Không riêng ETF, quỹ chủ động cũng mạnh tay gom cổ phiếu, mua ròng nhiều nhất 3 năm

Không riêng ETF, quỹ chủ động cũng mạnh tay gom cổ phiếu, mua ròng nhiều nhất 3 năm

0:00 / 0:00
0:00
Ngoài dòng vốn ngoại từ quỹ ETF, các quỹ chủ động cũng đồng loạt giải ngân trong tháng 11. Tổng giá trị vào ròng tháng ghi nhận gần 900 tỷ đồng, cao nhất kể từ tháng 12/2019.

Khoảng 16.900 tỷ đồng vốn ngoại vào Việt Nam: Từ đâu?

Theo số liệu của EPFR Global, hầu hết các thị trường chính ở khu vực châu Á có dòng vốn ngoại vào ròng tháng vừa qua. Trong đó, chứng khoán Việt Nam là một trong các thị trường hút vốn ngoại mạnh nhất ở cả bốn tuần trong tháng 11/2022 vừa qua.

Thống kê bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho thấy khối ngoại đẩy mạnh mua vào tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 11, với tổng giá trị mua ròng đạt 16,9 nghìn tỷ đồng trên 3 sàn. Đây cũng là mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018 (+22,8 nghìn tỷ đồng). Cùng đó, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại cũng tăng mạnh, đạt 14% trong tháng 11, cao hơn mức 11,1% ở tháng 10 và bỏ xa mức 8,3% bình quân 11 tháng đầu năm 2022.

Thu hút dòng tiền mạnh từ khối ngoại là các mã vốn hóa trụ cột đầu ngành, chủ yếu ở nhóm Bất động sản (VHM +1,7 nghìn tỷ, KDH +1,2 nghìn tỷ, VIC +842 tỷ), Tài chính (STB +13, nghìn tỷ, SSI +1 nghìn tỷ, CTG +745 tỷ), Tiêu dùng (MSN +1 nghìn tỷ, VNM +648 tỷ).

SSI Research đánh giá nhịp giảm mạnh của thị trường trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 đã kích hoạt dòng vốn giải ngân vào thị trường cổ phiếu Việt Nam. Theo thống kê, dòng tiền tích cực lan tỏa ở nhiều quỹ ETF khi có tới 9/14 quỹ ghi nhận được dòng vốn tăng thêm trong tháng.

Các quỹ giải ngân ròng lớn nhất là quỹ Fubon (+2.722 tỷ đồng), VNDiamond (+1.952 tỷ đồng), VanEck (+972 tỷ đồng), VFM VN30 (+689 tỷ đồng), VNFIN Lead (+468 tỷ đồng), và FTSE Vietnam (+354 tỷ đồng). Ngược lại, chỉ có 2 quỹ bị rút ròng với giá trị không đáng kể là Mirae Asset VN30 (-166 tỷ) và Premia Vietnam (-46 tỷ). Tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt tới 6.981 tỷ đồng, là giá trị cao nhất ghi nhận kể từ tháng 4/2021. Lũy kế từ đầu năm, dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục là 18.849 tỷ đồng, vượt xa giá trị 13.522 tỷ đồng của cả năm 2021.

Ngoài dòng vốn ngoại từ quỹ ETF, dòng tiền từ các quỹ chủ động cũng đồng loạt giải ngân trong tháng 11. Tổng giá trị vào ròng tháng ghi nhận gần 900 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ tháng 12/2019. Điều này đã giúp các quỹ chủ động thu hẹp mức rút ròng, chỉ còn gần 500 tỷ đồng cho 11 tháng đầu năm. Bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI cũng đánh giá một tín hiệu tích cực từ các quỹ chủ động là cường độ giải ngân khá đồng đều, bao gồm cả các quỹ nội và quỹ ngoại và trải dài xuyên suốt tháng vừa qua.

Dòng vốn ETF và các quỹ chủ động đồng loạt giải ngân trong tháng 11 - Nguồn: EPFR, SSI Research.
Dòng vốn ETF và các quỹ chủ động đồng loạt giải ngân trong tháng 11 - Nguồn: EPFR, SSI Research.

Sự đột phá của dòng tiền khối ngoại trong tháng 11 theo SSI Research một phần đến từ thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi ngược lại phần lớn diễn các thị trường khác trên thế giới trong tháng 10 và dòng tiền khối ngoại vào Việt Nam cũng thường có độ trễ so với các quốc gia khác.

