Thục Minh (áo trắng) phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN thứ 21 tại Phom Penh (Campuchia) năm 2012.

Thục Minh (áo trắng) phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN thứ 21 tại Phom Penh (Campuchia) năm 2012.

Khi báo chí đi lệch các giá trị căn bản

Một khi báo chí đi lệch các giá trị căn bản, cộng đồng sẽ trở nên hung hăng, lạc lối và vô tình đánh mất các giá trị nhân văn.

Một ngày hè năm 2007, tôi và anh Nguyễn Hoàng của Ban Việt ngữ Đài BBC cùng ăn tối ở một nhà hàng tại Bangkok (Thái Lan). Trong câu chuyện xoay quanh chủ đề báo chí, anh Hoàng nói một câu không đặc biệt, nhưng khiến tôi nhớ: “Một bài báo phải có ít nhất 1 trong 3 giá trị: thông tin, giáo dục và thẩm mỹ”. Tôi nhớ, bởi ở thời điểm đó, sau hơn một năm bước vào nghề báo, tôi chưa bao giờ tự đúc kết cho mình các giá trị cần có của một tác phẩm báo chí. Tôi vốn là dân khoa học, đột ngột rẽ sang viết báo.

Trong một lần trò chuyện với Tổng thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên Hoàng Hải Vân vào năm 2005, anh cũng nói một câu khiến tôi nhớ: “Một anh thợ mộc làm ra một chiếc ghế, anh ta biết chắc chiếc ghế đó có ích vì sẽ có người ngồi. Còn với một bài báo, nó có ích cho ai không, điều đó khó nói lắm”.

Chiếu theo “hệ giá trị” mà các bậc đàn anh đúc kết, tôi nghĩ, một bài báo với nội dung đại loại như “nghệ sĩ ngoài 70 tuổi vẫn muốn có con với vợ trẻ hơn gần 4 con giáp” không thuộc diện “có ích cho ai”. Những cơ quan báo uy tín mà đăng loại tin, bài như thế, thì coi như tự nguyện xếp mình vào diện lá cải. Hậu quả là gây phản cảm và mất lòng tin, mất sự kính trọng ở bạn đọc.

Tiếc là hiện nay, kinh tế khó khăn, doanh thu quảng cáo trên báo in giảm, một số cơ quan báo có tầm ảnh hưởng đã chọn cách “câu view” online bằng những tin, bài như vậy.

Hiếu kỳ và vô nguyên tắc

Tháng 1/2010, tại TP. Huế xảy ra vụ anh bộ đội lấy cắp một khẩu súng AK, cùng 36 viên đạn và một quả mìn của đơn vị để đi trả thù cô người yêu đã bỏ anh đi lấy chồng. Không gặp được người yêu cũ, anh ta đã bắt cóc một cô gái khác và đưa vào khách sạn khống chế làm con tin.

Khi các lực lượng an ninh mang khí giới đến khách sạn và phong tỏa nơi này bằng 3 lớp hàng rào cách xa hơn 1 km để tiếp cận thương lượng với kẻ bắt cóc, thì phóng viên một tờ báo đã bằng cách nào đó lẻn vào khách sạn và đến rất gần căn phòng đang diễn ra giằng co nhằm có được thông tin “độc quyền”.

Tòa soạn của anh ở TP.HCM khi đó vô cùng hào hứng cập nhật online từng phút diễn biến cuộc thương lượng gay cấn và nguy hiểm, từng bước đi và kế hoạch giải cứu con tin của các cơ quan chức năng. Xen vào đó là những câu hàm ý ngợi ca “sự dấn thân”, “tinh thần tử vì đạo” của phóng viên, như “Thưa bạn đọc, phóng viên… nhắn tin cho người trực: ‘Em đang nguy hiểm, anh đừng gọi cho em. Khi cần thiết em sẽ gọi trong ít phút tới’. Chúng tôi biết, anh đang tiếp cận để tìm cách chứng kiến”; hay “Thưa các bạn, việc tường thuật tại chỗ của… có thể bị dừng bất cứ lúc nào nếu phóng viên… bị tên bắt cóc bắn trúng!!"

Đông đảo bạn đọc cả nước phấn khích thức thâu đêm theo dõi và liên tục cổ vũ: “Vẫn đang chờ thông tin của phóng viên. Hy vọng phóng viên vẫn đủ sức khỏe để tường thuật trực tiếp vào giờ này. Cảm ơn bạn nhiều”…

Đọc những dòng này mà thấy lạnh sống lưng và ngao ngán. Rõ ràng, phóng viên và tòa soạn đã đi quá giới hạn thông tin cần thiết, xâm phạm hành lang an toàn của cơ quan thi hành công vụ, kích thích tính hiếu kỳ, mạo hiểm và bạo lực.

