Không hạn chế lập ngân hàng mới

(ĐTCK-online) Kể từ ngày 20/7, thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức nhận hồ sơ xin cấp phép thành lập ngân hàng mới, vẫn chưa có trường hợp nào được phê duyệt song trước việc một loạt tổng công ty, doanh nghiệp lớn góp vốn thành lập ngân hàng, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra.

Tuy nhiên, cả cơ quan quản lý và các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, khó có thể hạn chế các pháp nhân kinh doanh ngân hàng mà nên kiểm soát bằng một “bộ lọc” cơ chế cũng như thanh kiểm tra. ĐTCK-online đã ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Kinh tế đang phát triển đòi hỏi các dịch vụ tài chính phát triển kèm theo. Hiện cũng chưa thể nói số lượng ngân hàng là nhiều hay ít. Tính đến thời điểm này, cũng chưa có chủ trương nào về việc hạn chế thành lập ngân hàng mới. Nếu theo đúng những quy định đã được NHNN ban hành thì những hồ sơ đủ điều kiện sẽ được cấp phép. Tuy nhiên, những quan ngại về việc ồ ạt xin cấp phép ngân hàng cũng được NHNN ghi nhận, xem xét và cân nhắc trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng ở Việt Nam .

 

Ông Chaly Madam, Tổng giám đốc Citibank Việt Nam

Hiện Việt Nam có khoảng 40 ngân hàng đang hoạt động, nếu như so với tốc độ phát triển kinh tế và cơ cấu dân số tập trung nhiều ở độ tuổi trẻ thì cơ hội kinh doanh ngân hàng khá tiềm năng, chưa kể đến việc bùng nổ đầu tư nước ngoài kéo theo nhiều nhà đầu tư tới Việt Nam. Tất nhiên, lựa chọn hàng đầu của các công ty nước ngoài là các ngân hàng ngoại, nhưng không loại trừ việc ngân hàng Việt Nam có thể chen chân cung cấp dịch vụ. Như thế, nhìn tổng quan thì có thể thấy, Chính phủ nên cấp phép thành lập ngân hàng nhiều hơn. Tuy nhiên, để ngân hàng có thể cạnh tranh lành mạnh, nên chú ý đến việc ban hành một bộ tiêu chuẩn, điều kiện nhằm tạo ra những ngân hàng hoạt động tốt.

Điều kiện, quy chế tốt chưa đủ, quá trình xem xét cấp phép hồ sơ phải rất cẩn thận để thị trường có thêm những ngân hàng có năng lực tài chính tốt, quản trị tốt, thể phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế đất nước. Cá nhân tôi đánh giá rằng, hiện tại hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phát triển tốt. Có một lưu ý là việc các ngân hàng phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ để đáp ứng nhu cầu phát triển là tất yếu nhưng đi kèm là những điều kiện về nhân lực, quản trị phù hợp. Nhiều ý kiến lo lắng về việc có quá nhiều tổng công ty, tập đoàn muốn đầu tư vào ngân hàng nhưng việc cấm hay ngăn cản họ từ phía Chính phủ, theo tôi là không hiệu quả bằng việc giáo dục, tăng cường nhận thức của những người muốn kinh doanh ngân hàng để họ hiểu rằng, đây là lĩnh vực không hề đơn giản. Biện pháp này đã được nhiều nước thực hiện khi họ gặp phải tình huống như Việt Nam và tác dụng của nó rất tốt.

 

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Tài chính - ngân hàng là lĩnh vực được đánh giá phát triển mạnh của Việt Nam trong thời gian tới, nhìn qua có thể thấy hệ thống ngân hàng hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hạn chế ở chỗ, khu vực thành phố tập trung quá dày đặc ngân hàng, nhiều ngân hàng nhưng sản phẩm na ná nhau và ít sản phẩm mới. Việc mở rộng hệ thống của các ngân hàng cũng chưa đi đôi với việc phát triển sản phẩm, trong đó tập trung cho những lĩnh vực gắn với tiêu dùng thay vì loại hình tín dụng truyền thống.

Việc thị trường xuất hiện thêm nhiều ngân hàng là điều tất yếu và phù hợp quy luật, các tập đoàn doanh nghiệp nhắm đến lĩnh vực này cũng là điều dễ hiểu. Ở đây, tôi nhấn mạnh những tiêu chí, tiêu chuẩn để cấp phép thành lập ngân hàng mới. Nếu như nhìn vào bộ tiêu chuẩn của NHNN thì có thể thấy là tốt, nhưng quan trọng là quá trình thẩm định và hậu kiểm sau khi cấp phép và hoạt động. Hoạt động của hệ thống ngân hàng có tác động lớn không chỉ với đời sống người dân mà còn đối với cả việc ra các quyết sách vĩ mô của Chính phủ. Khi có sự tham gia của các tập đoàn, trong đó có nhiều DNNN càng đòi hỏi sự quan tâm của NHNN, nhưng cũng không vì thế mà ngăn chặn việc thành lập ngân hàng mới.