Doanh nghiệp đau đầu vì tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
Đúng như dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong phiên họp chính sách vừa kết thúc hôm 20/3, đồng nghĩa với việc đồng bạc xanh tiếp tục neo cao. Trong nước, tỷ giá có xu hướng tăng, khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại.
Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do từ đầu năm đến nay tăng khoảng 4%. Ảnh: Đức Thanh

Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do từ đầu năm đến nay tăng khoảng 4%. Ảnh: Đức Thanh

Nguy cơ chi phí tăng hàng ngàn tỷ đồng theo độ nóng USD

Hôm thứ Tư (20/3), sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Fed đã quyết định giữ lãi suất ổn định và không đưa ra thay đổi nào với dự định về việc cắt giảm lãi suất ba lần trong năm 2024. Điều này giúp USD tiếp tục giữ ở mức cao, gây thêm sức ép với đồng nội tệ của nhiều nước.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, dù giá USD bán ra tại các ngân hàng chỉ tăng 1,6-1,7%, song USD trên thị trường tự do đã có lúc tăng tới gần 4%. Tỷ giá tăng nóng, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp thuần nhập khẩu, các doanh nghiệp có dư nợ vay USD lớn.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay, cứ tỷ giá tăng 1%, thì chi phí của Tổng công ty tăng thêm 300 tỷ đồng. Như vậy, với tỷ giá biến động ở mức 4% như hiện nay - nếu tính theo tỷ giá trên thị trường tự do - Vietnam Airlines phải tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng chi phí trong năm nay.

Tương tự, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn này hiện tại là 38.000 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ USD. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc chi phí của Tập đoàn tăng lên rất mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Trong khi doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng vì tỷ giá tăng, thì doanh nghiệp xuất khẩu cũng không hẳn vui mừng hưởng lợi, bởi đa phần doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay phải nhập khẩu.

Với doanh nghiệp ngành thép, điều, may mặc…, chi phí nhập khẩu nguyên liệu đều bị đội lên đáng kể vì tỷ giá tăng.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, doanh nghiệp thép đang phải đối mặt với tình trạng nguyên liệu nhập khẩu (quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc…) tăng cao. Trong khi đó, Hiệp hội Điều, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cũng phản ánh tình trạng tương tự.

Ông Trần Hữu Hậu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, giá nhập khẩu điều thô tăng khiến giá điều thành phẩm của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh. Mặc dù với doanh nghiệp xuất khẩu, chênh lệch tỷ giá được bù đắp khi có ngoại tệ thu về từ xuất khẩu, song tỷ giá tăng nhanh khiến phần lợi thu về nhờ tỷ giá ngày càng giảm.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất - kinh doanh của May 10 đã phục hồi nhờ các đơn hàng quay trở lại. Tỷ giá tăng giúp gia tăng giá trị các đơn hàng xuất khẩu, song cũng khiến doanh nghiệp này phải đối mặt với bài toán chi phí nhập khẩu nguyên liệu, máy móc đội lên. Được biết, năm 2023, khoản lãi nhờ chênh lệch tỷ giá của May 10 giảm tới hơn 21% so với năm trước đó.

Doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 2/2024, xuất khẩu ước đạt 24,82 tỷ USD, song nhập khẩu cũng lên tới 23,72 tỷ USD. Đáng chú ý là, 2 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất siêu, nhưng khu vực doanh nghiệp trong nước lại thâm hụt thương mại tới 3,9 tỷ USD. Nói cách khác, nếu tỷ giá tăng, doanh nghiệp được lợi chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi doanh nghiệp trong nước thiệt nhiều hơn lợi. Chưa kể, tỷ giá tăng còn gây ra rủi ro nhập khẩu lạm phát.

Bà Trần Thị Hà My, chuyên gia phân tích vĩ mô tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nếu năm nay, tỷ giá tăng 2-3% sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến doanh nghiệp. Tuy vậy, nếu biến động quá mức này, đặc biệt từ 5% trở lên, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, tỷ giá biến động mạnh hơn nhiều so với dự báo của các định chế tài chính trước đó. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có phản ứng khá nhanh (phát hành tín phiếu hút tiền về), song tỷ giá vẫn chưa được hạ nhiệt đáng kể.

Dẫu vậy, theo dự báo của nhiều chuyên gia, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm, khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn, đồng thời Fed có thể cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước thay đổi chính sách quản lý thị trường vàng cũng có thể tác động tích cực hơn tới tỷ giá.

Trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp nhập khẩu cần chú ý tới các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ (có thể thỏa thuận điều kiện lãi suất thả nổi khi dự kiến Fed có thể giảm lãi suất từ cuối năm 2024).

Để tỷ giá hạ nhiệt, cần triển khai một loạt giải pháp

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong các nguyên nhân khiến tỷ giá tăng nóng từ đầu năm đến nay là do chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước giá vàng thế giới, dẫn tới cầu ngoại tệ để nhập lậu vàng tăng.

Chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tuần này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính đã siết chặt các cửa khẩu để quản lý số vàng và ngoại tệ này. Thời gian qua, cơ quan quản lý đã bắt được một số vụ chuyển USD, ngoại tệ trong nước, nước ngoài, như chuyển đi Hàn Quốc 1,6 tỷ USD hay đang điều tra, xử lý 3.700 tỷ đồng, hoặc vụ 1 triệu USD giả chuyển qua đường hàng không. Để giá vàng, USD hạ nhiệt, Bộ trưởng cho rằng, cần triển khai một loạt giải pháp liên quan đến cung - cầu, xuất nhập khẩu…

Tin bài liên quan