Không được xây căn hộ diện tích nhỏ, DN có thể phá sản

Không được xây căn hộ diện tích nhỏ, DN có thể phá sản

Bộ Xây dựng cần ban hành quy định cho xây dựng các căn hộ có diện tích 30 - 60 m2, trị giá 0,5 - 1 tỷ đồng.

Căn hộ diện tích nhỏ là cứu cánh

Thị trường BĐS đang sa lầy trong một nghịch lý là cơ cấu sản phẩm hàng hóa không phù hợp với nhu cầu sử dụng. Khi mà khả năng đầu cơ đến hạn thì dù nguồn cầu vẫn dồi dào mà thị trường vẫn không thể thanh khoản, bởi nhu cầu của người dân hiện nay là dưới 1 tỷ đồng/căn hộ nhưng thị trường lại chủ yếu là căn hộ từ 2-3 tỷ đồng. Do đó, thị trường rơi vào khủng hoảng vừa thừa vừa thiếu.

Ông Phạm Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, đơn vị tiên phong trong việc xây nhà diện tích nhỏ để giảm giá thành, một lần nữa bảo vệ quan điểm của DN khi khẳng định rằng, năm 2012 thị trường BĐS chắc chắn là khó khăn hơn năm 2011, vì tình hình kinh tế còn khó khăn.

“Nếu Bộ Xây dựng không có chính sách kịp thời và nhanh chóng ban hành những quy định cho xây dựng các căn hộ có diện tích nhỏ 30 - 60 m2, với trị giá 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, thì sẽ có rất nhiều DN gặp khó khăn, thậm chí là phá sản”, ông Đực nói.

Một “bức tranh màu xám” được ông Đực hình dung với rất nhiều hệ lụy. Theo ông Đực, giả sử trong trường hợp DN có vốn tự có là 200 tỷ đồng, vay ngân hàng 300 tỷ đồng, huy động vốn của khách hàng khoảng 200 tỷ đồng, dùng khoản vốn 700 tỷ đồng này xây dựng một dự án gần hoàn thiện. Nhưng bây giờ không còn tiền để tiếp tục đầu tư nữa, ngân hàng thì không bơm tiền, khách hàng thì không mua sản phẩm, buộc phải tạm dừng và một khối bê tông trị giá 700 tỷ đồng này không còn giá trị gì. “Điều đó dẫn đến nguy cơ DN phá sản và tài sản đó có thể bị mua lại với giá khoảng 300 tỷ đồng - chỉ đủ trả ngân hàng, mà không biết lấy đâu ra tiền trả khách hàng và nhà thầu thi công”.

 

Nhà cho thuê - trông chờ tư duy mới

Ngay từ cách đây nhiều năm, DN BĐS cũng đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường nhà ở xã hội cho thuê, nhưng hầu hết đều e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này, do chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa rõ ràng, có nhiều điều kiện ràng buộc kèm theo khiến các DN thiếu chủ động trong kinh doanh.

Đề án nhà ở cho thuê đang được Bộ Xây dựng hoàn thiện được đánh giá là một nét mới của thị trường BĐS trong tương lai gần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia BĐS, để phát triển được phân khúc thị trường này cần có một cái nhìn mới về nhà ở cho thuê, cả từ phía các nhà quản lý, DN cho đến người dân.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, để thay đổi được tâm lý của người dân về nhà cho thuê và có thể làm phân khúc thị trường này có sự thay đổi đáng kể, mấu chốt nằm trong chính tư duy kinh doanh của DN. Quan niệm của các DN về nhà ở xã hội là loại nhà chất lượng thấp và thực tế những căn hộ chất lượng thấp ra đời đã tạo ra ấn tượng xấu với người tiêu dùng về loại hình căn hộ này.

Ông Trần Oanh, đại diện Tập đoàn Nam Cường cho rằng, thay vì sử dụng các thiết bị ở mức trung bình, cắt giảm sự tiện nghi để giảm giá nhà thu nhập thấp, thì DN nên đầu tư như nhà ở thương mại, sau đó cho người dân thuê.

“Sử dụng nhà thuê, người dân sẽ giảm được áp lực vì không phải chuẩn bị một khoản tiền lớn để trả, Nhà nước không mất đất vì không phải cấp sổ hồng, 40 - 50 năm sau nếu có phải phá đi làm lại chúng ta không mất tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Cái được ở đây là người nghèo vẫn được ở nhà đẹp, chất lượng tốt”, ông Oanh nói.

Trong Đề án nhà ở cho thuê của Bộ Xây dựng nêu rõ, để phát triển nhà ở xã hội trong đó có nhà cho thuê, trong thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở phi hàng hóa - nhà xã hội, để giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở nhưng không có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường. Cùng với việc Nhà nước khuyến khích, ưu đãi các DN tham gia đầu tư xây dựng quỹ nhà để bán, cho thuê giá rẻ, Nhà nước sẽ chủ động đầu tư quỹ nhà xã hội từ vốn ngân sách hoặc theo hình thức BT đổi đất lấy công trình… để có quỹ nhà để bán, cho thuê, thuê mua với giá rẻ nhằm đáp ứng cho đối tượng dân nghèo.