Ông Nguyễn Đức Hùng Linh

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh

Khó có khả năng TTCK sẽ hồi phục mạnh

(ĐTCK-online) Định hướng trong dài hạn của Việt Nam là sẽ ưu tiên hơn cho ổn định vĩ mô, vì vậy chính sách tiền tệ sẽ chỉ được nới lỏng từ từ, ngay cả khi áp lực lạm phát đã giảm bớt. Sẽ khó có thể lặp lại một đợt hồi phục mạnh như đầu năm 2009 mà thay vào đó, chỉ có thể hy vọng TTCK sẽ từng bước hồi phục cùng với sự hồi phục vững chắc hơn của nền kinh tế.

Trong 4 năm trở lại đây, Việt Nam đã phải đối mặt với 2 giai đoạn lạm phát cao, đầu tiên là giai đoạn đầu 2008 và thứ hai là giai đoạn đầu năm 2011. Bên cạnh những tác nhân bên ngoài, lạm phát luôn xuất phát từ sức khỏe và năng lực quản lý nội tại của Việt Nam .

TTCK chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Lãi suất và VN-Index đã đi ngược chiều nhau trong giai đoạn cuối 2007, đầu 2008. Kể từ đầu năm 2011, lãi suất tăng cao trở lại. VN-Index giai đoạn này mặc dù đi ngang, nhưng thực chất là giảm điểm (đà giảm nhìn rõ hơn ở HNX-Index).

Điểm đáng chú ý là đáy của TTCK thường đạt được khi lạm phát hay kỳ vọng lạm phát ở mức thấp, khoảng 8%/năm cùng với mức lãi suất liên ngân hàng ổn định ở vùng thấp 7%/năm. So sánh các mức này với mức lạm phát hiện tại trên 17%/năm và mức lãi suất liên ngân hàng đã lên tới 14% thì đà tăng của TTCK trong ngắn hạn là rất khó xảy ra.

So sánh Việt Nam với Thái Lan, ảnh hưởng của lạm phát tới TTCK ở Việt Nam lớn hơn rõ rệt. Sau khi chạm đáy vào đầu năm 2009, TTCK Thái Lan liên tục tăng điểm. Trong năm 2010, khi VN-Index đi ngang thì chỉ số SET của TTCK Thái Lan đã tăng tới 40%. Một nguyên nhân chính giúp TTCK tăng điểm là do lạm phát của Thái Lan luôn ở mức 4%, chỉ bằng 1/2 so với lạm phát của Việt Nam. Điều này tạo điều kiện cho NHTW Thái Lan duy trì mức lãi suất chủ chốt ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế.

Sau khủng hoảng 2008, Thái Lan đã duy trì mức lãi suất thấp (1,75%) trong một thời gian dài (15 tháng) trong khi tại Việt Nam , mức lãi suất thấp chỉ được duy trì trong vòng 7 tháng. Các đợt tăng lãi suất sau đó của Việt Nam cũng luôn có biên độ lớn hơn so với Thái Lan và ở thời điểm hiện tại, lãi suất chiết khấu của Việt Nam đã đạt 14%, chỉ thấp hơn 1% so với mức đỉnh 15% trong khủng hoảng lạm phát 2008. Trong khi đó tại Thái Lan, sau 3 đợt tăng 0,5%, lãi suất hiện nay đang ở mức 3,25%.

Theo chúng tôi, tình hình lạm phát của Việt Nam vẫn còn phức tạp bởi áp lực tăng giá hàng hóa thế giới. Những nỗ lực kiểm soát lạm phát của Chính phủ chưa mang lại nhiều hiệu quả và dự báo lạm phát tháng 5 vẫn trên 2%. Như vậy, lạm phát và lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Định hướng trong dài hạn của Việt Nam là sẽ ưu tiên hơn cho ổn định vĩ mô, vì vậy chính sách tiền tệ sẽ chỉ được nới lỏng từ từ, ngay cả khi áp lực lạm phát đã giảm bớt. Sẽ khó có thể lặp lại một đợt hồi phục mạnh như đầu năm 2009 mà thay vào đó, chỉ có thể hy vọng TTCK sẽ từng bước hồi phục cùng với sự hồi phục vững chắc hơn của nền kinh tế.

Khó có khả năng TTCK sẽ hồi phục mạnh  ảnh 1