trên thực tế, hiện các ngân hàng cũng đang thừa vốn và rất muốn đẩy mạnh giải ngân”, bà Hạnh nói.

Đại diện ngân hàng thương mại duy nhất có mặt tại Hội thảo, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ, với điều kiện cho vay hiện nay, các ngân hàng khó có thể nới ngay, bởi phải tuân thủ quy định pháp luật cho tới khi có văn bản thay thế. Tuy nhiên, về phía DN, cũng cần nâng cao trình độ, năng lực quản lý, kể cả những vấn đề nhỏ như lập hồ sơ vay vốn, bởi không ít DN không lên được kế hoạch tài chính, không phân tích được nguồn vốn, tài sản của chính mình trong hồ sơ vay vốn. Ông Linh cho biết thêm, với nhóm khách hàng mục tiêu là DNNVV, OCB sẽ nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá khách hàng riêng cho phù hợp với điều kiện thực tế của khối này.