Không bỏ lỡ “chuyến tàu mới” blockchain

Không bỏ lỡ “chuyến tàu mới” blockchain

0:00 / 0:00
0:00
Blockchain không chỉ là trào lưu, mà còn được ví là “chuyến tàu mới” mà các doanh nghiệp Việt Nam không thể bỏ lỡ, nhưng để việc ứng dụng đạt hiệu quả cao vẫn là bài toán không đơn giản.

Đòn bẩy chính sách

Tại sự kiện ra mắt Metalook - ấn phẩm chuyên đề về blockchain (công nghệ chuỗi khối) đầu tiên tại Việt Nam - vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng trên nhiều phương diện, nhất là sau khi Covid-19 xuất hiện, sáng kiến thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo mang tính bền vững là một trong những nhu cầu cấp bách.

Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ mới sẽ tạo động lực cho nền kinh tế số phát triển, góp phần phục hồi kinh tế nhanh chóng và có khả năng tạo đà tăng trưởng vượt trội.

Ông Cường cũng thông tin về những định hướng cụ thể mà Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai trong năm 2022 nhằm hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên triển khai chính sách thí điểm cho một vài doanh nghiệp triển khai dự án blockchain khả thi, mang lại lợi ích cho xã hội rõ rệt.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhạy bén đã nắm bắt xu hướng mới và đẩy mạnh triển khai ứng dụng blockchain. Một số ngân hàng đã công bố ứng dụng blockchain trong hoạt động giao dịch tài chính. Một vài chuỗi cung ứng, doanh nghiệp nông nghiệp cũng đang đưa blockchain vào thí điểm… Tuy nhiên, cộng đồng công nghệ còn nhiều băn khoăn trong việc phát triển blockchain tại Việt Nam, đặc biệt là các rào cản pháp lý.

“Chúng tôi sẽ tháo gỡ dần các rào cản để thúc đẩy nhiều hơn nữa các cơ hội ứng dụng blockchain, chứ không chỉ trong lĩnh vực tài chính như hiện nay”, ông Cường nói.

Để phát huy sức mạnh của công nghệ

Trên thực tế, các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ, đã ban hành những chính sách nhằm từng bước đưa blockchain vào ứng dụng thực tế.

Ngoài một vài dự án crypto (tiền mã hóa) và blockchain như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain… thu hút được vốn đầu tư nước ngoài và gây tiếng vang trên thị trường, phần lớn các ứng dụng blockchain tại Việt Nam vẫn chưa đạt được thành công nổi bật.

Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước được kỳ vọng sẽ đầu tư nghiêm túc cho ứng dụng công nghệ để đạt hiệu quả cao, thay vì chạy đua theo trào lưu. Những khoản đầu tư không phù hợp với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gây tốn kém, thiếu hiệu quả và không phát huy được sức mạnh của công nghệ này.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Saigon Book, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cho rằng, công nghệ blockchain chỉ là công cụ hỗ trợ; còn về bản chất, một doanh nghiệp muốn thành công phải xác định tạo ra giá trị và phục vụ khách hàng...

Nhấn mạnh ứng dụng blockchain vẫn còn khá mới với doanh nghiệp trong nước, đại diện Metalook, ông Nguyễn Thanh Nam, Chủ tịch HĐQT OneBlock Labs nêu quan điểm, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức đủ sâu cả về tài chính, công nghệ lẫn kinh doanh để có thể vận hành hiệu quả.

Dù ứng dụng blockchain đã được doanh nghiệp khắp thế giới chứng minh khả năng thúc đẩy kinh doanh hiệu quả và giảm chi phí trong hoạt động vận hành, nhưng theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, bài toán phát triển nhân lực vẫn luôn là thách thức lớn, ngoài rào cản pháp lý đang hạn chế tiềm năng phát triển blockchain tại Việt Nam.

Theo tính toán, chi phí để xây dựng được đội ngũ nhân lực công nghệ blockchain cao gấp 3 - 5 lần so với đội ngũ nhân lực về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…

Tin bài liên quan