Hòa giới thiệu có người thân làm ở Bộ Quốc phòng và hiện có 2 dự án đường tuần tra biên giới tại khu vực tỉnh Điện Biên, Lai Châu do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư (ảnh minh họa)

Hòa giới thiệu có người thân làm ở Bộ Quốc phòng và hiện có 2 dự án đường tuần tra biên giới tại khu vực tỉnh Điện Biên, Lai Châu do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư (ảnh minh họa)

Không nghề nghiệp, 8x lừa chạy dự án chăn nuôi, dự án thi công đường tuần tra biên giới chiếm đoạt tiền tỷ

(ĐTCK) Để được nhận dự án chăn nuôi, dự án thi công đường tuần tra biên giới, nhiều người đưa tiền để nhờ Tống Thị Hòa (SN 1980, trú tại Tuyên Quang), đối tượng không nghề nghiệp, giúp đỡ.

Vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử bị cáo Tống Thị Hòa về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo buộc, mặc dù là đối tượng không có nghề nghiệp, do cần tiền để chi tiêu cá nhân, Tống Thị Hòa đã có hành vi gian để lừa tiền nhiều người. Bị cáo giới thiệu bản thân là cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cộng tác viên Báo Tài nguyên và môi trường có nhiều mối quan hệ, có khả năng xin đi học, đi làm tại sân bay Nội Bài, xin việc trong ngành công an, xin dự án chăn nuôi lợn, xin nhận thầu dự án thi công xây dựng, xin cho bị can được tại ngoại và xử án treo...

Nhiều người đã tin tưởng bị cáo và đưa tiền nhờ bị cáo Hòa giúp. Từ tháng 7/2014 đến tháng 2/2018, Tống Thị Hòa đã chiếm đoạt của 16 người tổng số tiền 4,7 tỷ đồng.

Theo đó, tháng 4/2014, Tống Thị Hòa nói với chị Vũ Thị Hường (trú tại Tuyên Quang) là Viện nghiên cứu môi trường nông nghiệp nông thôn đang có dự án phi Chính phủ của Nga và Úc về chăn nuôi lợn với tổng vốn đầu tư từ 10 – 12 tỷ đồng để làm trang trại chăn nuôi. Diện tích mặt bằng 5 ha, chi phí làm hồ sơ để xin dự án là 200 triệu đồng. Chị Hường nhờ bị cáo xin giúp và đưa cho bị cáo 200 triệu đồng (có giấy biên nhận).

Sau khi nhận tiền, bị cáo thông báo dự án đã được duyệt với số vỗn hỗ trợ 12 tỷ đồng và yêu cầu chị Hường nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để triển khai dự án.

Nhưng sau đó, chị Hường phát hiện ra không có dự án chăn nuôi như Hòa nói và làm đơn tố cáo Hòa.

Cơ quan điều tra tiến hành xác minh Viện nghiên cứu môi trường nông nghiệp nông thôn là tổ chức do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thành lập. Viện không có chức năng, nhiệm vụ thực hiện dự án trong sản xuất, kinh doanh, không được cấp phép đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi.

Đến tháng 10/2017, qua quan hệ xã hội, bị cáo Hòa quen với chị Nguyễn Thị Mai (trú tại Hà Đông, Hà Nội). Hòa giới thiệu có người thân làm ở Bộ Quốc phòng và hiện có 2 dự án đường tuần tra biên giới tại khu vực tỉnh Điện Biên, Lai Châu do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. Nếu chị Mai muốn nhận 2 dự án thì phải chi phí 100 triệu đồng/hồ sơ.

Chị Mai đồng ý và nhờ Hòa xin giúp để nhận 2 dự án nói trên cho Công ty TNHH Phú Quý. Sau đó, chị Mai đã chuyển khoản trước 130 triệu đồng.

Quá hẹn, không thấy Công ty được nhận dự án, chị Mai đòi tiền nhưng bị cáo không có khả năng thanh toán.

Cơ quan điều tra xác định, Ban quản lý dự án 47 là cơ quan đại diện chủ đầu tư tại các dự án đường tuần tra biên giới và từ cuối năm 2017, Ban quản lý không triển khai bất kỳ dự án xây dựng mới hoặc sửa chữa nâng cấp đường tuần tra biên giới khu vực tỉnh Lai Châu, Điện Biên.

Tống Thị Hòa khai đã đưa tiền cho Lê Huy Trường (trú tại phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) là cán bộ Viettel để nhờ Trường xin nhận thầu 2 dự án nói trên.

Cơ quan điều tra tiến hành xác minh nhưng Lê Huy Trường bỏ nhà đi từ năm 2014, không biết đi đâu. Viettel xác nhận có nhân sự tên Lê Huy Trường, đã bị cho thôi việc từ năm 2013. Do đó, không có căn cứ nào chứng minh lời khai của bị cáo Hòa.

Ngoài việc hứa hẹn chạy dự án nói trên, bị cáo Hòa còn hứa hẹn xin đi học và đi làm ở sân bay cho hàng chục người chiếm đoạt tiền tỷ. Bị cáo nhận tiền, hứa xin cho một trường hợp được tại ngoài và hưởng án treo nhưng cũng không thực hiện được.

Đáng chú ý, tại phiên tòa, qua thẩm vấn, phát sinh thêm một số cá nhân khai là bị hại của Tống Thị Hòa. Do đó, Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ vấn đề này.

Tin bài liên quan