Big Data, AI, Blockchain đang thay đổi cả thế giới

Big Data, AI, Blockchain đang thay đổi cả thế giới

Không gian phát triển mới với Blockchain

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công nghệ tài chính - ngân hàng đã có nhiều thay đổi trong 50 năm trở lại đây, nhưng mọi thứ đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua với sự ra đời của Big Data, AI, Blockchain.

Sự phát triển của công nghệ đã kích hoạt cuộc cách mạng Fintech, xoay quanh ba trụ cột chính: Vốn sẵn có cho các công ty khởi nghiệp dưới hình thức đầu tư mạo hiểm; công nghệ mới; các mô hình kinh doanh mới. Trong đó, công nghệ Blockchain nổi lên như một trụ cột hàng đầu.

Những thay đổi này đã cải thiện lớn về mặt hiệu quả, tạo ra khoản tiết kiệm tiềm năng hàng năm từ 16 - 20 tỷ USD cho ngành tài chính. Blockchain có thể giảm 30% chi phí cơ sở hạ tầng cho các ngân hàng, đồng thời giúp giảm từ 8 - 12 tỷ USD chi phí hoạt động mỗi năm thông qua việc loại bỏ các bước trung gian và các khoản phí liên quan.

Năm 2016, IBM đã khảo sát 200 ngân hàng từ 16 quốc gia và dự đoán đến năm 2020, có khoảng 66% ngân hàng sẽ áp dụng công nghệ mới, trong đó việc áp dụng Blockchain đang tăng tốc nhanh hơn dự tính.

Tương tự, Công ty Tư vấn Accenture đã phỏng vấn 32 chuyên gia ngân hàng thương mại và nhận thấy, 9/10 ngân hàng tham gia khảo sát đã và đang khám phá việc sử dụng Blockchain trong thanh toán.

Với những tiện ích đó, nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài chính đã và đang phát triển, cung cấp các giải pháp cho ngành ngân hàng dựa trên công nghệ Blockchain. Theo Underwood, Deloitte đã phát triển các giải pháp xác minh danh tính khách hàng (Know Your Customers - KYC). Hay R3, một hiệp hội Fintech mới được hỗ trợ bởi hơn 40 ngân hàng đang làm việc trên một kiến trúc chuẩn hóa cho sổ cái riêng bằng cách sử dụng Blockchain, có thể cắt giảm đáng kể chi phí và thời gian giải quyết các giao dịch.

Ngoài ra, Dự án HyperLedger của Linux và IBM cũng đang xây dựng nền tảng của một sổ cái kỹ thuật số. Một số ngân hàng và viện tài chính đang xem xét triển khai Blockchain trong một số lĩnh vực kinh doanh như thanh toán, giao dịch chứng khoán, các quy trình dựa trên giao dịch, chuyển tiền và thanh toán trực tuyến.

Dưới đây là các lĩnh vực trong ngành tài chính - ngân hàng có thể ứng dụng Blockchain.

Blockchain là một trong những nền tảng quan trọng để hướng tới ngân hàng số

Blockchain là một trong những nền tảng quan trọng để hướng tới ngân hàng số

Thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới

Việc chuyển tiền liên ngân hàng và các khoản thanh toán xuyên biên giới thường được xử lý bằng các khoản thanh toán bù trừ trung gian, đòi hỏi một loạt quy trình phức tạp, bao gồm ghi sổ kế toán, giao dịch và đối chiếu số dư giữa nhiều tổ chức tài chính. Đây là một quy trình kéo dài, tốn nhiều thời gian và thường dẫn đến sự chậm trễ trong việc giải quyết các khoản thanh toán cũng như các chi phí bổ sung.

Theo một số thống kê, tổng số thanh toán xuyên biên giới đạt 27.700 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2017 và chiếm tới 20% tổng khối lượng giao dịch trong thanh toán và 50% doanh thu.

