Việc tác nghiệp của phóng viên mảng địa ốc khó khăn trong bối cảnh thị trường này trầm lắng.

Việc tác nghiệp của phóng viên mảng địa ốc khó khăn trong bối cảnh thị trường này trầm lắng.

Khoảng lặng thông tin thị trường địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp “đóng băng” kế hoạch triển khai dự án, mở bán, nỗ lực cầm cự chờ thị trường “ấm” lại. Tâm lý “tốt khoe, xấu che” của nhiều doanh nghiệp đã khiến việc khai thác thông tin về khối doanh nghiệp cũng như mảng thị trường quan trọng này trở nên khó khăn hơn.

1. Sau hơn hai tuần đặt lịch và nhiều lần “hối thúc” qua tin nhắn, mới đây, lãnh đạo một doanh nghiệp môi giới địa ốc tại TP.HCM mới đồng ý trả lời phỏng vấn. Với gương mặt trầm tư, anh chia sẻ: “Tình hình kinh doanh hiện tại của công ty anh rất khó khăn. Cả bộ máy đang phải cố gồng và không rõ sẽ gồng được đến khi nào…”.

Anh tiết lộ, hiện nguồn tiền là phí môi giới chủ đầu tư đang nợ sàn lên đến hàng trăm tỷ đồng.

“Đợt dịch Covid-19, dù thị trường khó khăn nhưng không khó bằng bây giờ. Doanh nghiệp không có dòng tiền khiến mọi hoạt động ở mức cầm cự. Chưa kể, việc bán hàng ở thời điểm mà tâm lý khách hàng dao động trở nên khó khăn hết sức”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trải lòng.

Không khó để lý giải điều này khi thị trường địa ốc rơi vào giai đoạn trầm lắng, nhiều phân khúc gần như đóng băng thanh khoản. Không ít doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động và cắt giảm nhân sự. Đương nhiên, chẳng doanh nghiệp nào muốn nói cho cả thiên hạ biết là mình đang gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, thay vào đó, lúc nào cũng phải thể hiện công ty đang duy trì sự bình thường nhằm lấy điểm với ngân hàng, đối tác.

Có lẽ vì lý do tế nhị ấy mà lãnh đạo nhiều doanh nghiệp ngại chia sẻ thông tin hơn trước. Việc tiếp cận, khai thác thông tin từ các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng để phục vụ độc giả, nhà đầu tư do đó cũng trở nên khó khăn hơn.

2. Diễn biến của thị trường bất động sản hiện nay khiến nhiều người liên tưởng đến giai đoạn 2011 - 2013, với một số điểm chung: nguồn vốn tín dụng vào thị trường bị siết, lực cầu yếu và doanh nghiệp bất động sản lao đao. Cầm cự là chiến lược không ít doanh nghiệp địa ốc đã thực hiện trước hàng loạt sự kiện mở bán bị hoãn, không tạo được dòng tiền, doanh thu. Việc cắt giảm nhân sự, lương thưởng cũng như chi phí quảng cáo diễn ra tại các doanh nghiệp trong ngành bên cạnh nỗ lực tái cấu trúc tình hình tài chính.

Dẫu vậy, khác với giai đoạn 2011 - 2013, điểm sáng của thị trường bất động sản hiện tại là khả năng xoay xở nguồn vốn, cũng như thích ứng với khó khăn của doanh nghiệp ngày một linh hoạt hơn.

Trở lại với câu chuyện thông tin về thị trường bất động sản cũng như về các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc, trước sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội, thông tin được lan truyền với tốc độ rất nhanh, tình trạng phát tán tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, không khách quan diễn biến phức tạp, nhất là trong giai đoạn thị trường nhiều biến động tiêu cực.

Dù trong điều kiện thị trường thuận lợi hay khó khăn, nội tại “khỏe” hay “yếu”, doanh nghiệp vẫn cần chủ động trong công tác truyền thông, minh bạch thông tin, để nhà đầu tư, đối tác, khách hàng hiểu đúng và đầy đủ về doanh nghiệp.

Bởi vậy, dù trong điều kiện thị trường thuận lợi hay khó khăn, nội tại “khỏe” hay “yếu”, doanh nghiệp vẫn cần chủ động trong công tác truyền thông, minh bạch thông tin, để nhà đầu tư, đối tác, khách hàng hiểu đúng và đầy đủ về doanh nghiệp.

Đầu tháng 8 vừa qua, một tập đoàn địa ốc đã công bố dự án mới ra thị trường. Dự án tọa lạc ở ngay khu vực cửa ngõ phía Đông của TP.HCM, hệ thống cơ sở hạ tầng và các tiện ích đã hiện hữu… nên được nhiều nhà đầu tư săn đón. Lúc này, các sàn giao dịch như “nắng hạn gặp mưa rào”, huy động đội ngũ nhân viên bán hàng tập trung quảng cáo và tiếp cận khách hàng. Khách hàng nào có nhu cầu mua thì tiến hành thủ tục đặt cọc để giữ chỗ. Trớ trêu thay, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, chưa triển khai thi công… khiến nhiều khách hàng nghi ngờ đây là dự án lừa đảo.

Phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cũng nhận được nhiều thông tin phản ánh của khách hàng về dự án này nên đã chủ động liên lạc với chủ đầu tư để trao đổi. Dù đã tới tận trụ sở của doanh nghiệp để đặt lịch hẹn, thậm chí để lại câu hỏi để doanh nghiệp chuẩn bị nội dung phản hồi, song kết quả mà phóng viên nhận được chỉ là sự… im lặng.

Do không nhận được thông tin phản hồi, phóng viên tiếp tục liên lạc với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tại nơi có dự án để làm việc thì được biết, dự án chưa đủ điều kiện để huy động vốn từ khách hàng. Ngay sau đó, UBND phường sở tại đã làm một tấm biển đặt ngay trước khu vực dự án để thông tin rộng rãi đến người dân và cảnh báo các nhà đầu tư.

Mãi đến lúc này, người phụ trách truyền thông bên phía chủ đầu tư mới liên hệ với phóng viên để thông báo lịch hẹn phỏng vấn. Tại buổi làm việc, đại diện chủ đầu tư thẳng thắn thừa nhận là chỉ ký hợp tác với các sàn để khảo sát nhu cầu của khách hàng đối với dự án như thế nào, chứ chưa có kế hoạch mở bán chính thức, nhưng từ khi UBND phường đặt tấm bảng “cảnh báo” trước dự án, không có sàn nào dám làm việc với chủ đầu tư nữa.

Vụ việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng vì doanh nghiệp lên tiếng chậm trễ nên việc xử lý hậu quả rất vất vả. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy công tác “quan hệ báo chí” cần được chú trọng và yếu tố minh bạch sẽ là mấu chốt tạo ra tính hiệu quả trong quan hệ báo chí ngày nay.

Sự minh bạch được hiểu là thái độ hợp tác tích cực, cởi mở về thông tin giữa doanh nghiệp và báo chí, ngay cả trong trường hợp thông tin bất lợi đối với doanh nghiệp. Khả năng tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, trực diện sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh khỏi các thông tin đồn đại, thiếu chính xác, hoặc ít nhất có thể tạo ra các cơ hội giải quyết khủng hoảng truyền thông một cách tích cực.

Tin bài liên quan