Công nghệ Blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển tại Việt Nam

Công nghệ Blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển tại Việt Nam

Ngân hàng sẽ hưởng lợi lớn từ blockchain

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không phải Bitcoin hay tiền “ảo” như lầm tưởng trước đây, Blockchain đang được hiểu là công nghệ và dần trở thành trụ cột cho công nghệ ở Việt Nam với nhiều ứng dụng như thư tín dụng, bảo lãnh hợp đồng, thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng…

Những động thái tích cực

Thực tế thị trường cho thấy, từ năm 2018, các ngân hàng như VietinBank, VIB, TPBank đã thử nghiệm chuyển tiền liên ngân hàng bằng ứng dụng Blockchain. Còn lãnh đạo HSBC chia sẻ về các thử nghiệm, nghiên cứu của riêng Ngân hàng rằng: “HSBC đã ứng dụng L/C từ năm 2019. Thời gian một bộ hồ sơ L/C được xử lý thành công theo mô hình truyền thống phải mất 5-10 ngày, nhưng với Blockchain chỉ mất 1 ngày, từ đó giúp tăng năng suất lao động, giảm bớt thời gian xử lý giấy tờ. HSBC vẫn đang trong quá trình thương mại hóa sản phẩm này”.

Còn đại diện Vietcombank cho biết, vào tháng 9/2021 đã ứng dụng thành công Blockchain trên nền tảng Ngân hàng số VCB Digibank, phát triển dịch vụ VCB Rewards - chương trình tri ân dành cho khách hàng cá nhân. Nhờ công nghệ Blockchain, toàn bộ quá trình tích điểm và đổi quà được lưu trữ, cập nhật tự động trên VCB Digibank, cho phép khách hàng chủ động tra cứu lịch sử tích điểm và thực hiện đổi quà. Hiện tại, Vietcombank đang nghiên cứu mở rộng ứng dụng Blockchain, hợp tác với các công ty Fintech.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết: “Blockchain được đánh giá là công nghệ bảo mật tuyệt đối với tốc độ xử lý nhanh chóng nên trở thành xu hướng ứng dụng được nhiều ngân hàng nghiên cứu triển khai”.

Chẳng hạn, việc nhận diện khách hàng (eKYC - Know your customer) đang được tích hợp trong các nền tảng Blockchain thế hệ tiếp theo sẽ cho phép hệ thống có thể xác minh danh tính thời gian thực và xác minh thông tin cá nhân, thông tin doanh nghiệp. Đáng chú ý, theo ông Nghĩa, hệ thống cơ sở dữ liệu căn cước công dân đang được xây dựng và Bộ Công an cùng Ngân hàng Nhà nước đang kết nối hợp tác sẽ giúp tiến trình cải cách hành chính nói riêng và các hoạt động khác nói chung của ngân hàng rất hiệu quả.

“Áp dụng công nghệ mới như Blockchain trên nền tảng cơ sở dữ liệu căn cước công dân sẽ đem đến những cải cách sâu rộng và rất hiệu quả cho ngành ngân hàng, nhất là các thủ tục hành chính. Đặc biệt, xác định được giao dịch chính chủ và hạn chế các giao dịch khống, rửa tiền một cách nhanh chóng và rất hiệu quả”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, các chuyên gia công nghệ nhận định, với sự hỗ trợ của Blockchain, các ngân hàng có khả năng giải quyết các giao dịch thanh toán nhanh chóng với chi phí thấp hơn. Bằng việc phát triển hệ thống kiểm soát kết hợp công nghệ này, ngân hàng hạn chế xác thực từ bên thứ ba và tạo ra môi trường phi tập trung để thanh toán. Qua đó, thời gian xử lý giao dịch cũng được đẩy nhanh hơn so với cách thức truyền thống, tạo lợi thế lớn cho ngân hàng so với các công ty Fintech.

Nắm bắt cơ hội

Blockchain được đánh giá là công nghệ bảo mật tuyệt đối, với tốc độ xử lý nhanh chóng nên trở thành xu hướng ứng dụng được nhiều ngân hàng nghiên cứu triển khai.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Một lãnh đạo cao cấp VietinBank cho biết, cải tiến hiệu quả giao dịch liên ngân hàng nội địa và quốc tế cũng là một trong những ứng dụng phổ biến của Blockchain trong ngành tài chính - ngân hàng thế giới. Theo đó, Blockchain giúp tạo môi trường chung giống như một sổ cái phi tập trung. Với cách thức này, các ngân hàng theo dõi và giải quyết trực tiếp mọi giao dịch nhanh chóng, công khai, minh bạch. Chính vì vậy, thời gian xử lý giao dịch đã rút ngắn rất nhiều. Đặc biệt, trước đây, một giao dịch quốc tế liên ngân hàng xử lý thông qua hệ thống SWIFT thường mất 5 - 7 ngày làm việc, thì nay giảm xuống còn 24 giờ.

“Bên cạnh đó, quá trình lập hồ sơ và thẩm định tín dụng của các ngân hàng khá phức tạp với nhiều bước và tiêu chí về điểm tín dụng, tình trạng sở hữu tài sản... Tuy nhiên, các thông tin này đôi khi bị nhiễu, gây nên sự sai lệch trong thu thập do lỗi hệ thống hoặc khách hàng, từ đó ảnh hưởng đến quyết định cho vay. Công nghệ Blockchain giúp quy trình tín dụng được giải quyết nhanh chóng, an toàn và tạo sự công bằng hơn khi xét duyệt hồ sơ vay tín chấp”, vị lãnh đạo VietinBank nói.