Bằng cách cho phép thanh toán ngang hàng (P2P) và giải quyết giao dịch 24/7, Blockchain có thể giảm chi phí và rủi ro giao dịch, đồng thời mang lại các khoản thanh toán theo thời gian thực nhanh chóng, tức thì, tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc giao dịch. Với những lợi ích đó, không ngạc nhiên khi các ngân hàng trung ương và các tổ chức tư nhân đã bắt đầu xem xét các ứng dụng dựa trên Blockchain để thanh toán.

Tại châu Á, các ngân hàng lớn như Mizuho, Sumitomo Mitsui Banking và Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ (Nhật Bản) đã ứng dụng Blockchain trong dự án chuyển tiền ngang hàng, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ tài chính, an toàn và bảo mật cao hơn, nhưng với chi phí thấp hơn.

Tại khu vực Đông Nam Á, OCBC (Singapore) được biết đến là ngân hàng đầu tiên thực hiện chuyển tiền nội địa và chuyển tiền quốc tế trên nền tảng Blockchain vào năm 2016.

Tại Việt Nam, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã hợp tác với một số ngân hàng như VietinBank, VIB, TPBank thực hiện thành công giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng bằng Blockchain vào tháng 7/2018.

Trên thực tế, hoạt động thanh toán xuyên biên giới không chỉ gắn với các giao dịch kinh doanh, mà hoạt động chuyển tiền chiếm một lượng đáng kể. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tổng lượng kiều hối quốc tế đạt 585 tỷ USD trong năm 2017, trong đó chi phí giao dịch chuyển tiền chiếm 7,32%. Trong khi đó, có khoảng 39% dân số thế giới, chủ yếu ở các nước đang phát triển không có tài khoản ngân hàng và không được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Trong bối cảnh này, sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống Blockchain và công nghệ di động có khả năng đưa hàng tỷ USD đến với nhiều hộ gia đình ở các nước đang phát triển, từ đó làm giảm khoảng cách so với các nền kinh tế lớn.

Theo kết quả khảo sát của Công ty Tư vấn Accenture, hơn 50% các nhà quản lý hàng đầu hiện nay đã thừa nhận Blockchain giữ vai trò quan trọng đối với sự thành công của các ngân hàng, cũng như công ty tài chính. Công nghệ này cho phép hệ thống ngân hàng tiết kiệm nhân lực, giảm bớt các thủ tục rườm rà, đẩy nhanh tốc độ xử lý các giao dịch. Họ tin rằng, trong tương lai, các ứng dụng của Blockchain sẽ dần dần thay thế các nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng.

Hoạt động tín dụng

Theo kết quả khảo sát của Công ty Tư vấn Accenture, hơn 50% các nhà quản lý hàng đầu hiện nay đã thừa nhận Blockchain giữ vai trò quan trọng đối với sự thành công của các ngân hàng cũng như công ty tài chính.

Blockchain là một công nghệ hiện đại cho phép các giao dịch thông minh thay thế các giao dịch truyền thống, từ đó giảm chi phí giao dịch cho vay và tài chính kinh doanh. Tín dụng cũng là một lĩnh vực mà Blockchain có thể giúp thay đổi các hoạt động hiện tại. Một ví dụ điển hình là việc áp dụng các loại tiền số dựa trên Blockchain để cho phép huy động vốn từ cộng đồng không qua trung gian, hay còn gọi là Phát hành tiền số lần đầu (ICO - Initial coin offering).

Bất chấp nhiều ồn ào, các hệ thống cho vay ngang hàng, với sự hỗ trợ của Blockchain, đang nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư, cơ quan quản lý và phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, khối lượng vốn qua các kênh này vẫn chiếm thị phần nhỏ trên tổng thể thị trường cho vay. Điều này cho thấy, các hệ thống Blockchain vẫn còn gặp không ít khó khăn trong việc vượt qua “biên giới lòng tin” của người dùng tài chính.

