Các doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực đơn giản hóa hợp đồng bảo hiểm

Các doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực đơn giản hóa hợp đồng bảo hiểm

Khi nhà bảo hiểm không trung thực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được phản ánh về việc có công ty bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ trung thực trong giao kết hợp đồng bảo hiểm, tự ý cắt xén điều khoản, tính phí không tuân thủ quy tắc bảo hiểm đã được đăng ký với cơ quan quản lý.

Vi phạm nhiều lỗi

Ông Trương Minh Cát Nguyên - CEO TILA Finance kể, theo lời đề nghị của khách hàng cần tư vấn mua bảo hiểm cho ban lãnh đạo của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ gồm 5 thành viên về một chương trình bảo hiểm có số tiền được bảo vệ khoảng 5 tỷ đồng/người/năm. Tuy nhiên, sau khi đọc bộ hồ sơ bảo hiểm thì nhận thấy doanh nghiệp bảo hiểm chưa tuân thủ quy tắc bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Dù không nói thẳng tên công ty bảo hiểm này, nhưng ông Nguyên cũng hé lộ, đây là công ty nằm trong tốp 5 thị phần doanh thu phí lớn nhất thị trường.

Cụ thể, ông Nguyên cho biết, khi đối chiếu quy tắc bảo hiểm đã đăng ký và được phê chuẩn bởi Bộ Tài chính tại công văn số XXX/BTC-QLBH ngày 29/12/2022 và hợp đồng bảo hiểm mang ra thỏa thuận với khách hàng, điều khoản loại trừ trong quy tắc bảo hiểm khác với nội dung loại trừ ghi trong hợp đồng.

“Sản phẩm được đăng ký với cơ quan quản lý nêu rõ: Trường hợp khách hàng cố ý vi phạm để nhận được tiền bảo hiểm sẽ bị loại trừ (không được chi trả bảo hiểm), nhưng tại hợp đồng thỏa thuận với khách hàng thì lại bị cắt đi cụm từ ‘cố ý’ và điều này có thể khiến khách hàng bị thiệt hại”, ông Nguyên nói và phân tích thêm, bởi theo hợp đồng bảo hiểm, nếu khách hàng mắc lỗi không cố ý, chỉ là vô tình vi phạm luật giao thông (vượt đèn đỏ, quên bật xi nhan…) dẫn đến tai nạn giao thông, công ty bảo hiểm có thể dựa vào lỗi này để từ chối bảo hiểm, trong khi theo nội dung đăng ký với cơ quan quản lý thì chỉ lỗi cố ý vi phạm pháp luật gây ra thiệt hại mới bị từ chối.

Ngoài việc tự ý cắt xén điều khoản, công ty bảo hiểm này còn tính phí không tuân thủ quy tắc bảo hiểm đã đăng ký với cơ quan quản lý. Cụ thể, ông Nguyên cho biết, quy tắc bảo hiểm có 19 trang, nhưng thiếu trang 14 - Biểu phí bảo hiểm. Trong giấy chứng nhận bảo hiểm, mức phí bảo hiểm đưa ra là hơn 150 triệu đồng/người/năm cho số tiền bảo hiểm là 5 tỷ đồng/người/năm là quá cao, tương đương 3% số tiền bảo hiểm/năm, trong khi bình thường tỷ lệ phí cho loại bảo hiểm này chỉ khoảng 0,3-0,5% số tiền bảo hiểm/năm tùy độ tuổi, tức là từ hơn 15-25 triệu đồng/người/năm.

“Do hợp đồng vi phạm nhiều lỗi, tôi đã đề nghị khách hàng từ chối tham gia chương trình bảo hiểm trên, nếu quyết định mua bảo hiểm thì yêu cầu bên bán phải tuân thủ đúng quy tắc, điều khoản đã đăng ký với cơ quan quản lý”, ông Nguyên cho hay.

Nhà quản lý cần sát sao hơn

Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cùng với quy tắc, điều khoản bảo hiểm áp dụng là những nội dung chính yếu và quan trọng nhất của hợp đồng bảo hiểm.

Trên thực tế, câu chuyện công ty bảo hiểm tự ý điều chỉnh điều khoản bảo hiểm đã đăng ký với cơ quan quản lý không mới. Trước đó, Báo Đầu tư Chứng khoán từng phản ánh việc hầu hết công ty bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường, từ công ty trong nước tới công ty nước ngoài, đều vi phạm lỗi tự bổ sung điều khoản ràng buộc về thời hạn nộp hồ sơ vào hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người.

