Trụ sở Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Trụ sở Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Khởi kiện mở thủ tục phá sản doanh nghiệp: Chiêu đòi nợ “hiểm” - Bài 1: Doanh nghiệp ngàn tỷ bị tuyên phá sản vì nợ 17 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Do chưa chịu trả nợ, mà nhiều doanh nghiệp kiện và yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Hệ lụy cũng kéo theo từ đây.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bị đối tác kiện và yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản vì chưa chịu trả nợ. Trên thực tế, có những doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng thanh toán, khoản nợ phải trả rất nhỏ so với tổng tài sản, nhưng do nhiều nguyên nhân nên không hoặc chưa thanh toán tại thời điểm bị đòi nợ. Mục tiêu của Luật Phá sản là bảo vệ quyền về tài sản của các chủ nợ, cơ cấu lại nền kinh tế…, nhưng cần cẩn trọng để luật này không trở thành “công cụ” đòi nợ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhất là các công ty đại chúng.

Bài 1: Doanh nghiệp ngàn tỷ bị tuyên phá sản vì nợ 17 tỷ đồng

Ngay sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán DLG, sàn HoSE) vì món nợ hơn 17 tỷ đồng, cổ phiếu DLG bị ồ ạt bán tháo, rớt xuống giá sàn, biến động giảm hơn 11% trong một tháng nay, khiến doanh nghiệp này liên tiếp gửi đơn kiến nghị, khiếu nại.

Món nợ chiếm 0,14% tổng tài sản

Mới đây, Tổng giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (gọi tắt là Đức Long Gia Lai), ông Nguyễn Tường Cọt liên tiếp ký 2 văn bản là Đơn khiếu nại và Đơn đề nghị xem xét lại Quyết định số 0l/2023/QĐ-MTTPS ngày 9/10/2023 của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai về việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty Đức Long Gia Lai.

Quyết định của TAND tỉnh Gia Lai thể hiện, sau khi thụ lý và xem xét các tài liệu liên quan yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty cổ phần Lilama 45.3 (gọi tắt là Lilama 45.3; mã L43, trụ sở tại phường Lê Hồng Phong, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đối với Đức Long Gia Lai (trụ sở tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), xét thấy có thấy có các căn cứ chứng minh Đức Long Gia Lai mất khả năng thanh toán, TAND tỉnh Gia Lai quyết định mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai. Tòa yêu cầu, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên hoặc cho Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản.

Về căn nguyên của sự vụ này, ông Cọt cho biết, Đức Long Gia Lai phát sinh khoản nợ với Lilama 45.3 theo Hợp đồng số 20/HĐKT-ĐLGL-L45.3 về việc cung cấp, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công công trình thủy điện Đắk Pô Cô.

Theo Bản án số 03/2023/KDTM-PT ngày 8/2/2023 của TAND tỉnh Gia Lai và Quyết định Thi hành án số 1044/QĐ-CCTHADS ngày 15/3/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự TP. Pleiku, Đức Long Gia Lai phải trả cho Lilama 45.3 khoản nợ hơn 17 tỷ đồng, gồm tiền gốc trên 14,7 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán hơn 2,3 tỷ đồng.

Doanh thu quý II/2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đạt 289 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến cuối quý II/2023, DLG còn lỗ lũy kế hơn 2.000 tỷ đồng và tổng nợ phải trả gần 4.570 tỷ đồng.

Trong Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai, do chưa thể xác định được giá trị các tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh có phù hợp với kế hoạch trả nợ của Công ty hay không.

“Công ty có tài sản trên 10.000 tỷ đồng và nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nợ phải thu khá lớn từ các đối tác, khách hàng. Số nợ của Lilama 45.3 là rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,14% tổng tài sản của Công ty”, Đơn khiếu nại của Đức Long Gia Lai khẳng định.

Đức Long Gia Lai còn cho biết, Công ty đã và đang thực hiện trả nợ dần cho Lilama 45.3 theo quyết định thi hành án, nhưng do tài khoản của Lilama 45.3 bị phong tỏa, nên nhiều lần Đức Long Gia Lai chuyển tiền đều bị chặn (?). Tới ngày 12/10/2023, Đức Long Gia Lai mới chuyển trả được 100 triệu đồng cho Lilama 45.3.

Tuy nhiên Lilama 45.3 đã nộp đơn yêu cầu TAND tỉnh Gia Lai mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai và được Tòa thụ lý ngày 27/7/2023, ra quyết định ngày 9/10/2023.

Phản ứng của Đức Long Gia Lai

Trước quyết định của TAND tỉnh Gia Lai, đại diện Đức Long Gia Lai thông tin, trước đây, ở giai đoạn mới thụ lý, chưa có quyết định mở thủ tục phá sản, theo yêu cầu của TAND tỉnh Gia Lai tại Thông báo số 210/PS-TBTA ngày 25/7/2023, Đức Long Gia Lai đã có Công văn số 97/ĐLGL-VP ngày 9/8/2023 giải trình về việc giải quyết công nợ với Lilama 45.3.

Đức Long Gia Lai còn cung cấp cho TAND tỉnh Gia Lai báo cáo tài chính năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, thể hiện doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ.

