Dự án cầu Nam Lý chậm giải ngân do vướng giải phóng mặt bằng nên nhiều năm làm vẫn chưa xong.

Dự án cầu Nam Lý chậm giải ngân do vướng giải phóng mặt bằng nên nhiều năm làm vẫn chưa xong.

Khi Chủ tịch TP.HCM xin hạ thi đua - Bài 2: Mặc cấp trên nóng, cấp dưới vẫn... lạnh

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ “nóng” với những “lệnh” xử lý cá nhân, tổ chức không hoàn thành giải ngân, TP.HCM còn “còng lưng” xoay xở các nguồn vốn cho đầu tư công, bởi phân bổ từ Trung ương chỉ đáp ứng 21% nhu cầu. Thế nhưng, mặc cho cấp trên “nóng”, các cấp, ngành liên quan, các chủ đầu tư... vẫn “nguội lạnh”.

Trên “còng lưng” xoay tiền

Theo một tài liệu chúng tôi có được, trong một lần giải trình cuối năm ngoái với HĐND TP.HCM, UBND Thành phố cho biết, nhu cầu vốn đầu tư công trong giai đoạn 2021 - 2025 của Thành phố rất lớn, dự kiến khoảng 672.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách địa phương trong giai đoạn này của TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 (142.557 tỷ đồng) chỉ đáp ứng được khoảng 21%.

Tuy nhiên, TP.HCM vẫn có khả năng huy động thêm các nguồn khác (khoảng 140.000 tỷ đồng) để bổ sung vốn cho đầu tư công, nên đã đề xuất Quốc hội cho phép chủ động quyết định việc bổ sung tổng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 theo nguyên tắc bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương, không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Trong bối cảnh TP.HCM cần tận dụng tối đa tiềm lực về vốn đầu tư công để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19, sau buổi làm việc với TP.HCM, tại Thông báo số 852/TB-TTKQH ngày 31/3/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhất trí với đề xuất của TP.HCM và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, xem xét, có văn bản hướng dẫn, trả lời.

Sau hướng dẫn của bộ, ngành liên quan, UBND TP.HCM đã chỉ đạo rà soát, tính toán, xác định cụ thể từng nguồn thu, chi ngân sách địa phương, đảm bảo chắc chắn, khả thi và dành nguồn để cải cách tiền lương theo quy định, xây dựng phương án bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án cấp bách, có sức lan tỏa trong từng ngành, lĩnh vực và hỗ trợ một phần vốn cho các quận, huyện, TP. Thủ Đức thực hiện các dự án cấp bách.

Tới tháng 4/2022, UBND TP.HCM đã trình HĐND Thành phố duyệt cấp bình quân mỗi quận, huyện 200 tỷ đồng và TP. Thủ Đức 600 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện các dự án cấp bách, đủ thủ tục đầu tư và có thể triển khai thực hiện ngay trong giai đoạn 2021 - 2025.

Thậm chí, UBND TP.HCM đã trình HĐND Thành phố kế hoạch bố trí vốn trung hạn bình quân cho mỗi quận, huyện là 400 tỷ đồng, TP. Thủ Đức là 1.200 tỷ đồng để khi Thành phố được Trung ương chấp thuận tăng trần kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 thì sẽ chủ động thực hiện.

Dù vậy, so với nhu cầu thì số vốn trên còn rất khiêm tốn, nên theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, TP.HCM đã áp dụng giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư bằng hình thức hợp tác công - tư (PPP). Kết quả là, năm 2022, TP.HCM có 197 dự án kêu gọi, hàng loạt dự án đã được chấp thuận giao các cơ quan/nhà đầu tư nghiên cứu lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, áp dụng các loại hình hợp đồng khác nhau (BOT, BLT, BTL...), như Dự án Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, Dự án Xây dựng cầu Cần Giờ, Dự án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hiệp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc Thành phố…

Thế nhưng năm 2022, TP.HCM có tiền mà giải ngân đầu tư công vẫn không đạt mục tiêu và Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi phải làm văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin nhận trách nhiệm, xin tự hạ bậc thi đua.

Dưới… kệ trên

Vướng víu lớn dẫn tới giải ngân chậm chính là công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư dự án, mà đa phần bởi… con người. Trong báo cáo với Thủ tướng, UBND TP.HCM xếp đây là nguyên nhân khách quan.

Cụ thể, theo giải trình với HĐND cuối năm 2022, UBND TP.HCM cho hay, việc “có tiền, nhưng không tiêu được” do các chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến việc kiến nghị, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án chuyển tiếp, dẫn tới nghịch lý trên.

Nhiều chủ đầu tư chưa phối hợp tốt với các địa phương trong công tác khái toán tổng mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dẫn đến việc đề xuất tổng mức đầu tư cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường thấp hơn so với thực tế.

