Khai xuân, xuất khẩu nhiều lô hàng lớn

0:00 / 0:00
0:00
Những lô hàng của các doanh nghiệp Việt đang tiếp tục rời cảng để tỏa đến nhiều thị trường quốc tế, khởi đầu thuận lợi cho một năm sản xuất, xuất khẩu hứa hẹn nhiều kết quả khả quan.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các lô hàng liên tiếp rời cảng

Thành tích xuất khẩu đạt giá trị 336 tỷ USD, xuất siêu 4 tỷ USD của năm 2021 đang được nối tiếp ngoạn mục ngay trong những ngày đầu xuân mới Nhâm Dần 2022. Liên tiếp những lô hàng lớn, nhỏ đang được các doanh nghiệp, ngành hàng khẩn trương đưa ra cảng để kịp xuất khẩu đúng thời hạn tới các đối tác.

Chia sẻ về hoạt động xuất khẩu đầu xuân mới, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group cho biết: “Chúng tôi ra quân xuất khẩu những lô hàng đầu tiên từ mùng 4 Tết với các container dừa, thanh long và xoài đi Australia và Mỹ. Đây là lô hàng khai xuân, đã được chuẩn bị, chiếu xạ trước kỳ nghỉ Tết. Sau đó, theo kế hoạch, hằng tuần, Vina T&T Group đều có những chuyến hàng rời cảng”.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tàu vận chuyển khan hiếm, chi phí logistics tăng cao, ngành rau quả nước ta đã nỗ lực duy trì hoạt động xuất khẩu, đạt kim ngạch 3,55 tỷ USD, tăng trưởng gần 9% so với năm 2020. Vina T&T là một trong những doanh nghiệp có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu chung của toàn ngành.

Sự hối hả, bận rộn của doanh nghiệp xuất khẩu được thể hiện ngay ở kết quả xuất khẩu trong tháng 1/2022, khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Việt Nam đã đa dạng hóa thị trường xuất khẩu rau quả. Cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu trong năm 2021 cho thấy sự chuyển dịch rõ nét với sự tăng dần tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang châu Âu và châu Mỹ; giảm dần tỷ trọng xuất khẩu sang châu Á.

Cụ thể, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020; tới châu Mỹ đạt 271 triệu USD, tăng 29,1% so với năm 2020.

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu rau quả đạt gần 301 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng 12/2021 và tăng mạnh so với mức 260 triệu USD cùng kỳ năm 2021. Sự linh hoạt, kịp thời ứng biến sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch mở ra nhiều hy vọng để ngành này cán mốc 3,8 - 4 tỷ USD vào cuối năm nay.

Không riêng ngành rau quả, ngành thép cũng đón đơn hàng lớn ngay đầu năm 2022, sau khi gia nhập “câu lạc bộ” ngành hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong năm 2021.

Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất thông tin, doanh nghiệp vừa ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng đầu tiên tới Italia với khối lượng 35.000 tấn. Đơn hàng đầu năm đi châu Âu mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn cho sản phẩm của Tập đoàn Hòa Phát.

Ông Trần Ngọc Ân, Phó trưởng phòng Kinh doanh (Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất) cho hay, lô hàng có mác thép SAE 1006, sản xuất theo tiêu chuẩn SAE J 403:2014. Thời gian giao hàng dự kiến từ ngày 15 đến ngày 20/2/2022. Ngoài ra, còn rất nhiều khách hàng nước ngoài muốn đặt mua sản phẩm thép cuộn cán nóng, nhưng Hòa Phát chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường. Đây cũng là động lực để Tập đoàn đẩy mạnh triển khai Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát đạt khoảng 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng.

Cơ hội để tăng tốc xuất khẩu

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 670 tỷ USD trong năm 2021 đã đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Thành tích này tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Báo The Guardian (Anh), Việt Nam hiện là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của châu Á, đang sản xuất hàng hóa cho một số thương hiệu lớn của phương Tây trong lĩnh vực công nghệ, hàng may mặc và đồ thể thao.

Đơn cử, Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành nhà sản xuất chính của hãng Nike (Mỹ). Sản phẩm của Nike tại Việt Nam chiếm tới 51% tổng sản phẩm sản xuất của tập đoàn này trong năm 2021.

Bà Lê Thị Anh Đào, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Golden Victory nhận định, các nhà máy sản xuất tại Việt Nam có ưu thế cạnh tranh khá rõ nét so với nhiều nước trong khu vực trong việc nhận đơn hàng của các nhãn hàng quốc tế. “Trước đây, nhiều nhãn hàng, trong đó có Nike, chủ yếu đặt gia công tại Trung Quốc, nhưng gần đây có xu hướng đặt hàng tại Việt Nam, vì thị hiếu của khách hàng thế giới chuộng sản phẩm gắn mác Made in Vietnam”.

Chính sách ưu đãi thuế và nhân công giá rẻ được đánh giá là những yếu tố chủ đạo giúp Việt Nam thu hút các thương hiệu lớn của quốc tế. Đặc biệt, triển vọng tích cực về quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2022 tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Từ cuối năm 2021, phần lớn doanh nghiệp thuộc các ngành hàng chủ lực, có đóng góp lớn cho xuất khẩu đều xác nhận, đơn hàng xuất khẩu cho quý I và quý II/2022 khá dồi dào.

Theo Tổng công ty cổ phần May 10, đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết với đối tác đến hết quý II/2022 đạt trên 80% năng lực sản xuất của Tổng công ty. Tín hiệu vui hơn là các đơn hàng có giá trị như veston sau một thời gian bị sụt giảm bởi dịch bệnh thì bước sang năm 2022 đã bắt đầu tăng trở lại.

Một doanh nghiệp khác của ngành dệt may là Công ty cổ phần Thương mại Hanhsilk cũng sẽ xuất khẩu lô hàng vải đũi “khai xuân” sang Nhật Bản vào ngày 20/2 tới. Bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Hanhsilk cho hay, kể cả trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp vẫn nhận được đơn hàng mới và dự báo, kết quả kinh doanh năm 2022 sẽ khởi sắc hơn.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định: “2022 sẽ là năm quan trọng, đặc biệt, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu”.

Tin bài liên quan