Các biến chuyển tích cực ở các yếu tố liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (các doanh nghiệp chủ động thu xếp nguồn vốn hoặc gia hạn thời gian hoàn trả cho trái chủ) và tỷ giá (tỷ giá USDVND giảm 1,8% (so với cuối tháng 10) tính đến ngày 2/12, sau khi tăng tới hơn 4% trong tháng 10) về cuối tháng giúp giải quyết tâm lý thị trường trong ngắn hạn.

Cổ phiếu thị trường mới nổi hút dòng vốn toàn cầu, yếu tố tích cực từ nới lỏng Zero-Covid

Theo thống kê diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu của bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), dòng tiền vào thị trường mới nổi đã bật mạnh trong tháng 11/2022 vừa qua. Các quỹ cổ phiếu vào ròng nhẹ 6,5 tỷ USD, trong đó dòng vốn vào các quỹ Châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) vào ròng 9,6 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, phân bổ dòng tiền chủ yếu vẫn vào các quỹ cổ phiếu (+207 tỷ USD) trong khi đó các quỹ trái phiếu rút ròng 252 tỷ USD.

Diễn biến dòng vốn đầu tư vào thị trường phát triển (DM) và mới nổi j(EM) - Nguồn: EPFR, SSI Research.
Diễn biến dòng vốn đầu tư vào thị trường phát triển (DM) và mới nổi j(EM) - Nguồn: EPFR, SSI Research.

Bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên viên phân tích vĩ mô Chứng khoán SSI nêu ra một số yếu tố tích cực trong tháng 11 giúp dòng tiền vào các tài sản tài chính cải thiện, đặc biệt là dòng vốn vào thị trường mới nổi. Cụ thể, kỳ vọng vào lạm phát có thể đã đạt đỉnh ở Mỹ và Fed sẽ chậm dần tốc độ tăng lãi suất khiến đồng USD giảm tốc (DXY giảm 5% trong tháng 11), trong khi đó các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch và tăng cường nỗ lực tiêm chủng đã kích hoạt dòng vốn vào thị trường chứng khoán Châu Á trong tháng 11.

Trong đó, dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển giảm nhiệt khi bị rút ròng 3,4 tỷ USD. Dòng vốn vào thị trường Mỹ yếu đi rõ nét khi chỉ vào ròng 1,6 tỷ USD trong tháng 11, thấp hơn nhiều mức 35 tỷ USD của tháng 10. Trong môi trường USD yếu đi và triển vọng suy thoái ở các quốc gia phát triển rõ nét hơn, các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc phân bổ. Theo khảo sát từ BofA cũng cho thấy tỷ trọng tiền mặt vẫn ở mức cao (6,2%, so với mức đỉnh 20 năm là 6,3% vào tháng 10).

Ở chiều ngược lại, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi cải thiện, vào ròng 9,9 tỷ USD, tập trung lớn ở khu vực Châu Á. Đồng USD yếu đi giúp dòng vốn chuyển hướng vào thị trường mới nổi, trong khi đó câu chuyện về việc Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách Covid-19 giúp dòng tiền đẩy mạnh các quốc gia trong khu vực Châu Á như Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan. Yếu tố này đã giúp thị trường chứng khoán Châu Á trong tháng 11 có mức tăng vượt trội, khi chỉ số MSCI Châu Á (trừ Nhật Bản) tăng tới 18,8%, so với mức khiêm tốn 5,6% của S&P500.

SSI Research kỳ vọng dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu sẽ có sự phân hóa trong tháng 12, trong đó thị trường mới nổi sẽ tiếp tục đà tích cực còn thị trường phát triển thận trọng. Mặc dùcòn rất sớm để biết được khi nào Trung Quốc sẽ bỏ đi chính sách "Không COVID-19", đây vẫn sẽ là một yếu tố tích cực giúp thúc đẩy dòng vốn vào Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực (có mối quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc). Trái ngược lại, dòng vốn vào thị trường phát triển sẽ thận trọng hơn, khi yếu tố về định giá không còn thế mạnh (S&P500 trong 2 tháng 10 và 11 đã tăng hơn 10% và thu hẹp đà giảm trong năm nay chỉ còn 13%).

Tin bài liên quan