Khi nào vơi bớt áp lực tỷ giá?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ giá VND/USD đối mặt với áp lực đáng kể kể từ đầu năm tới nay. Câu hỏi đặt ra là khi nào áp lực tỷ giá sẽ vơi bớt?
Khi nào vơi bớt áp lực tỷ giá?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chào bán tín phiếu trở lại từ ngày 11/3 sau hơn 4 tháng tạm dừng. Việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng của nhà điều hành, qua đó thúc đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng, gián tiếp kiềm hãm đà tăng của tỷ giá USD/VND vốn đang chịu nhiều áp lực và đang được giao dịch ở mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã hút ròng khoảng 130.000 tỷ đồng qua tín phiếu (sau 9 phiên liên tiếp tính tới ngày 21/3), lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lại giảm sâu xuống thấp hơn cả mức ghi nhận trước khi kênh tín phiếu được khởi động trở lại và áp lực tỷ giá vẫn còn lớn.

Sáng ngày 22/3/2024, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam (VND) với USD tăng 6 đồng, hiện ở mức 24.005 đồng.

Theo VNDirect, động thái phát hành tín phiếu của NHNN không nhằm mục đích thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại mà chỉ là biện pháp ngắn hạn tạm thời nhằm hấp thụ thanh khoản dư thừa (trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu), góp phần ổn định tỷ giá VNĐ và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong nước.

Một số yếu tố trong và ngoài nước gây áp lực lên tỷ giá bao gồm: Mỹ ghi nhận số liệu kinh tế khả quan trong tháng 1, đẩy lùi kịch bản Fed hạ lãi suất vào các cuộc họp kế tiếp; Áp lực tỷ giá đến từ dòng tiền đầu cơ trong nước vào các tài sản thay thế như tiền điện tử và vàng trong bối cảnh giá các loại tài sản này đạt mức cao kỷ lục gần đây;

Cùng với đó, nhập khẩu tăng trưởng mạnh trong tháng 2/2024 cũng khiến nhu cầu sử dụng USD để thanh toán hóa đơn nhập khẩu tăng cao. Và cuối cùng là chênh lệch đáng kể về lãi suất giữa các giao dịch bằng VNĐ và USD cũng là một yếu tố góp phần khiến USD tăng giá so với VNĐ trong thời gian gần đây.

Trả lời câu hỏi về áp lực tỷ giá tại Hội thảo “Triển vọng môi trường tín nhiệm 2024”, ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc Phân tích Cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu, CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết, trong vài tuần vừa qua, VND đã mất giá khá mạnh trên cả thị trường tự do và hệ thống ngân hàng thương mại.

Cụ thể hơn, yếu tố tác động lớn nhất tới tỷ giá của Việt Nam trong thời gian qua là chênh lệch lãi suất VND trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là lãi suất huy động, so với các thị trường phát triển, nhất là thị trường Mỹ. Tình trạng chênh lệch lãi suất này sẽ không sớm được cải thiện mà phải quan sát thêm các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ví dụ trong cuộc họp của Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Fed ngày 20/3 vừa qua, vẫn chưa có thông tin về thời điểm sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên năm 2024.

Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc Phân tích Cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu, VIS Rating

Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc Phân tích Cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu, VIS Rating

“Tuy nhiên, Fed đưa ra dự báo sẽ giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024. Điều này cho thấy không sớm thì muộn mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD sẽ giảm bớt vào giai đoạn cuối 2024”, ông Duy cho biết.

Đánh giá về dòng tiền ra – vào thị trường Việt Nam thông qua cán cân thanh toán ngoại tệ, trong nửa cuối năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, cán cân thanh toán ngoại tệ vẫn được duy trì ở mức an toàn.

Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn FDI giải ngân và cán cân xuất nhập khẩu (dù 2 tháng đầu năm tình hình xuất siêu có đi xuống so với năm 2023), tuy nhiên tổng thể với các cân đối cán cân thanh toán ngoại tệ như vậy, dòng tiền vào thị trường Việt Nam vẫn lớn hơn so với dòng tiền ra, giúp cung - cầu dòng tiền ra – vào thị trường vẫn ở mức an toàn.

“Đánh giá thêm về áp lực tỷ giá trong thời gian gần đây, vì cán cân thanh toán ngoại tệ vẫn ở ngưỡng an toàn, chúng tôi cho rằng lý do chính dẫn tới áp lực tỷ giá là đến từ tâm lý thị trường và từ nhu cầu mua ngoại tệ trong thị trường nội địa”, ông Duy cho biết.

Gần đây, NHNN đã có các động thái điều hành thị trường thông qua việc rút bớt nguồn thanh khoản dư thừa từ hệ thống ngân hàng bằng cách phát hành tín phiếu với lãi suất tương đối thấp, tính tới ngày 20/3 đã rút khoảng 115 nghìn tỷ đồng.

“Chúng tôi cho rằng, về cơ bản, áp lực tỷ giá trong ngắn hạn vẫn còn tồn tại nhưng nhìn dài hơi hơn thì áp lực tỷ giá chưa ảnh hướng lớn tới các cân đối vĩ mô, cũng như triển vọng tín nhiệm của thị trường Việt Nam. Trong nửa cuối năm 2024, áp lực tỷ giá sẽ giảm bớt”, ông Duy cho biết.

Cùng chung quan điểm, theo VNDirect, có một số yếu tố giúp giảm áp lực tỷ giá về cuối năm 2024, bao gồm: Fed sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ trong năm nay; NHNN chủ động điều hành chính sách tiền tệ, cùng với dòng vốn FDI ổn định, thặng dư thương mại cao và kiều hối mạnh mẽ sẽ góp phần giúp tỷ giá ổn định hơn.

Tin bài liên quan