Về sau, mỗi khi thấy người dân chen quanh hiện trường vây bắt tội phạm, hiện trường các vụ tai nạn, hỏa hoạn… bất chấp an toàn, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng chức năng, để xem bằng được chuyện gì đã và đang xảy ra, tôi lại nghĩ đến “hiệu ứng” của vụ xâm nhập “tường thuật tại chỗ” nói trên. Mỗi lần đâu đó xảy ra bắt cóc con tin, tôi lại sợ có nhà báo “dấn thân” thâm nhập mọi ngóc ngách để có những tin độc, tin mật và tung lên mạng sớm nhất phục vụ độc giả hiếu kỳ, mà biết đâu, hung thủ với thiết bị điện tử cầm tay hay thông qua đồng bọn có thể biết hết kế hoạch đối phó của nhà chức trách.

Sự hăng hái thái quá của cộng đồng mạng

Khi mạng xã hội bùng nổ, sự “dấn thân” vô nguyên tắc như trên có lẽ đã lan rộng khắp cộng đồng. Thể hiện mỗi khi có sự vụ gì, cộng đồng mạng lập tức hăng hái lùng sục khắp nơi để tìm ra danh tính người trong cuộc. Và trong cuộc đua tìm kiếm ngấm ngầm đó, không ít người vô can đã bị “nhận diện” nhầm, hay người thân của người trong cuộc, dù không liên quan gì đến vụ việc, cũng bị lôi ra để bêu riếu, sỉ vả.

Vụ ông cựu Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Đà Nẵng có hành vi ấu dâm tại TP.HCM hồi tháng 4/2019 là một ví dụ. Tên tuổi, trường học, nghề nghiệp, địa chỉ, thậm chí tài sản của những người thân của ông được “chia sẻ” tràn lan trên Facebook. Việc cộng đồng mạng lên tiếng để hành vi xấu xa của ông ấy bị xử lý nghiêm khắc là đúng, nhưng người thân của ông ấy thì không liên quan gì và họ không phải chịu trách nhiệm về hành vi đó. Do vậy, việc bêu danh hay khủng bố tinh thần họ không phải là việc làm hợp pháp và nhân văn.

Dựng lại nếp nhà

Trong một cuộc đối thoại với báo chí hồi tháng 9/2009, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore Lui Tuck Yew đã nhìn nhận báo chí chính thống đang chịu sức ép cạnh tranh nặng nề từ các phương tiện truyền thông mới như blog, Facebook, Twitter. Với ưu điểm nhanh, sẵn sàng đáp ứng thị hiếu từng nhóm người và cho phép bất cứ ai tham gia đưa tin, “truyền thông mới” có sức xâm nhập và ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng.

Tuy nhiên, “truyền thông mới” khó đảm bảo được độ chính xác và tin cậy của thông tin, nên báo chí chính thống vẫn là kênh được tin tưởng. Ông Lui dẫn kết quả khảo sát của Nielsen Media Research năm 2008 cho hay, 75% người dân Singapore được hỏi nói rằng, họ chọn báo chính thống làm nguồn tin chủ yếu.

Theo ông Lui, có được kết quả đó là vì báo chí Singapore có năng lực và toàn diện, khách quan và chuyên nghiệp. “Báo chí Singapore không chọn cách đưa tin hung hăng, chộp giật. Thay vào đó, họ chọn cách điều tra kỹ lưỡng trước khi đăng bài. Và nếu có cơ sở chính đáng, họ sẵn sàng đưa quan điểm trái với lợi ích của các đơn vị nhà nước, các thiết chế chính quyền”, ông Lui nói.

Ông Lui cũng nhắc nhở báo chí cần tăng tốc cập nhật thông tin, đồng thời phải đảm bảo tối đa tính chính xác và đặc biệt là tính cân bằng, để dư luận không bị dẫn dắt đến một thái cực sai lệch.

Tôi đã hỏi ông Lui rằng, để đạt được cái gọi là “cân bằng” về thông tin, liệu Bộ của ông và các cơ quan báo chí Singapore có “ngồi lại với nhau” để “cân nhắc” phải đưa tin về một vụ việc quan trọng như thế nào, tin nào thì nên hay không nên đưa?

Ông Lui đáp: “Không, việc đó phải do các tờ báo tự tính. Chỗ tôi mà làm vậy thì chẳng khác nào tự hủy hoại sự chính trực của bộ máy chính quyền và tính độc lập của báo chí”.

Vâng, báo chí nên được “tự tính” việc đưa tin của mình, mà không phải chịu sự “chỉ đạo” của các cơ quan nhà nước. Đổi lại, báo chí cũng phải thể hiện tính chuyên nghiệp, gương mẫu, dấn thân, nhưng đừng quá đà và luôn phải nhớ 3 giá trị cốt lõi là thông tin, giáo dục và thẩm mỹ, để mỗi tác phẩm của mình đều có ích cho ai đó. Được vậy thì báo chí không phải lo bị qua mặt bởi “truyền thông mới” và cũng hoàn toàn có thể đòi hỏi bạn đọc trả tiền để đọc tin online của mình.

Thục Minh (Hiện sống tại Thụy Sĩ, từng làm việc cho Báo Thanh Niên và có 10 năm thường trú tại Singapore))
Tin bài liên quan