Tại một số dự án, chủ đầu tư chưa phối hợp với địa phương đề xuất bố trí vốn một lần cho công tác bồi thường. Đơn cử, Dự án Xây dựng đường vành đai Đầm Sen có tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh hơn 263 tỷ đồng, nhưng đầu năm 2022 chỉ đề xuất bố trí vốn 150 tỷ đồng.

Khi triển khai thực hiện, nhiều chủ đầu tư cũng chưa chuyển hết vốn một lần cho địa phương, hoặc nếu có chuyển đủ một lần, thì các địa phương cũng chưa đủ kinh phí để chi trả do dự toán ban đầu chưa đúng với thực tế, dẫn đến địa phương khó thực hiện, phải phối hợp đăng ký bổ sung phần vốn còn lại.

Bên cạnh đó, nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và được phê duyệt, nhưng chủ đầu tư lại chậm ký hợp đồng với các địa phương để thực hiện, như Dự án Nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi…

Có những dự án đã ký hợp đồng với chủ đầu tư, nhưng địa phương lại chậm hoặc chuẩn bị hồ sơ bồi thường chưa tốt, dẫn đến một số dự án chưa phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, chưa có quyết định thu hồi đất, nên phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được phê duyệt, dẫn đến khả năng giải ngân thấp hoặc không kịp giải ngân.

Liên quan vấn đề trên, năm 2022, khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM tính đến hết tháng 7/2022 mới đạt 26% kế hoạch năm, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Trần Văn Bảy cho hay, Sở Tài nguyên và Môi trường phải tự rà soát các dự án đầu tư công của các quận, huyện và nhắc các quận, huyện khẩn trương trình hồ sơ thẩm định giá. Tuy nhiên, nhiều quận, huyện làm việc này rất chậm, hồ sơ cũng chưa hoàn thiện, nên Sở phải trả tới trả lui rất mất thời gian. Và sau khi đã có phê duyệt giá, lẽ ra, quận, huyện phải chuẩn bị trước để chi trả cho người dân, thì nhiều nơi bị chậm trễ đến nửa năm, thậm chí 1 năm, dẫn tới giá lạc hậu, người dân phản ứng. Khi đó cũng không có cơ sở pháp lý để thẩm định lại.

Đó là chưa nói, việc dự kiến nhu cầu về căn hộ, nền đất của quận, huyện trên địa bàn quản lý còn chưa chính xác (bỏ sót dự án), dẫn đến việc Sở Xây dựng bố trí không đủ số lượng vào đầu năm. Đến khi dự án triển khai, các quận, huyện phải báo cáo lại để phân bổ thêm rồi mới xác định được vị trí để thẩm định giá tái định cư. Việc này làm trễ thời gian phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất (theo quy định giá bồi thường và giá tái định cư phải được duyệt trong cùng 1 ngày).

Thiếu sự phối hợp giữa các sở, ngành

Vấn đề này đã Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo với Thủ tướng.

Cụ thể, theo ông Mãi, việc giải ngân không đạt mục tiêu còn bởi sự phối hợp của các sở chuyên ngành và các cơ quan liên quan không tốt. Ngay từ đầu năm 2022, mặc dù chưa phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2022 hết theo mức vốn HĐND TP.HCM, nhưng Thành phố đã xác định các đối tượng dự kiến bố trí bổ sung vốn trong năm khi hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, các sở chuyên ngành chưa phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư để hướng dẫn, hoàn thiện, dẫn đến tình trạng “vốn chờ dự án”. Chính sự phối hợp thiếu gắn kết này dẫn tới việc chủ đầu tư bị trả hồ sơ, phải bổ sung, chính sửa nhiều lần và đến khi hoàn thiện được hồ sơ thì đã cận kề thời gian tổ chức thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền quyết định, đặc biệt là các nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố.

Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chưa đánh giá chính xác tình hình thực tiễn, không bám sát tiến độ thực tế của dự án để có những giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn được giao. Vì vậy, tại các hội nghị giao ban về đầu tư công, các chủ đầu tư thường xuyên báo cáo và khẳng định sẽ đạt tỷ lệ như mục tiêu đề ra là 95%, nhưng thực tế, giải ngân thấp hơn nhiều so với đăng ký.

Lãnh đạo Thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư báo cáo những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ thông qua nhiều hình thức như hội nghị giao ban, tổ công tác về đầu tư công. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc không được các chủ đầu tư báo cáo cụ thể, rõ ràng, dẫn đến không được xem xét, giải quyết, ảnh hưởng đến việc giải ngân. Vì vậy, kết quả hoạt động các tổ công tác cũng như hội nghị giao ban về đầu tư công do Chủ tịch UBND trực tiếp chủ trì tuy được tổ chức thường xuyên, đều đặn hàng tháng, nhưng chưa đạt được hiệu quả cao.

- Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan