Hợp tác với các thị trường lớn như Nhật Bản giúp ngành chứng khoán học hỏi kinh nghiệm để vững bước đi lên

Hợp tác với các thị trường lớn như Nhật Bản giúp ngành chứng khoán học hỏi kinh nghiệm để vững bước đi lên

Không gian phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn

(ĐTCK) Nếu 17 năm trước, TTCK Việt Nam mở cửa hoạt động với với 2 công ty niêm yết, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP, thì nay bức tranh thị trường đã rộng mở với nhiều không gian, nhiều sản phẩm tài chính. 

Tính đến tháng 7/2017, vốn hóa trên TTCK Việt Nam đạt 2.540 nghìn tỷ đồng, tương đương trên 56% GDP. Tuy nhiên, nhìn sang các TTCK phát triển hơn để thấy, TTCK Việt Nam còn ở quy mô khiêm tốn và vì thế không gian phát triển còn rất lớn, con đường phía trước còn dài... 

Tái cấu trúc TTCK, xây niềm tin bằng sự minh bạch

Trong chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến 2020, mục tiêu được Chính phủ đặt ra là phấn đấu tỷ lệ vốn hóa trên GDP của Việt Nam đạt 70%. Nhiều người còn cho rằng đây là mục tiêu quá tham vọng, nhưng nếu nhìn sang các nước láng giềng ASEAN cũng đã thấy quy mô của TTCK Việt Nam còn nhỏ, ví dụ vốn hóa trên GDP tại thị trường Thái Lan là 104%, Singapore là 227%, Philippines 85%, Malaysia trên 100%...

Những số liệu so sánh trên cho thấy rằng, TTCK Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, đồng thời cũng còn nhiều tiềm năng để phát triển trong chặng đường sắp tới. Điều đáng mừng là Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị trung ương 5 khóa 7 (6/2017) đã khẳng định quan điểm kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế và chủ trương phát triển thị trường tài chính một cách cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Không gian phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn ảnh 1

Chính phủ cũng đã thực hiện quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch, tái cơ cấu thị trường tài chính trong đó đẩy mạnh phát triển TTCK, và sẽ phê duyệt Đề án tái cấu trúc toàn diện TTCK giai đoạn 2017-2020.

Đây là điều kiện thuận lợi để TTCK phát triển bền vững, khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo cho nền kinh tế. Đồng thời doanh nghiệp cũng có thể tận dụng sự tăng trưởng ấn tượng của TTCK trong giai đoạn hiện nay để thực hiện mục tiêu huy động vốn một cách hiệu quả.

Trong bối cảnh tổng thể đó, việc xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi đang mở ra cơ hội và đặt ra những yêu cầu về hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, đẩy nhanh quá trình niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Việc thúc đẩy doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch,  thực hiện thông lệ tốt về quản trị công ty, áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế cũng sẽ được đẩy mạnh, bởi thực tế khi các doanh nghiệp minh bạch, hình ảnh của doanh nghiệp tăng lên đồng nghĩa với việc thu hút vốn sẽ dễ dàng hơn.

Để nâng hạng và nâng hạng bền vững

Trong thời gian gần đây, câu chuyện nâng hạng TTCK Việt Nam trở thành chủ điểm thu hút sự quan tâm của rất nhiều thành viên thị trường. Sự quan tâm thể hiện một mong muốn chung của các chủ thể: muốn TTCK bước lên nấc thang đánh giá cao hơn để tăng sức hấp dẫn các dòng vốn vào DN, vào TTCK Việt Nam.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, để nâng hạng TTCK Việt Nam, việc cần làm là đáp ứng các tiêu chí của Tổ chức cung cấp các công cụ hỗ trợ quyết định đầu tư trên toàn thế giới (MSCI - Morgan Stanley Capital International), trong đó trọng yếu nhất là thúc đẩy công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Thực tế, xử lý việc công bố thông tin bằng tiếng Anh là chuyện không lớn nếu hiểu sâu hơn về cái gốc của vấn đề nâng hạng. Việc nâng hạng sẽ chỉ thực sự mang lại giá trị khi nền kinh tế có tiềm năng phát triển ngày một vững chãi hơn.

Trên bình diện quốc tế, đa số thị trường được nâng hạng được đón nhận những kết quả tích cực, nhưng không phải tất cả đều được như vậy. Nhìn lại một số thị trường được nâng hạng mới đây sẽ thấy rõ điểm này.

Không gian phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn ảnh 2

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Qatar được nâng hạng vào tháng 6/2013 và hai quốc gia này đã thu được những kết quả rất tích cực.

Theo số liệu của Bloomberg, chỉ số ADX General Index của Abu Dhabi đã tăng 44% kể từ khi MSCI tuyên bố nâng hạng, đẩy giá trị TTCK nước này tăng thêm 33,5 tỷ USD. Cùng kỳ, chỉ số DFM General Index của Dubai cũng tăng hơn gấp đôi, trong khi Qatar Exchange Index tăng 47%.

Diễn biến tích cực trên đồng điệu với sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế nội tại. Việc nâng hạng trở nên có giá trị và hỗ trợ trở lại cho sự phát triển của nền kinh tế UAE và Qatar.

Câu chuyện của TTCK Pakistan thì khác. Sau khi chính thức được nâng hạng vào nhóm thị trường mới nổi vào đầu tháng 6/2017, nhà đầu tư nước ngoài đã thoái vốn mạnh, chỉ số chứng khoán giảm liền 13% chỉ trong 1 tháng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm, như nhà đầu tư đã kỳ vọng quá sớm vào câu chuyện nâng hạng tại Pakistan, nên khi sự kiện diễn ra, phản ứng của nhà đầu tư là bán để chốt lời. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn hơn là chất lượng phát triển và chất lượng ổn định chính trị tại quốc gia này không tốt, vì thế kỳ vọng thu hút hàng trăm tỷ USD vốn mới khi được nâng hạng trở thành câu chuyện xa xôi.

Từ câu chuyện của các TTCK, nhìn về câu chuyện của TTCK Việt Nam để thấy, nỗ lực nâng hạng là rất đúng, nhưng cái gốc để nâng hạng và nâng hạng một cách bền vững nằm ở 3 điểm lớn.

Thứ nhất là tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Thứ hai là các giải pháp của Nhà nước để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững. Thứ ba là độ mở của quy định pháp lý để chia sẻ cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Liên quan đến vấn đề công bố thông tin, thực tế, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh được đưa vào Thông tư 155/2015/TT-BTC và quy chế công bố thông tin của các Sở GDCK, theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đăng ký lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Đây là một việc rất cần thiết hướng đến câu chuyện nâng hạng. Tuy nhiên, cái gốc của thông tin nằm ở việc các DN cần phải quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), đồng thời phải tuân thủ kỷ luật về công bố thông tin.

Nếu thiếu mất việc quy về cùng một quy chuẩn kế toán quốc tế và kỷ luật công bố thông tin minh bạch, thì việc công bố thông tin bằng tiếng Anh mất ý nghĩa và con đường xây dựng niềm tin của nhà đầu tư sẽ mất điểm tựa để thực thi.

Để TTCK Việt Nam nâng hạng, theo chúng tôi, cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Điều đáng mừng là câu chuyện về phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy cổ phần hóa và kiên định xây dựng Chính phủ kiến tạo, đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch đã được đề cập trong các văn bản cấp Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ.

Ở góc độ ngành chứng khoán, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục nỗ lực cho những bước tiến của thị trường. Mong rằng, vấn đề nâng hạng cần được nhìn rộng hơn câu chuyện của một ngành, để TTCK Việt Nam bước vững đến mốc nâng hạng và nhận được những giá trị tích cực từ diễn biến này.

Tin bài liên quan