Đối với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, sự kém hiệu quả của hệ thống thông tin tín dụng chủ yếu do dữ liệu khan hiếm và chất lượng thông tin kém, nên khó phán đoán khả năng tài chính của cá nhân; khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu của các bên có liên quan; quyền sở hữu dữ liệu người dùng không rõ ràng, dẫn đến các lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật.

Hiện nay, Blockchain có thể cung cấp một số hỗ trợ giải quyết những vấn đề này, như quy trình xác minh danh tính khách hàng (KYC), các ngân hàng lưu trữ thông tin khách hàng trong cơ sở dữ liệu của riêng họ và sau đó sử dụng công nghệ mã hóa để tải lên thông tin tóm tắt để lưu trữ trong hệ thống Blockchain. Khi có yêu cầu truy vấn, nhà cung cấp dữ liệu gốc có thể được thông báo bằng cách sử dụng Blockchain và truy vấn đó có thể được thực hiện. Do đó, tất cả các bên có thể tìm kiếm dữ liệu lớn bên ngoài, đồng thời không tiết lộ dữ liệu kinh doanh cốt lõi của họ.

Ngoài ra, Blockchain còn được ứng dụng nhằm cải thiện tốc độ ra quyết định của người cho vay. Đánh giá rủi ro của những người đi vay tiềm năng (có thể là một công ty hoặc một cá nhân) thường dựa trên hồ sơ lịch sử của các giao dịch tài chính. Tuy nhiên, tính sẵn có và chất lượng của dữ liệu đặt ra những thách thức lớn đối với tính hợp lệ của các mô hình chấm điểm tín dụng. Những vấn đề này đặc biệt rõ ràng khi khách hàng vay tiềm năng là các cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa mà thông tin hiếm khi được công khai và sẵn có. Điều này sẽ dẫn đến việc phân bổ vốn không hiệu quả và mất đi cơ hội cho sự tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, với Blockchain, các ngân hàng đầu tư có thể rút ngắn quy trình xử lý giao dịch khoản vay từ 20 ngày xuống còn 6 - 10 ngày, với mức tăng trưởng nhu cầu trong tương lai ước tính là 5%, đồng thời giúp tăng doanh thu và giảm chi phí hoạt động.

Khi nói đến chấm điểm tín dụng, thị trường dữ liệu có thể đại diện một điểm chung cho người cho vay và người đi vay nhằm giúp thông tin được trao đổi một cách an toàn. Thị trường dữ liệu về cơ bản là các hệ thống tập trung, yêu cầu các bên liên quan khác nhau tin tưởng vào bên thứ ba quản lý dữ liệu của họ. Điều này chứng tỏ những dữ liệu được sử dụng để chấm điểm tín dụng là rất nhạy cảm và có giá trị tiềm năng. Trong bối cảnh này, Blockchain có thể được tận dụng để tạo ra thị trường dữ liệu đáng tin cậy thông qua các nhà cung cấp thông tin, những người đi vay và người cho vay, đồng thời đảm bảo nguồn gốc và tính toàn vẹn của dữ liệu. Các hệ thống Blockchain sẽ hỗ trợ cải thiện quy trình chấm điểm tín dụng, từ đó giảm tỷ lệ rủi ro và mang lại các lợi ích kinh tế chắc chắn.

Giao dịch liên ngân hàng

Trước khi các ứng dụng của Blockchain xuất hiện, các giao dịch liên ngân hàng sẽ mất vài ngày để thực hiện. Chẳng hạn, khách hàng khi muốn thực hiện giao dịch gửi tiền từ tài khoản của ngân hàng Anh đến ngân hàng ở Mỹ sẽ phải thực hiện qua Hiệp hội Truyền thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), trong khi mỗi ngày SWIFT phải gửi 24 triệu tin nhắn đến hơn 10.000 tổ chức khác nhau, điều này sẽ gây mất thời gian và tốn kém chi phí qua nhiều khâu trung gian.

