Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối

Khai thác hiệu quả “nguồn lực vàng” ngoại hối

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kiều hối là nguồn lực bổ sung quý giá đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời có tác động tích cực lên cung ngoại tệ, tỷ giá.

Kiều hối liên tục tăng

Năm 2021, theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng, kiều hối về Việt Nam ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so năm trước. Trong đó, chủ yếu là lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng, công ty kiều hối và qua bưu điện...

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng phía Nam
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng phía Nam

Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam hiện nay từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc… qua chương trình xuất khẩu lao động, trao đổi chuyên gia, nghiên cứu, du học sinh. Đây là những lực lượng đóng góp tương đối trong việc nâng cao số lượng kiều hối gửi về. Ngoài ra, còn một phần đến từ Việt kiều sinh sống và làm việc tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, Australia, Canada và Pháp (chiếm khoảng 80% số lượng Việt kiều)...

Với TP.HCM, trong năm 2021, kiều hối chuyển về địa bàn qua hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ đạt 7,1 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố. Đây là nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của TP.HCM nói riêng.

Dù chịu nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, đặc biệt là năm 2021, nhưng với cơ chế chính sách cởi mở, hệ thống chi trả kiều hối tiện ích, cùng với sự quan tâm của kiều bào luôn hướng về tổ quốc…, giúp lượng kiều hối về Việt Nam vẫn tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2021, theo các tổ chức này, ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020, khi Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối.

Dự báo năm 2022, kiều hối tiếp tục tăng khoảng 2,6%, nhất là khi lệnh phong tỏa vì dịch bệnh đã được gỡ bỏ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và kiều hối nói riêng ở quy mô toàn cầu là việc số ca nhiễm Covid hiện hữu. Bên cạnh đó, việc chấm dứt các chương trình kích thích tài khóa và hỗ trợ việc làm khi kinh tế phục hồi cũng có thể giảm lượng kiều hối.

“Nguồn lực vàng” cho phát triển kinh tế đất nước

Kiều hối có vai trò rất quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, kiều hối là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn gặp khó khăn.

Cùng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các nguồn vốn từ bên ngoài vào Việt Nam và có xu hướng tăng lên qua các năm. So với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI), kiều hối vào Việt Nam luôn có giá trị lớn và có tính ổn định cao hơn, thể hiện rõ tính ưu việt trong phát triển kinh tế ở Việt Nam trên các yếu tố.

Kiều hối không chỉ là nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ cho sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ, ngoại hối, cân bằng cán cân thương mại quốc tế…

Thứ nhất, kiều hối gửi về qua hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế, tài chính được phép nhận và chi trả ngoại tệ đã mang lại hiệu quả rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ, ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước; dự trữ ngoại tệ tăng và cân bằng cán cân thương mại quốc tế…

Trong đó, xét dưới góc độ là nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, kiều hối có đóng góp quan trọng, mang lại hiệu quả trong hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực tế cho thấy, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam không chỉ giúp đỡ thân nhân trong nước, chảy vào sản xuất - kinh doanh, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế, mà còn là nguồn cung giúp ổn định thị trường ngoại hối, từ đó góp phần ổn định tỷ giá USD/VND. Đồng thời, kiều hối cũng là một phần rất quan trọng cung cấp nguồn vốn đầu tư trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh. Bởi kiều hối là nguồn thu ngoại tệ ổn định, không hoàn lại, không tạo gánh nặng nợ nước ngoài cho nền kinh tế.

Thứ hai, kiều hối có tác dụng hỗ trợ cán cân thanh toán quốc gia, cân bằng cán cân thương mại. Số lượng ngoại tệ do kiều hối mang về rất cần thiết đối với Việt Nam để thanh toán hàng hóa nhập khẩu và các dịch vụ thương mại...

Thứ ba, nhờ chính sách tỷ giá linh hoạt, ổn định, trong khi lãi suất tiền gửi VND cao hơn ngoại tệ, nên nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam chủ yếu được khách hàng chuyển đổi sang tiền đồng để gửi tiết kiệm. Theo thống kê, hơn 70% người dân nhận kiều hối đều chuyển sang VND. Điều đó giúp ngân hàng có nguồn ngoại tệ dồi dào để phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, đặc biệt gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài.

Mặc dù lãi suất tiền gửi USD trong nước đang ở mức 0%, nhưng điều này sẽ không tác động nhiều lên kiều hối và dòng tiền này dự báo tiếp tục chảy mạnh về Việt Nam trong năm nay và các năm tới. Phần lớn nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, nhất là tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát trên cả toàn cầu.

Xét trên cả nhiều khía cạnh, kiều hối vẫn là một nguồn vốn quan trọng để đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, kiều hối mới chỉ dừng lại ở tiền mặt, mua bán bất động sản, hay tích lũy, mà chưa được phát huy như một nguồn tài chính đầu tư. Việc hướng kiều hối vào sản xuất - kinh doanh sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước nhiều hơn.

Để thúc đẩy lượng kiều hối chảy mạnh hơn nữa và khai thác hiệu quả hơn nguồn kiều hối về Việt Nam, cần có giải pháp kết nối bà con Việt kiều với doanh nghiệp trong nước. Các địa phương trong nước cần xây dựng hệ thống thông tin chung cho các tỉnh, thành phố, chẳng hạn như cẩm nang về chính sách và các dự án kêu gọi đầu tư hàng năm, được sắp xếp thuận tiện cho tìm kiếm từ địa phương, lĩnh vực, mức vốn, ưu đãi...

Tin bài liên quan