Trong biên bản lấy lời khai tại TAND tỉnh Gia Lai ngày 5/9/2023, đại diện Đức Long Gia Lai cũng trình bày rõ, căn cứ báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022, báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 đã được kiểm toán và công bố thông tin, thì hệ số thanh toán hiện thời/ngắn hạn, hệ số thanh toán tức thời của Đức Long Gia Lai đủ tiêu chuẩn để đánh giá là có khả năng thanh toán; hệ số thanh toán nhanh và hệ số thanh toán tổng quát của Công ty đều trong giới hạn cho phép…, chứng tỏ Công ty không mất khả năng thanh toán, không lâm vào tình trạng phá sản thuộc trường hợp TAND phải ra quyết định mở thủ tục phá sản.

Vì vậy, theo Đức Long Gia Lai, việc TAND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 9/10/2023 là không đúng quy định tại khoản 2, Điều 42, Luật Phá sản. Đức Long Gia Lai đang duy trì việc trả nợ cho Lilama 45.3 theo quyết định thi hành án, nên việc Tòa mở thủ tục phá sản cũng không đúng với quy định tại khoản 1, Điều 4, Luật Phá sản.

Đại diện Đức Long Gia Lai cũng bức xúc cho hay, trong quá trình thụ lý Đơn đề nghị mở thủ tục phá sản của Lilama 45.3, Đức Long Gia Lai chưa được Thẩm phán thụ lý mời làm việc cụ thể để xác định Công ty có bị mất khả năng thanh toán không; đồng thời, Tòa án chưa tổ chức cuộc họp để các bên đối thoại, thương thảo việc trả nợ và xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán theo quy định tại khoản 3, Điều 42. Luật Phá sản.

Trong đơn khiếu nại, Đức Long Gia Lai đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng, TAND tỉnh Gia Lai kịp thời xem xét, ra quyết định đình chỉ quyết định mở thủ tục phá sản.

Bị tuyên phá sản, cổ phiếu rớt sàn

Theo đại diện Đức Long Gia Lai, doanh nghiệp đã có hơn 20 năm xây dựng và phát triển. Đức Long Gia Lai hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với hơn 30 công ty thành viên, 4 công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, 5 công ty thành viên có trụ sở đặt tại Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc và Mỹ.

Ngoài ngành nghề truyền thống như sản xuất và chế biến gỗ, đá granite, dịch vụ khách sạn, resort, khai thác và chế biến khoáng sản…, giai đoạn 2020 - 2025, Đức Long Gia Lai tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm là bất động sản, hạ tầng, năng lượng, sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử. Công ty đang giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động.

Từ tháng 6/2010, Đức Long Gia Lai chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), mã chứng khoán DLG.

Trong Đơn khiếu nại do ông Nguyễn Tường Cọt ký, Đức Long Gia Lai nhấn mạnh: “Đức Long Gia Lai là doanh nghiệp có nhiều đóng góp và có tầm ảnh hưởng lớn về kinh tế - xã hội tại tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung. Đức Long Gia Lai còn là công ty đại chúng, cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSE với gần 50.000 cổ đông và vẫn đang hoạt động bình thường”.

Khẳng định số nợ của Lilama 45.3 chỉ chiếm 0,14% tổng tài sản của Đức Long Gia Lai, công ty này cho rằng, việc Tòa mở thủ tục phá sản gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh; đến việc làm - đời sống của người lao động và hoạt động nộp ngân sách của doanh nghiệp.

Sau khi thông tin Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai được công bố, trên sàn chứng khoán, ngay phiên giao dịch sáng ngày 13/10, mã DLG bị nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, lập tức rớt xuống 2.420 đồng/cổ phiếu, biến động giảm hơn 11% trong một tháng nay. Tới cuối giờ sáng, dư bán giá sàn cổ phiếu DLG lên tới hơn 7,7 triệu đơn vị, trong khi bên mua không có người đặt lệnh.

Những ngày sau đó, cổ phiếu tiếp tục bị bán tháo với khối lượng lớn. Tại thời điểm sáng ngày 17/10, DLG chỉ còn 2.270 đồng/cổ phiếu. Trước đó, vào đầu năm 2022, DLG có giá trên 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, sau khi nhận được đơn của Đức Long Gia Lai đề nghị xem xét đình chỉ quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh Gia Lai, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã chuyển đơn của doanh nghiệp về lại… TAND tỉnh Gia Lai để giải quyết.

Lilama 45.3 (mã L43, sàn HNX) là đơn vị thành viên của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP, chuyên lĩnh vực khảo sát, thiết kế, xây dựng và lắp đặt các dự án thuộc các lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, thực phẩm, xi măng, lọc hóa dầu, xây dựng và lắp đặt trọn gói các công trình công nghiệp, dân dụng, đường dây và trạm điện đến 500 kV… 6 tháng đầu năm 2023, Lilama 45.3 ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 3 tỷ đồng, giảm 72,8% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận kế toán trước thuế âm gần 10 tỷ đồng, tăng khoảng 5,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Tại thời điểm ngày 30/6/2023, Lilama 45.3 ghi nhận tổng cộng tài sản ở mức gần 370 tỷ đồng, giảm khoảng 10 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, trữ tiền giảm mạnh 89%, còn 1,2 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của Lilama 45.3 tại ngày kết thúc quý II/2023 là 349,2 tỷ đồng, đi ngang so với số đầu năm. Trong đó, 100% là nợ ngắn hạn.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan