Không có chuyện chốt lãi GAS trên diện rộng

Không có chuyện chốt lãi GAS trên diện rộng

(ĐTCK) Đó là khẳng định của ông Huỳnh Richard Lê Minh (ảnh), Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt (VCSC) - đơn vị phụ trách tư vấn cổ phần hóa và niêm yết cho PV Gas (GAS).

Thưa ông, sát tới thời điểm chào sàn, nhưng thông tin về cổ phiếu GAS vẫn khá ít ỏi. Trên cương vị là nhà tư vấn IPO, tư vấn niêm yết, tư vấn tìm đối tác chiến lược nước ngoài và dự kiến tư vấn niêm yết quốc tế cho PV Gas, ông có thể đưa ra một vài thông tin về cổ phiếu GAS?

Trước đây, Vietcombank hay một số ngân hàng khác khi mới chào sàn chỉ niêm yết một phần rất nhỏ cổ phần đã IPO và sau một thời gian mới niêm yết toàn bộ. Khác với điều này, ngay ngày đầu niêm yết, cổ phiếu GAS được chấp thuận niêm yết toàn bộ gần 1,9 tỷ cổ phiếu. Với mức giá tham chiếu dự kiến, PV Gas sẽ có giá trị vốn hóa khoảng 68.220 tỷ đồng, tương đương 3,2 tỷ USD. Cổ phiếu GAS trở thành một trong hai cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong “rổ” tính VN-Index với tỷ trọng gần 9% tính theo giá tham chiếu chào sàn và giá các cổ phiếu trên thị trường cuối tuần qua.

Hiện tại, Nhà nước vẫn đang nắm giữ 96,72% cổ phần của PV Gas, do đó, lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thực chất chỉ có 61,25 triệu cổ phiếu, tương đương 3,23% tổng số cổ phần, phần này không bao gồm số cổ phần thuộc sở hữu của Ban lãnh đạo PV Gas nằm trong diện bị hạn chế chuyển nhượng trong thời hạn 6 tháng và 1 năm theo quy định. Vì vậy, nguồn cung PV Gas sẽ khá hạn chế, trong khi sức cầu đối với cổ phiếu GAS có thể sẽ khá lớn.

 

VCSC là nhà tư vấn cho PV Gas trong nhiều thương vụ, ông đánh giá cổ phiếu GAS nhận được sự quan tâm ở những yếu tố nào?

Trước hết, về vị thế, PV Gas là công ty con của PetroVietnam, nên có ưu thế trong việc tiếp cận các nguồn khí nằm trong vùng lãnh hải Việt Nam . Hiện nay, PV Gas là công ty duy nhất tại Việt Nam sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng các công trình khí đồng bộ, khép kín từ khâu thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến các sản phẩm khí. Bên cạnh đó, PV Gas có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khí, cũng như vị trí kinh doanh thuận lợi tại thị trường nội địa từ lợi thế về quy mô.

Về kết quả kinh doanh, năm 2011, PV Gas đạt 64.224 tỷ đồng doanh thu hợp nhất (tăng trưởng 33,8%). Lợi nhuận thuần hợp nhất đạt 6.420 tỷ đồng (tăng trưởng 30,4%). EPS công ty mẹ đạt 3.120 đồng/CP. ROE và ROA lần lượt đạt 27,3% và 14,1%. Trong quý I/2012, PV Gas công bố doanh thu hợp nhất đạt 18.447 tỷ đồng, lợi nhuận thuần hợp nhất đạt 2.393 tỷ đồng, hoàn thành 45% kế hoạch năm. Bộ phận phân tích của VCSC ước lượng thận trọng, EPS công ty mẹ dự phóng cho năm 2012 và 2013 ở mức 3.272 đồng và 4.521 đồng. Vì vậy, P/E dự phóng cho hai năm tới lần lượt ở mức 11 và 8 lần. Chưa tính tới quy mô và lợi thế kinh doanh, chỉ số này ở mức hấp dẫn so với các cổ phiếu vốn hóa lớn hiện nay.

Qua trao đổi với khối NĐT tổ chức nội địa và nước ngoài, chúng tôi nhận thấy, họ khá quan tâm đến sự kiện PV Gas lên sàn, bởi quy mô và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PV Gas, cũng như sự ảnh hưởng của cổ phiếu này trong “rổ” tính VN-Index, tương tự như với cổ phiếu BVH, VIC, MSN… trước đây.

 

Cách đây 18 tháng, PV GAS đã thực hiện IPO thành công với mức đấu giá  bình quân 31.000 đồng/CP. So với giá chào sàn hiện nay, các NĐT hiện nay đã có lời tương đối. Liệu có xảy ra làn sóng chốt lãi trên diện rộng cổ phiếu GAS?

Vào cuối năm 2010, TTCK đi xuống vì một loạt bất ổn kinh tế vĩ mô, khiến nhiều NĐT chấp nhận rời bỏ thị trường. IPO vào thời điểm thị trường không thuận lợi, nhưng PV Gas vẫn dành được sự quan tâm của giới đầu tư với hơn 1.000 NĐT đăng ký tham gia đợt đấu giá, trong đó có 12 nhà đầu tư tổ chức.

Sau khi PV Gas được cổ phần hóa, VCSC tiếp tục hợp tác với PV Gas trong nhiều sự kiện như giao lưu với NĐT, tổ chức các buổi tiếp xúc trực tiếp giữa PV Gas với các quỹ đầu tư, NĐT lớn, góp phần đưa thông tin về PV Gas kịp thời, chính xác tới các định chế tài chính chuyên nghiệp, giúp các NĐT tổ chức hiểu và đánh giá đúng cơ hội đầu tư vào cổ phiếu GAS trước khi niêm yết.

Hiện nay, nhà đầu tư tổ chức (không kể PetroVietnam) đang nắm 2,47% số lượng cổ phần, trong khi nhà đầu tư cá nhân nắm khoảng 0,8% cổ phần PV Gas. Khi cổ phiếu GAS chào sàn, sẽ có NĐT hiện thực hóa lợi nhuận, nhưng tôi tin không có chuyện chốt lãi cổ phiếu GAS ở diện rộng.

 

Xin ông cho biết thêm thông tin về quá trình tìm kiếm NĐT chiến lược cho PV Gas và về việc niêm yết cổ phiếu GAS tại TTCK nước ngoài?

Hiện nay, VCSC là nhà tư vấn nội địa tìm kiếm đối tác đối tác chiến lược cho PV Gas. Chúng tôi đã giúp nhiều đối tác nước ngoài tiếp cận với công ty đứng đầu ngành khí Việt Nam . Tuy nhiên, bất ổn kinh tế thế giới khiến dòng vốn đầu tư quốc tế hiện nay luân chuyển khá chậm chạp, vì vậy, quá trình xúc tiến, đàm phán vẫn đang tiếp tục. Trong vài năm tới, PV Gas cần thu xếp tài chính cho các dự án mới.

Trên cương vị là nhà tư vấn cho PV Gas trong nhiều sự kiện, VCSC sẽ tiếp tục đồng hành cùng PV Gas trong chặng đường thu xếp nguồn tài chính phục vụ cho các dự án. Việc PV Gas niêm yết cổ phiếu trên TTCK Singapore là một giải pháp mà chúng tôi và các bên liên quan đang nghiên cứu phương án phù hợp nhất cho doanh nghiệp.