Đáng chú ý, vị lãnh đạo VietinBank tiết lộ, các ngân hàng đang cho vay online và thực hiện các quy trình trên nền tảng số song vẫn phải có chữ ký xác thực cuối cùng trên văn bản, nhưng sắp tới sẽ bỏ hoàn toàn yêu cầu này. Hoạt động cho vay trên nền tảng công nghệ sẽ được tự động hóa 100% nên Blockchain sẽ giúp các ngân hàng yên tâm triển khai dịch vụ.

Hay trong kế toán và kiểm toán, vốn là lĩnh vực có tính quy phạm và yêu cầu cao về quy định, các chuyên gia tài chính đã ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực này nhằm tuân thủ quy định và hợp lý hóa hệ thống sổ sách kế toán theo nguyên tắc hạch toán kép truyền thống. Blockchain đóng vai trò như một kiểm toán viên giúp xác minh tất cả giao dịch, đảm bảo hồ sơ minh bạch và an toàn hơn.

Thị trường tài chính ngày càng sôi động hơn khi Blockchain hỗ trợ các giao dịch mua bán tài sản. Công nghệ này giúp loại bỏ các đơn vị trung gian, chuyển giao quyền sở hữu tài sản trong một môi trường thống nhất. Ngoài ra, các tài sản được mã hóa và có thể đại diện cho các tài sản đó ở bên ngoài: Tiền điện tử, cổ phiếu, hàng hóa, vàng, bất động sản... Điều này giúp giảm rõ rệt chi phí giao dịch và các rủi ro của các kênh giao dịch truyền thống. Đồng thời, người dùng cũng có cơ sở để quản lý tài sản số đơn giản hơn.

“Blockchain cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong hoạt động tài trợ ngoại thương trong ngân hàng. Theo đó, công nghệ này giúp quy trình giao dịch đơn giản và nhanh chóng hơn khi loại bỏ quy trình thủ công với nhiều giấy tờ gây tốn thời gian xử lý: Invoice, packing list, thư tín dụng L/C…”, một lãnh đạo VPBank chia sẻ.

TS. Lê Xuân Nghĩa thông tin thêm: “Blockchain còn giúp giải quyết một số vấn đề trong chuyển tiền ngang hàng. Hiện nay, mỗi người đều sử dụng khá nhiều phương tiện thanh toán như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, ví điện tử... Tuy nhiên, mỗi hình thức có hạn chế riêng khi giới hạn địa lý, thời gian giao dịch, loại tiền... Công nghệ Blockchain đưa ra giải pháp với việc phân cấp ứng dụng và cho phép chuyển tiền toàn cầu, không bị giới hạn”.

Và những thách thức

Lợi ích khi ứng dụng Blockchain là điều không phải bàn cãi, nhưng không phải ngân hàng nào cũng dễ dàng thực hiện. Đại diện Vietcombank cho biết, có nhiều thách thức khi ứng dụng Blockchain cho ngân hàng một phần do rào cản chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ, tích hợp. Chi phí nghiên cứu, đầu tư hạ tầng cao, cùng với yêu cầu tích hợp, chuyển đổi đồng bộ với các hệ thống, cơ sở hạ tầng khác đòi hỏi thời gian chỉnh sửa hệ thống và tối ưu chi phí để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh và tính bảo mật, an toàn thông tin.

Các nền tảng Blockchain yêu cầu ngân hàng, khách hàng của ngân hàng phải trả phí dịch vụ khiến việc mở rộng danh mục khách hàng và hiệu suất sử dụng dịch vụ trên nền tảng này gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, khả năng mở rộng mạng lưới, kết nối đa phương là nhu cầu của nhiều ngân hàng. Chỉ khi nào mạng Blockchain thực sự đủ lớn, kết nối được các chủ thể ở các quốc gia trên thế giới thì giao dịch mới có thể tiến hành thông suốt và trọn vẹn.

Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, hiện nay, thiếu cơ sở pháp lý được xem là trở ngại chính cho việc ứng dụng Blockchain, song có rất ít ý kiến nêu được cụ thể trở ngại pháp lý đó là gì và sửa đổi thế nào để tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ này.

Phần lớn ý tưởng ứng dụng công nghệ Blockchain đang tập trung vào tài sản số, tiền số, huy động vốn…, các lĩnh vực có rủi ro rất cao, nên cần xây dựng cơ chế “sandbox” để thử nghiệm.

Về mặt này, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, đề xuất triển khai, nhưng do có độ rủi ro cao nên các cơ quan này đều tiến hành rất thận trọng.

Các lãnh đạo ngân hàng cho rằng, việc triển khai Blockchain không nên theo trào lưu, mà phải mang lại hiệu quả cho việc kinh doanh trên nền tảng số, kết hợp và khai thác cùng đối tác, chủ động nghiên cứu công nghệ theo lộ trình hợp lý. Muốn triển khai các yêu cầu mang tính thực tế, có hiệu quả cao thì cần phải đào tạo nhân sự, đầu tư nghiêm túc vào ứng dụng Blockchain, vào nghiệp vụ ngân hàng cụ thể để đạt được hiệu quả mong muốn.

“Công nghệ Blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển nên có những hạn chế là khó tránh khỏi, song những thay đổi tích cực mà công nghệ này mang lại là không thể phủ nhận. Blockchain vẫn còn nhiều ưu điểm chưa được khai thác, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực và quan tâm hơn nữa trong công cuộc phát triển công nghệ này”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh.

Tin bài liên quan