Mức đóng - hưởng BHXH của các nước rất khác nhau, không cùng mặt bằng nên không thể so sánh

Mức đóng - hưởng BHXH của các nước rất khác nhau, không cùng mặt bằng nên không thể so sánh

Khó so sánh mức đóng - hưởng bảo hiểm xã hội giữa các nước

(ĐTCK) Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức đóng - hưởng BHXH của các nước rất khác nhau, không cùng mặt bằng nên không thể so sánh.

13 Hiệp hội, ngành hàng vừa có văn bản góp ý vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi); trong đó, đề xuất nhiều nội dung như giảm tỷ lệ đóng BHXH, giảm tuổi nghỉ hưu, thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu...

Theo văn bản của các Hiệp hội, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc gồm BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) có hợp đồng lao động vẫn giữ như Luật BHXH 2014 là 32%. Tỷ lệ đóng BHXH của người SDLĐ ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều nước như: Malaysia đóng 16,5%, Ấn Độ 15,25%, Indonesia 10,26%, Campuchia 6,1%, Thái Lan 5%, Myanma 2%...

Trên cơ sở này, các Hiệp hội đề nghị, đối với tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của NLĐ và người SDLĐ nên đưa về mức đóng của năm 2009, tức là NLĐ đóng 5% và người SDLĐ đóng 15%, tổng cộng 20%.

Về vấn đề này, theo hồ sơ dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ đóng BHXH cao và cũng có tỉ lệ hưởng lương hưu cao nhất khu vực, nhóm đầu thế giới với 75% (Trung Quốc, Hàn Quốc là 40%).

Tuy nhiên, Bộ đánh giá, mức đóng - hưởng BHXH của các nước rất khác nhau, không cùng mặt bằng nên không thể so sánh. Ví dụ ASEAN đang tính toán, khuyến khích các nước thành viên đảm bảo tính bền vững, lâu dài của hệ thống hưu trí cần có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tăng mức đóng, giảm tỉ lệ hưởng (trung bình 40 - 60%).

Về lâu dài, nếu giảm tỉ lệ đóng BHXH sẽ đồng nghĩa với việc giảm tỉ lệ hưởng các chế độ BHXH, trong đó có lương hưu. Ngoài ra, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc không cao, đơn cử năm 2022 chỉ 5,73 triệu đồng/tháng nên mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu hiện nay cũng chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nhận định vẫn còn tình trạng doanh nghiệp trả thu nhập cho người lao động rất cao nhưng mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc rất thấp dẫn đến lương hưu thấp.

Hiện nay, con số 32% là dựa trên tiền lương căn cứ đóng BHXH chứ không phải tổng thu nhập. Ví dụ, một người lấy căn cứ đóng BHXH hằng tháng là 5 triệu nhưng thu nhập thực tế cao hơn do phụ cấp như ăn ca, thưởng sáng kiến, hỗ trợ xăng xe không tính đóng BHXH.

Cụ thể, người lao động đóng 10,5% gồm 8% hưu trí, 1,5% BHYT và 1% BHTN. Trong khi đó, người sử dụng lao động đóng 21,5% gồm 14% hưu trí, 3% ốm đau thai sản, 3% BHYT, 1% BHTN và 0,5% tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Như vậy, tỉ lệ đóng của hai bên là 32%.

Trao đổi với Báo Tuổi Trẻ, ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng cơ quan chức năng nên xem xét kiến nghị của các hiệp hội song phải tính toán tránh mất cân đối quỹ.

"Ai cũng mong muốn đóng BHXH thấp nhưng sau này về hưu, người lao động sẽ có lương thấp do nguyên tắc đóng - hưởng, rất khó duy trì cuộc sống. Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp và người lao động cần cố gắng duy trì mức đóng hiện tại", ông Huân nêu rõ.

Việt Nam luôn nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội

Việt Nam luôn nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội

Ông Huân chia sẻ nếu so sánh mức đóng BHXH phải đưa ra ví dụ cùng mô hình, cùng điều kiện phát triển. Việt Nam có mức hưởng lương hưu xác định trước (tối đa 75%) nên mức đóng phải đuổi theo để cân bằng. Các nước theo mô hình của Việt Nam cũng không hưởng tỉ lệ lên tới 75% mà chỉ khoảng 60%. Tuy vậy, mặt bằng tiền lương của họ cao hơn.

Cũng theo ông Huân, nhiều chuyên gia đều đánh giá Việt Nam đang "hào phóng" với chế độ lương hưu khi tỉ lệ hưởng cao nhất.

Ông Huân cũng nhận định rằng, nhiều người muốn đóng BHXH trên tổng thu nhập song thu nhập không ổn định, nhiều khoản "mềm" có biến động. Do đó, mức đóng BHXH hằng tháng dựa trên khoảng 70% thu nhập (khoản cứng) là hợp lý, đảm bảo lương hưu tốt, không quá ảnh hưởng đến nhu cầu hiện tại.

Về vấn đề này, bà Ingrid Christensen- Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, không tính BHYT thì mức đóng vào quỹ BHXH của Việt Nam chiếm 27,5% tiền lương tháng làm căn cứ. Đây là mức tương đồng các quốc gia thiết kế hệ thống BHXH cung cấp các chế độ an sinh tương tự như Việt Nam. Mức đóng ở Việt Nam giống như một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc (gần 33%), Nhật Bản (gần 30%) hay Malaysia (26,7%); không xa mức đóng góp của các quốc gia có hệ thống BHXH toàn diện hơn như: Bồ Đào Nha (gần 35%), Đức (gần 40%) và ngang bằng một số quốc gia có hệ thống BHXH phát triển như Brazil (29%), Argentina (27%)…

Một số quốc gia có mức đóng thấp hơn nhưng đồng thời các chế độ hệ thống cung cấp ít hơn rất nhiều. Nếu không đóng góp vào quỹ, luật quy định chủ SDLĐ phải chi trả một số chế độ cho lao động khi gặp rủi ro. Đơn cử Malaysia với mức đóng 26,7% chỉ thấp hơn Việt Nam 0,8% nhưng chế độ ốm đau thai sản do người SDLĐ trực tiếp chi trả. Hoặc ở một số nước khi xảy ra TNLĐ-BNN thì người SDLĐ phải chi trả... “Tuy nhiên việc để người SDLĐ chi trả sẽ khó giám sát, đánh giá, thậm chí xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Theo một số tiêu chuẩn lao động quốc tế, các chế độ này tốt nhất nên được chi trả qua hệ thống đảm bảo sự chia sẻ và minh bạch. Tại Việt Nam, tất cả chế độ an sinh đều được chi trả qua hệ thống BHXH và được Chính phủ, Quốc hội, xã hội giám sát. Do đó chúng tôi cho rằng cần hết sức cẩn trọng khi so sánh mức đóng”- bà Ingrid Christensen khẳng định./.

Tin bài liên quan