Kết thúc vụ tranh chấp SHS - GMC: Doanh nghiệp phát hành thua cuộc

Kết thúc vụ tranh chấp SHS - GMC: Doanh nghiệp phát hành thua cuộc

(ĐTCK) TAND TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tư vấn và bảo lãnh phát hành cổ phiếu giữa nguyên đơn là CTCP Ô tô Giải phóng (GMC, mã GGG) và bị đơn là CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).

Từ tranh cãi ban đầu về nghĩa vụ hợp đồng

Theo đơn khởi kiện của GMC, ngày 15/6/2010, GMC và SHS ký Hợp đồng dịch vụ tư vấn và bảo lãnh phát hành cổ phiếu số 273. Sau đó, ngày 4/10/2010, hai bên ký Cam kết bảo lãnh phát hành cổ phiếu, SHS nhận bảo lãnh phát hành cổ phiếu cho GMC theo phương thức: bên nhận bảo lãnh cam kết mua toàn bộ số cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu còn lại không phân phối hết, với giá 12.000 đồng/CP.

Ngày 29/10/2010, GMC được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng số 720, theo đó, bán 7.211.047 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 1.802.898 cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, thời gian phân phối trong 90 ngày.

Hết thời hạn phân phối chứng khoán và thời gian gia hạn (30 ngày), GMC chỉ bán được 163.362 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và SHS không thực hiện nghĩa vụ mua 7.047.675 cổ phiếu chưa phân phối hết.

Ngày 19/6/2012, GMC khởi kiện SHS ra tòa, yêu cầu SHS thực hiện 50% nghĩa vụ trên, cụ thể là mua 3.523.842 cổ phiếu GMC với giá 12.000 đồng/CP.

Tại phiên Tòa sơ thẩm, đại diện SHS cho rằng, theo Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chứng và giấy chứng nhận gia hạn chào bán chứng khoán do UBCK cấp cho GMC thì đến ngày 28/2/2011 là hết hạn, nhưng đến ngày 3/3/2011, GMC mới thông báo cho SHS và yêu cầu SHS thực hiện cam kết bảo lãnh. Như vậy, thời hạn để phát hành cổ phiếu đã hết, SHS không thể thực hiện nghĩa vụ của mình.

Theo nguyên đơn, Hợp đồng số 273 và Cam kết bảo lãnh đã quy định, SHS có nghĩa vụ “phối hợp với doanh nghiệp thực hiện báo cáo kết quả phát hành gửi UBCK; báo cáo kết quả phát hành và thực hiện các thủ tục khác có liên quan…”. Do đó, SHS buộc phải biết thời hạn kết thúc đợt chào bán.

Bản án sơ thẩm cho rằng, cả hai bên đều có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, nhưng do GMC không chủ động nắm bắt số lượng cổ phiếu không bán hết để báo cho SHS thực hiện nghĩa vụ khi thời hạn phát hành vẫn còn, nên GMC phải chịu 70% lỗi, SHS phải chịu 30% lỗi với số lượng cổ phiếu không bán được là 7.047.685 cổ phiếu. Với 30% lỗi, SHS phải có trách nhiệm thực hiện việc cam kết bảo lãnh mua 2.144.305 cổ phiếu với giá 12.000 đồng/CP, tương đương giá trị hơn 25,37 tỷ đồng.

Không đồng ý với phán quyết của Tòa sơ thẩm, cả hai bên đã có đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm.

Trong phiên Tòa phúc thẩm, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cho rằng, Tòa sơ thẩm tuyên GMC phải chịu 70% lỗi là không công bằng, thiếu khách quan. Trong công văn UBCK trả lời Tòa án quận Hoàn Kiếm có nêu rõ: Pháp luật về chứng khoán chưa có quy định cụ thể về thời điểm thực hiện cam kết bảo lãnh phát hành, nhưng để đảm bảo quyền lợi cho cả SHS và GMC trong tranh chấp về bảo lãnh phát hành, cần xem xét nội dung hợp đồng, cam kết bảo lãnh và các văn bản khác ký kết giữa các bên…

Theo GMC, trong Hợp đồng và Cam kết bảo lãnh phát hành cổ phiếu đã quy định rất cụ thể, rõ ràng (Điều 2.1.2 HĐ; điều 2, điều 4 Cam kết bảo lãnh), đối tượng giao kết là SHS phải mua toàn bộ số cổ phiếu chưa phân phối hết của GMC; thời gian thực hiện là khi kết thúc đợt chào bán; thời gian thanh toán là trong 10 ngày - sau khi hết thời hạn thu tiền của cổ đông hiện hữu (ngày 18/2/2011). Các nội dung trên đã thể hiện rất cụ thể điều kiện, thời gian để SHS thực hiện nghĩa vụ của mình.

