Cuộc đua tăng lãi suất huy động bắt đầu

Cuộc đua tăng lãi suất huy động bắt đầu

Khó còn dư địa giảm lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay khiến dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất - kinh doanh không còn nhiều.

Giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã giảm mạnh trong những năm gần đây, nhất là trong năm 2021 do tác động của đại dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã giảm lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất đầu vào, từ đó giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng, nhất là với các doanh nghiệp, nhằm giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Kể từ khi đại dịch xảy ra, tính từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất cho vay đã giảm trên dưới 2% so với trước khi dịch xảy ra. Đồng thời, hệ thống ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu vốn, giãn nợ cho khách hàng, nhất là doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19. NHNN cũng đã ban hành Thông tư 14 sửa đổi Thông tư 03 kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ cho khách hàng ảnh hưởng dịch đến tháng 6/2022...

Ngoài ra, thông tin từ NHNN cũng cho biết, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến ngày 31/12/2021 của 16 ngân hàng là 21.244 tỷ đồng, đạt 105,13% so với cam kết. Điều này cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc đồng hành, hỗ trợ khách hàng, dù cũng chịu khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid, khiến áp lực nợ xấu tăng, trích dự phòng cao, nhất là với khoản nợ tái cơ cấu vì dịch bệnh.

Năm nay, khi dịch bệnh dần kiểm soát, không còn phong tỏa, nhu cầu vốn để hồi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tăng, là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Thực tế, tín dụng đã tăng trưởng tích cực 3 tháng đầu năm 2022 với mức tăng 5,04% trong quý I, gấp 4 lần so với cùng kỳ và dự báo sẽ còn tăng mạnh trong các quý còn lại của năm, nhất là vào mùa kinh doanh cao điểm trong quý IV.

Đó là lý do nhiều nhà băng đã đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tham vọng trong năm 2022, cao hơn mức mục tiêu 14% mà NHNN đưa ra. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu tham vọng này, đòi hỏi trước hết đối với các ngân hàng là phải có kế hoạch tăng cường, chuẩn bị tốt thanh khoản ngay từ lúc này. Và như vậy, cuộc đua lãi suất huy động bắt đầu.

Dư địa giảm lãi suất cạn dần

TS. Huỳnh Trung Minh, Chuyên gia tài chính
TS. Huỳnh Trung Minh, Chuyên gia tài chính

Trong 2 năm qua, khi lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, xuống mức quá sâu, trong khi các kênh đầu tư khác cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận cao hơn (chứng khoán, bất động sản, vàng…), khiến nguồn tiền tiết kiệm chuyển hướng sang các kênh này. Điều này được thể hiện qua con số tăng trưởng tiền gửi từ dân cư vào hệ thống ngân hàng giảm nhiều trong năm 2021, tất nhiên không thể bỏ qua yếu tố ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid.

Cụ thể, lượng tiền gửi của dân cư trong năm 2021 có nhiều tháng sụt giảm như tháng 1, tháng 8, tháng 9, tháng 11. Sang tháng 12/2021, theo số liệu của NHNN, số lượng tiền gửi dân cư cuối tháng 12/2021 tăng 158.623 tỷ đồng so với cuối năm 2020, tương ứng 3,08%, lên hơn 5,3 triệu tỷ đồng. Trong khi trước dịch Covid-19, mức tăng trung bình khoảng 10,8%.

May nhờ tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng đến 15,73%, thêm 767.367 tỷ đồng, lên hơn 5,645 triệu tỷ đồng, mới giúp tổng phương tiện thanh toán của hệ thống vẫn tăng trưởng 10,08%, đạt hơn 13,402 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán tháng 12/2022 tăng lên 11,34%, thay vì mức 11,25% của tháng 11/2021.

Tuy nhiên, để chuẩn thanh khoản, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng tham vọng trong năm 2022, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng dần lãi suất huy động và tung ra nhiều chương trình ưu đãi dành cho người gửi tiết kiệm.

Theo quan sát, mức lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tăng 0,2 - 0,25%, trong khi khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, đặc biệt ở các kỳ hạn dài, tăng cao hơn nhiều, từ mức 0,3 - 0,8%.

Điều này đã giúp gia tăng trở lại nguồn tiền gửi tiết kiệm từ cư dân trong những tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, theo số liệu của NHNN, tổng phương tiện thanh toán cuối tháng 2 đạt hơn 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,81% so với cuối năm 2021. Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm.

Trong đó, tiền gửi của tổ chức, doanh nghiệp cuối tháng 2/2022 đạt hơn 5,63 triệu tỷ đồng, giảm hơn 8.800 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng chưa thể khắc phục ngay của Covid, bên cạnh yếu tố mùa vụ. Trong tháng 1/2022, nhiều doanh nghiệp phải rút tiền để chi trả lương, thưởng cuối năm Âm lịch cho người lao động, khiến tiền gửi tháng này sụt giảm hơn 68.000 tỷ đồng. Sang tháng 2, tiền gửi của doanh nghiệp đã phục hồi trở lại, tăng hơn 59.000 tỷ đồng.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, gia tăng các tiện ích, dịch vụ giúp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là yếu tố giúp các nhà băng còn chút dư địa giữ lãi suất cho vay không tăng mạnh.

Trong khi đó, tại ngày 28/2/2022, người dân để hơn 5,46 triệu tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng, tăng hơn 56.000 tỷ đồng so với cuối tháng 1 và tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 3,01%). Mức tăng hơn 159.600 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm nay còn lớn hơn cả mức tăng trong cả năm 2021 (chỉ hơn 158.600 tỷ đồng).

Khi nói đến lãi suất, ngoài xem xét tương quan với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, trái phiếu doanh nghiệp…, thì còn dựa vào kỳ vọng lạm phát, cũng như độ dồi dào của dòng vốn liên ngân hàng và nhu cầu vốn.

Xét trên các yếu tố đó, hiện nay, dư địa để lãi suất tiết kiệm giảm thêm là không còn. Bởi áp lực lạm phát đang lớn khi giá nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa đều tăng mạnh do ảnh hưởng của xung đột, dịch bệnh. Nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Cananda…, đã tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát lên mức cao nhất mấy chục năm.

Ở trong nước, dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng trước áp lực của các yếu tố chi phí đẩy, dự báo lạm phát sẽ tăng lên trong thời gian tới. Trong khi đó, các kênh như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp dù độ rủi ro đang cao, nhưng mức sinh lời vẫn đủ hấp dẫn người có tiền tiết kiệm. Bên cạnh đó, các kênh khác như bất động sản, vàng…, đang có sức hấp dẫn lớn, nhất là bất động sản được dự báo giá sẽ còn tăng khi nguồn cung hạn chế. Do đó, dự báo lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục nhích lên trong thời gian tới.

Lãi suất huy động tăng sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay. Dù khó tăng mạnh khi chủ trương của NHNN là yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi vay, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp hồi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, nhưng dư địa để giảm lãi suất cho vay cũng đã không còn nhiều.

Tin bài liên quan