Khi hệ thống ngân hàng ứng dụng Blockchain, các giao dịch tương tự sẽ được giải quyết trực tiếp, có nghĩa các ngân hàng sẽ không cần dựa vào mạng lưới dịch vụ lưu ký và cơ quan quản lý như SWIFT, mà họ có thể giải quyết các yêu cầu trực tiếp qua ứng dụng Blockchain một cách công khai.

One Pay FX là một ứng dụng dựa trên công nghệ sổ cái phân tán Ripple của xCiverse cho phép khách hàng xử lý thanh toán quốc tế theo thời gian thực đối với các loại tiền khác nhau. Với tốc độ nhanh, chi phí thấp, minh bạch, One Pay hiện nay là nhà cung cấp giải pháp thanh toán linh hoạt, an toàn và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu bảo mật thông tin của ngân hàng và các tổ chức quốc tế.

Batavia là nền tảng tài chính thương mại toàn cầu được phát triển bởi liên ngân hàng: CaixaBank, UBS, Commerzbank, Bank of Montreal và Tập đoàn Erste dựa trên nền tảng Blockchain của IBM. Trong khi thời gian trung bình để xử lý hoàn chỉnh một giao dịch là 7 ngày, với Batavia, con số này có thể giảm xuống còn 1 giờ nhờ vào sổ cái phân tán duy nhất và thanh toán bằng hợp đồng thông minh.

Mặc dù thời gian thực hiện giao dịch đã được giảm xuống bằng giây, việc thanh toán sau giao dịch đôi khi vẫn là một quá trình kéo dài, thậm chí trong nhiều ngày đối với các giao dịch phức tạp. Thông thường, hai ngày hoặc ba ngày vẫn là số ngày tiêu chuẩn để giải quyết giao dịch của ngành tài chính, nhưng các giao dịch phức tạp như cho vay hợp vốn thậm chí có thể mất đến ba tuần.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số thách thức cần vượt qua trước khi Blockchain trở thành xu hướng chủ đạo trong lĩnh vực thanh toán bù trừ. Đầu tiên là sự tương tác giữa không gian số hoá và thế giới thực. Tiếp theo là các hành lang pháp lý và quy định. Cuối cùng là sự sẵn sàng chấp nhận các công nghệ mới.

Chặt chẽ trong ứng dụng công nghệ

Về bản chất, Blockchain là một công nghệ mới đã được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực, từ logistics, sản xuất, truyền thông, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, bán lẻ, giáo dục, y tế, du lịch cũng như hỗ trợ quản lý dữ liệu quốc gia. Mặc dù vậy, việc tích hợp các hệ thống hiện có với Blockchain vẫn là một nhiệm vụ khó khăn. Sẽ không đúng khi nghĩ rằng các tổ chức sẽ loại bỏ các hệ thống cũ để chuyển sang các hệ thống dựa trên Blockchain vì quá trình chuyển đổi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

Bên cạnh đó, số lượng ứng dụng tiềm năng ngày càng tăng nhưng rất ít trường hợp trong số đó được chính thức đưa ra thị trường, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng, nơi mà sự bảo thủ và các yêu cầu về pháp lý là những thách thức hàng đầu đối với sự đổi mới.

Ngoài những lợi ích mà Blockchain mang lại, một số thách thức cơ bản được chỉ ra khi ứng dụng công nghệ này như: Thuật ngữ vẫn chưa rõ ràng; các rủi ro tiềm ẩn khi áp dụng và có khả năng làm gián đoạn các hoạt động thực tiễn; thiếu các quy định chặt chẽ; khả năng duy trì bảo mật và quyền riêng tư của dữ liệu chưa đảm bảo; tiêu tốn nhiều năng lượng...

Tại Việt Nam, Blockchain vẫn còn ở giai đoạn đầu của sự phát triển, mức độ thay đổi mà công nghệ này có thể tạo ra trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng còn phụ thuộc vào việc khắc phục những hạn chế kỹ thuật hiện tại và tăng cường sự chấp nhận của các bên hữu quan.

Tin bài liên quan