Kho hàng ảo “làm khó” ngân hàng

Kho hàng ảo “làm khó” ngân hàng

(ĐTCK) Sau 5 ngày xét xử vụ án lập hồ sơ giả, lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra tại Công ty TNHH Xây lắp và vật liệu công nghiệp (CIMCO), Tòa án nhân TP. Hà Nội đã quyết định hủy bỏ nhiều lệnh kê biên để các ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, với việc cầm cố thế chấp kho hàng “khống”, các ngân hàng khó có thể thu hồi đủ số nợ đã cho vay.

Tòa án đã đưa ra phán quyết với 13 bị cáo trong vụ án. Theo đó, bị cáo Chu Minh Ngọc, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty CIMCO bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm về số tiền 132 tỷ đồng chiếm đoạt của 2 ngân hàng OCB và PGBank. Tòa tuyên phạt bị cáo Ngọc mức án chung thân.

Đối với 6 bị cáo đồng phạm với bị cáo Ngọc ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tòa tuyên phạt mức án từ 7 – 16 năm tù giam. 6 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng bị truy tố tội vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng, Tòa tuyên phạt mức án từ 36 tháng án treo đến 6 năm tù giam.

Được biết, Công ty CIMCO được thành lập từ năm 2002, với ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách, lắp đặt hệ thống điện nước, buôn bán kim loại. Quá trình kinh doanh, Công ty CIMCO rơi vào tình trạng thua lỗ, không có tài sản, không còn khả năng thanh toán nợ vay đến hạn tại một số ngân hàng.

Để có tiền trả nợ ngân hàng, duy trì hoạt động của Công ty và sử dụng cho mục đích cá nhân, Chu Minh Ngọc đã chỉ đạo Lê Thị Hương, Kế toán trưởng Công ty lập khống báo cáo tài chính, phương án sản xuất - kinh doanh... để được ký 3 hợp đồng tín dụng với OCB Thăng Long và PGBank Thăng Long.

Khi giải ngân, Chu Minh Ngọc đã chỉ đạo các nhân viên Lê Thị Hương, Hà Trùng Dương lập và ký hợp đồng, xuất hoá đơn giá trị gia tăng khống về việc mua bán thép với các Công ty TMC, Công ty Tam Sơn, Công ty Vạn Lộc, Công ty Vinarich. Chu Minh Ngọc sử dụng các tài liệu này làm tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai và đã được 2 ngân hàng giải ngân hơn 500 tỷ đồng.

Quá trình vay vốn, Chu Minh Ngọc đã trả được một phần số nợ, cơ quan điều tra xác định tổng số tiền Ngọc còn chiếm đoạt là hơn 132,3 tỷ đồng.

Tại OCB, kết quả điều tra xác định, trên hồ sơ cho vay thì tài sản bảo đảm cho số tiền vay 67 tỷ đồng là 8.483 tấn thép, nhưng thực tế là không có tài sản. Chỉ còn lại giá trị quyền sử dụng cơ sở hạ tầng và tài sản gắn liền với đất tại thửa XN2-1B tại Khu công nghiệp Lai Cách, tỉnh Hải Dương trị giá 8,6 tỷ đồng được thế chấp bổ sung.

Tại PGBank, tài sản đảm bảo thể hiện trên hồ sơ vay vốn là 9.774,14 tấn thép được hình thành từ vốn vay, thực tế hàng hóa không có. PGBank yêu cầu Công ty CIMCO đưa các tài sản là máy móc thiết bị, quyền thuê đất và công trình trên đất tại Hải Dương và Hải Phòng vào thế chấp bổ sung.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an đã trưng cầu định giá, xác định giá trị số tài sản là máy móc, thiết bị, nhà xưởng của Công ty CIMCO tại khu công nghiệp Lai Cách, tỉnh Hải Dương và khu công nghiệp Bến Kiền, TP. Hải Phòng là 63 tỷ đồng.

Được biết, ngoài OCB và PGBank, Công ty CIMCO còn vay nợ nhiều ngân hàng khác. Tòa án đã triệu tập các ngân hàng: MaritimeBank; Liên Việt Post Bank, BIDV, ABBank, VIB với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, một số ngân hàng không có mặt.

Đại diện MaritimeBank và Liên Việt Post Bank đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng hủy bỏ lệnh kê biên đối với tài sản đảm bảo của họ để xử lý nợ.

Đại diện OCB, PGBank đề nghị Tòa án buộc các bị cáo phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền 132 tỷ đồng cho ngân hàng, đề nghị hủy bỏ lệnh kê biên để xử lý nợ.

Tòa án đã tuyên buộc bị cáo Chu Minh Ngọc phải có trách nhiệm bồi thường 49 tỷ đồng cho OCB, 82 tỷ đồng cho PGBank.

Ngoài ra, Tòa án còn quyết định hủy bỏ lệnh kê biên số 08 đối với tài sản đang cầm cố thế chấp tại OCB Thăng Long; hủy bỏ các lệnh kê biên số 04, 07, 21 đối với tài sản đang cầm cố thế chấp tại PGBank; hủy bỏ một số lệnh kê biên khác đối với tài sản bảo đảm cho Liên Việt Post Bank và MaritimeBank để các ngân hàng thu hồi nợ.

Tin bài liên quan