Kết quả kinh doanh: Bất ngờ vẫn chờ vào… quý IV

Kết quả kinh doanh: Bất ngờ vẫn chờ vào… quý IV

(ĐTCK) Trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý III, không ít doanh nghiệp tuyên bố đã về đích kế hoạch kinh doanh cả năm. Tuy nhiên, sẽ có nhiều yếu tố bất ngờ trong quý IV. 

Điểm danh những doanh nghiệp đã về đích kế hoạch năm

Kết thúc quý III, nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ, về đích kế hoạch kinh doanh cả năm. Có doanh nghiệp vượt khá xa so với kế hoạch cả năm. Các doanh nghiệp này tập trung trong một số ngành được hưởng lợi lớn từ thị trường, chính sách.

Năm nay, các doanh nghiệp ngành thép đặt mục tiêu kinh doanh khá cao so với cùng kỳ năm trước khi dự báo những thuận lợi từ chính sách và thị trường bất động sản khởi sắc. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ban đầu đặt mục tiêu 5.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, sau đó đã nâng lên 6.000 tỷ đồng. Ba quý đầu năm, HPG đã đạt 5.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 93,3% kế hoạch cả năm và Tập đoàn hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 6.000 tỷ đồng lợi nhuận ngay trong tháng 11 này.

Việc xuất hiện thêm một số yếu tố như nhu cầu tiêu thụ tăng cao và xảy ra vụ cháy nhà máy thép lớn nhất thế giới khiến giá thép thành phẩm tăng mạnh trong quý III vừa qua, cộng với chính sách bảo hộ trước thép nhập khẩu từ Trung Quốc đang giúp các doanh nghiệp ngành thép hưởng lợi lớn.

Thép Pomina (POM) trong 9 tháng đầu năm đã đạt doanh thu 8.331 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 514,3 tỷ đồng, vượt 28,6% kế hoạch cả năm. Trong khi đó, Thép Tiến Lên đạt 3.371 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 254,6 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch cả năm.

Tất nhiên, trong ngành thép vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả như Thép Thái Nguyên (TISCO). TISCO chỉ đạt 79,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng, đạt 44,2% kế hoạch, mặc dù doanh thu tăng 17,9% so với cùng kỳ.

Ngành chứng khoán cũng hưởng lợi lớn khi thị trường chứng khoán bùng nổ về thanh khoản, khi giá trị giao dịch trung bình đạt 4.500 - 5.000 tỷ đồng/phiên, tăng gần gấp 2 lần so với trung bình các năm trước. Môi giới và cho vay ký quỹ vẫn là hai mảng hoạt động đem lại nguồn thu chủ yếu cho hầu hết các công ty chứng khoán, chiếm đến 60 - 70%, có công ty chiếm đến 90% lợi nhuận.

Tính đến hết quý III, nhiều công ty công bố kết quả kinh doanh rất tích cực như Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đạt 979,2 tỷ đồng lợi nhuận, đạt 92,6% kế hoạch năm, VN-Direct (VND) đạt 363 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 96,2% kế hoạch năm. Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng đạt kết quả cao với 368 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 2% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đối với ngành chứng khoán, các công ty đạt lợi nhuận cao hầu hết là những doanh nghiệp nằm trong Top 10 thị phần. Tiềm lực lớn về tài chính, nhân sự đã giúp cho những công ty này chiếm được thị phần lớn.

Lợi thế về quy mô, thương hiệu càng là yếu tố rất quan trọng trong ngành bất động sản. Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh thì trong năm 2017 này, sự phân hóa giữa các doanh nghiệp bất động sản diễn ra rất mạnh. Những doanh nghiệp đang kinh doanh thành công có lợi thế lớn nhờ hai yếu tố: Nguồn quỹ đất rẻ, vị trí tốt và dòng tiền lớn. Chẳng hạn, Vạn Phát Hưng (VPH) hoàn tất các thủ tục pháp lý chuyển nhượng 3 khối chung cư của Dự án La Casa thu về gần 175 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nhờ đó, 9 tháng đầu năm 2017, Công ty đạt 181,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng vượt trội so với cùng kỳ. Những doanh nghiệp lớn như Vingroup (VIC), Đất Xanh (DXG), Novaland (NVL)... đang có những lợi thế này để hoàn thành mục tiêu năm.

Năm nay, do hiệu ứng Lanila, mưa nhiều đã mang đến cơ hội lớn cho ngành điện, đặc biệt là các doanh nghiệp thủy điện. Sản lượng điện dồi dào trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng cao, cộng với việc thay đổi giá mua điện là động lực lớn giúp các công ty thủy điện đạt kết quả kinh doanh cao. Công ty Thủy điện Sông Ba (SBA) đã báo lãi 97 tỷ đồng trong 9 tháng, cao gấp 5,6 lần so với cùng kỳ và vượt 28% kế hoạch năm. Thủy điện Miền Trung (CHP) lãi 276 tỷ đồng, vượt 21% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau 9 tháng. Còn Thủy điện Cần Đơn (SJD) lãi ròng 175 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ và vượt 14% kế hoạch cả năm.

Một số doanh nghiệp ngành cao su cũng tận dụng khá tốt cơ hội từ thị trường. Trước diễn biến tích cực của giá cao su, các doanh nghiệp này đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2017 khá cao. Tuy nhiên sau 9 tháng, Cao su Phước Hòa (PHR) đã vượt 5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm, còn Cao su Đồng Phú (DPR) vượt 16% kế hoạch lợi nhuận năm.

Chờ yếu tố bất ngờ vào quý IV

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng doanh nghiệp công bố vượt kế hoạch chiếm tỷ lệ khá lớn. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều bất ngờ có thể đến vào quý IV, đặc biệt là những ngành như xây dựng và bất động sản, theo quy luật thường ghi nhận doanh thu và lợi nhuận chủ yếu vào quý cuối năm.

Việc doanh nghiệp hoàn thành sớm kế hoạch kinh doanh về cơ bản khiến cổ đông, nhà đầu tư hài lòng. Nhưng việc hoàn thành kế hoạch sớm nhiều khi không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tăng trưởng. Năm nay, với dự báo gặp nhiều yếu tố tiêu cực từ bên ngoài (thời tiết, biến động thị trường), nhiều doanh nghiệp ngành mía đường, dầu khí đặt mục tiêu lợi nhuận khá thấp. Mía đường Quảng Ngãi (QNS) là một điển hình khi đặt mục tiêu rất thấp, thấp hơn hẳn so với thực tế đạt được hàng năm đến vài lần. Và thực tế, chỉ sau quý đầu tiên của năm, Công ty đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm.

Hay như Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đặt kế hoạch 560 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2017, giảm mạnh so với kế hoạch 960 tỷ đồng trong năm 2016. Chín tháng đầu năm nay, Công ty đạt 713 tỷ đồng lãi sau thuế, vượt 27,5% kế hoạch, tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2016.

Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm nhờ… điều chỉnh giảm kế hoạch. Có thể nói, việc điều chỉnh kế hoạch là câu chuyện mà năm nào cũng diễn ra, có những doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch ngay cả khi chỉ còn cách năm tài chính một thời gian rất ngắn.

Hay nhiều doanh nghiệp lại hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nhờ bán tài sản hoặc điều chỉnh chính sách ghi nhận tỷ giá. Chẳng hạn, Công ty VICEM Vật tư Vận tải Xi măng (VTV) mới đây đã nhượng bán tàu biển Comatce Sun mang về khoản lãi lên tới 51,56 tỷ đồng. Hay như CTCP Thủy sản Hùng Vương bất ngờ bán đi cổ phần tại Công ty Thủy sản Sao Ta (FMC) thu về khoản tiền lớn.

Suy cho cùng, kế hoạch kinh doanh là chỉ tiêu mà một doanh nghiệp lập ra cho mục tiêu của cả năm dựa trên những yếu tố mà doanh nghiệp thu thập và dự báo. Đối với các nhà đầu tư, chỉ tiêu này chỉ nên  xem là một con số để tham khảo hơn là yếu tố để ra quyết định đầu tư, do có nhiều khác biệt trong cách thức lập kế hoạch.

Tin bài liên quan