Đơn cử, quy tắc bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC) lúc bấy giờ ràng buộc thêm rằng, “khi yêu cầu UIC trả tiền bảo hiểm, người được bảo hiểm và/hoặc người thừa kế hợp pháp phải gửi các chứng từ cho UIC trong vòng 60 ngày (quá thời hạn trên sẽ bị từ chối một phần hoặc toàn bộ số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp bất khả kháng) kể từ ngày điều trị cuối cùng hoặc tử vong”.

Trong khi Luật Kinh doanh bảo hiểm không có quy định công ty bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thương lượng thay đổi về thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm. Do đó, việc công ty bảo hiểm đơn phương thay đổi (cho dù có ghi vào quy tắc bảo hiểm) là trái quy định pháp luật, gây ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người tham gia bảo hiểm, gây mất niềm tin của khách hàng dành cho bảo hiểm.

Sau khi có phản ánh của báo chí, đại diện khách hàng đã kiến nghị Bộ Tài chính hủy bỏ điều khoản trái luật nói trên trong các quy tắc bảo hiểm sức khỏe và một số công ty bảo hiểm cũng đã chỉnh sửa hợp đồng bảo hiểm theo đúng quy định.

Nhiều chuyên gia bảo hiểm cho biết, tình trạng thay đổi điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm không chỉ diễn ra ở khối phi nhân thọ, mà còn với khối nhân thọ - nhóm công ty thường có công ty mẹ đến từ nước ngoài vốn được xem là có bộ hợp đồng bảo hiểm “chuẩn chỉnh” nhất. Trong khi đó, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cùng với quy tắc, điều khoản bảo hiểm áp dụng là những nội dung chính yếu và quan trọng nhất của hợp đồng bảo hiểm.

Thế nhưng, tình trạng này vẫn kéo dài nhiều năm và tới nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. So với bản quy tắc được phê chuẩn, công ty bảo hiểm vẫn cắt xén, mở rộng điều khoản loại trừ, tính phí không tuân thủ quy tắc bảo hiểm…, ảnh hưởng đến quyền lợi bên mua bảo hiểm. Nhiều luật sư cho biết, các kết quả thanh tra của Bộ Tài chính trong nhiều năm qua chỉ đưa ra kết luận chung chung về những vi phạm này của công ty bảo hiểm, cũng không công khai tên công ty vi phạm và hình thức xử phạt chi tiết.

Theo Khoản 6, Điều 32 - Nghị định 46/2023/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm tuân thủ nội dung và biểu phí sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn, trong đó có nội dung về loại trừ bảo hiểm. Nếu có sự thay đổi nội dung điều khoản loại trừ, công ty bảo hiểm phải đăng ký lại sản phẩm với cơ quan quản lý.

Trường hợp vi phạm quy tắc, điều khoản, biểu phí về sản phẩm bảo hiểm đã được phê chuẩn, công ty bảo hiểm có thể bị phạt tiền lên đến 70 triệu đồng. Ngoài ra, phần nội dung liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong giấy phép thành lập và hoạt động sẽ bị đình chỉ từ 2-3 tháng và bị buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước khi xảy ra vi phạm như không tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được phê chuẩn (phải thực hiện lại đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được phê chuẩn), sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính (theo Khoản 6, Điều 18 - Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm).

Thông thường, với các lỗi do bên bán bảo hiểm gây ra, khách hàng thường khiếu nại lên Bộ Tài chính, nhưng như đã nêu ở trên, câu trả lời nhận được cũng chỉ chung chung theo kiểu như: “Tính tuân thủ của một số doanh nghiệp bảo hiểm về quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành, phê duyệt hoặc chấp thuận đăng ký (như bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bảo hiểm vật chất xe ô tô...) còn chưa cao… Công ty bảo hiểm có trách nhiệm tuân thủ đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được phê chuẩn hoặc đăng ký với Bộ Tài chính. Nếu khách hàng còn thắc mắc liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm, đề nghị liên hệ với công ty bảo hiểm bị khiếu nại để được giải quyết theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật”.

Để nâng cao tính thượng tôn pháp luật, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, cơ quan quản lý cần kiểm tra và giám sát chặt chẽ hơn bộ hợp đồng, các quy tắc, điều khoản đang được công ty bảo hiểm ký với khách hàng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bên mua bảo hiểm; xử lý những vi phạm theo hướng trực tiếp, thấu đáo hơn, kiên quyết hủy bỏ các điều khoản trái luật nếu có…

Tin bài liên quan