Ảnh: Việt Dũng

Ảnh: Việt Dũng

Khi mặt bằng cho thuê bỏ không...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi ngành bán lẻ, nhất là những mặt hàng được cho là không thiết yếu, bị "sập hầm" vì Covid-19 thì cũng là lúc câu chuyện đi thuê và cho thuê mặt bằng được nói tới nhiều nhất.

Mai Hoa (28 tuổi, quê ở Đắk Lắk), vốn là chuyên viên phụ trách marketing cho một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP.HCM, nhưng lại có “máu đầu tư”. Cuối năm 2018, cô đã chi hơn 100 triệu đồng trong khoản tiết kiệm của mình để mua cổ phiếu và sau hơn một năm đầu tư chứng khoán có chút lời, tháng 9/2020, Hoa quyết định “chơi lớn” khi mở thêm một cửa hàng hoa tọa lạc ngay tại tuyến đường sầm uất nhất nhì quận 1 (TP.HCM) với giá thuê 50 triệu đồng/tháng (chưa kể điện, nước…). Ngoài ra, cô phải ký hợp đồng thuê dài hạn và đặt cọc trước 2 tháng tiền nhà cho chủ nhà.

Cửa hàng mới hoạt động được thời gian ngắn thì đến tháng 1/2021, TP.HCM bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 3, việc kinh doanh trở nên khó khăn và bị thua lỗ. Lúc này, Hoa đề nghị chủ nhà giảm tiền thuê nhà để bớt gánh nặng nhưng không được. Tuy nhiên, do còn tiền tiết kiệm và khoản thu nhập từ chứng khoán nên cô vẫn cầm cự được qua đợt dịch đó.

Thế nhưng, đến cuối tháng 4/2021, “cơn bão” Covid tái bùng phát và kéo dài đến nay, cửa hàng của Hoa tiếp tục phải đóng cửa theo các lệnh giãn cách để phòng chống dịch. Cũng như lần trước, Hoa đề nghị chủ nhà giảm 30% giá thuê/tháng nhưng không nhận được sự hỗ trợ. Do không thể tiếp tục bù lỗ nên cô đành phải dừng hợp đồng thuê trước hạn và chịu mất 2 tháng tiền nhà đã đặt cọc trước đó.

Nhưng trớ trêu thay, khi dọn đồ đi thì Hoa bị chủ nhà “tố” phá hoại tài sản, bàn giao lại mặt bằng không còn nguyên vẹn như lúc mới nhận. Lý giải vấn đề này, cô cho biết, lúc mới thuê, cửa hàng phải thiết kế và sửa chữa lại rất nhiều, khi dọn đi phải tháo dỡ những hạng mục đó để tận dụng cho chỗ kinh doanh mới, nên việc mặt bằng không còn nguyên vẹn như lúc mới nhận là điều dễ hiểu.

Câu chuyện của Hoa và chủ nhà đang được bàn tán sôi nổi trên các trang mạng xã hội và ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều. Anh Nguyễn Văn Tùng, một nhà đầu tư đang có hơn chục mặt bằng cho thuê cho rằng, khi ký hợp đồng thuê dài hạn, các bên buộc phải chấp nhận chuyện được - mất. Trong trường hợp giá mặt bằng tăng cao, giá thuê vẫn sẽ được đảm bảo ổn định, không phải đàm phán lại hay lo lắng tìm mặt bằng mới, chủ nhà vẫn buộc phải chấp nhận giá cũ vì hợp đồng đã ký, mất đi các cơ hội cho thuê giá cao hơn hoặc bán ngay khi cần tiền, đó là cái được của người đi thuê. Ngược lại, khi dịch bệnh, kinh doanh không như ý, người đi thuê cũng nên chấp nhận cái mất của mình, đã kinh doanh thì được ăn, thua chịu.

Cũng rơi vào thế khó khi cho thuê mặt bằng kinh doanh mùa dịch, chị Vũ Thị Thu Lê (ngụ quận 7) chia sẻ, thấy người thuê nhà gặp khó khăn nên chủ động giảm tiền thuê nhà. Những tưởng việc đó sẽ giúp san sẻ gánh nặng cho người kinh doanh, nhưng sau khi giảm xong thì bên kia cứ liên tục lấy lý do khó khăn để không trả tiền nhà suốt 3-4 tháng nay, trong khi chị cũng dựa vào tiền thuê nhà để sống.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về vấn đề này trên góc độ pháp lý, luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng văn phòng Luật Thanh Niên cho biết, việc thuê nhà và cho thuê là tự nguyện và luôn có hợp đồng đi kèm. Vì vậy, thỏa thuận sẽ dựa trên cơ sở hợp lý cho cả hai bên.

“Khi xác định thuê nhà để kinh doanh thì bên thuê cũng phải chấp nhận mọi rủi ro, chứ không thể lúc kinh doanh được thì hưởng trọn, khi rủi ro lại trút sang người cho thuê được. Bởi vậy, các bên cần ngồi lại với nhau để thống nhất cách xử lý, bởi dịch bùng phát thì cả hai bên đều thiệt hại, chứ không riêng bên nào”, luật sư Duẩn nói.

Tin bài liên quan