Về phía SHS, đơn vị này kháng cáo bản án sơ thẩm vì cho rằng, Tòa yêu cầu bị đơn phải thực hiện mua số chứng khoán trong khi đã hết thời hạn phát hành là không đúng. Pháp luật về chứng khoán quy định chứng khoán phải được phân phối theo thời hạn của Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán do UBCK cấp.

Đến rốt cuộc là… hợp đồng vô hiệu

Hơn nữa, theo bị đơn, hợp đồng giữa SHS và GMC là vô hiệu do người ký hợp đồng đối với cả SHS và GMC là không đúng thẩm quyền. Pháp luật quy định, thẩm quyền ký hợp đồng là người đại diện theo pháp luật. Trong khi đó, phía GMC, thẩm quyền ký hợp đồng thuộc về Chủ tịch HĐQT (người đại diện theo pháp luật), nhưng trong hợp đồng ký với SHS, người ký là Tổng giám đốc.

Đối với SHS, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng giám đốc khi đó là người đại diện theo pháp luật, đủ tư cách để ký hợp đồng. Nhưng trong Điều lệ Công ty có quy định, Tổng giám đốc được ký hợp đồng có giá trị dưới 5% tổng tài sản, từ 5% trở lên đến 50% tổng giá trị tài sản phải xin ý kiến HĐQT và trên 50% phải xin ý kiến ĐHCĐ.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất (ngày 31/12/2009), tổng tài sản của SHS là gần 614 tỷ đồng. Nếu SHS phải bảo lãnh toàn bộ số cổ phiếu GMC phát hành, thì giá trị hợp đồng sẽ là gần 86 tỷ đồng, tương đương gần 14% tổng tài sản. Như vậy, với hợp đồng này, Tổng giám đốc SHS phải xin ý kiến của HĐQT trước khi ký, đồng thời phải niêm yết nội dung dự thảo hợp đồng tại Công ty.

Trong phiên Tòa phúc thẩm, HĐXX cho biết, công văn HĐQT SHS trả lời Tòa khẳng định, không nhận được bất cứ công văn nào từ ông Vinh về hợp đồng liên quan đến bảo lãnh phát hành của GMC.

Phản biện lại ý kiến của bị đơn, nguyên đơn cho rằng, ông Cương khi đó vừa là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của GMC nên hoàn toàn có đủ thẩm quyền để giao kết hợp đồng.

Còn về phía SHS, GMC cho rằng, ông Vinh có quyết định bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc SHS và là người đại diện theo pháp luật của Công ty, còn về Điều lệ của SHS có quy định riêng là thuộc về nội bộ của SHS, GMC không có trách nhiệm phải biết.

Ngoài ra, theo nguyên đơn, tại mục 3, Điều 35, khoản 3, Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 14/04/2007 của Bộ Tài chính quy định, “Công ty chứng khoán được thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán theo hình thức cam kết chắc chắn nếu đáp ứng các điều kiện sau: Tổng giá trị bảo lãnh phát hành không được lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu của tổ chức bảo lãnh phát hành vào thời điểm cuối kỳ gần nhất tính đến ngày ký Hợp đồng bảo lãnh phát hành…”. Với quy định này, hợp đồng giữa SHS và GMC hoàn toàn có hiệu lực pháp luật.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, hợp đồng giữa SHS và GMC không vô hiệu, nhưng không thể thực hiện do không có cổ phiếu để giao dịch. Theo pháp luật chứng khoán, đơn vị chào bán chứng khoán phải có phương án sử dụng vốn và báo cáo tình hình sử dụng vốn, nhưng đến thời điểm hiện tại, phương án sử dụng vốn của GMC đã không còn khả thi do đã thoái vốn tại một số dự án, nên không đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Nếu buộc SHS phải mua cổ phiếu của GMC như bản án sơ thẩm, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của SHS với tư cách là nhà đầu tư. Do đó, đề nghị sửa án sơ thẩm. GMC có quyền khởi kiện đòi bồi thường vì SHS không thực hiện hợp đồng, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phát hành của GMC.

Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm cho rằng, hợp đồng giữa SHS và GMC là vô hiệu về chủ thể, nhưng thời hạn để khởi kiện hợp đồng vô hiệu đã hết, nên các bên không thể khởi kiện với yêu cầu này.

Cũng theo HĐXX, yêu cầu mua lại số cổ phần không phát hành hết của GMC xuất phát từ một hợp đồng vô hiệu là trái pháp luật, nên không được chấp nhận. HĐXX phúc thẩm quyết định sửa bản án sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của GMC.

Tin bài liên quan