Ngân hàng và bất động sản là hai lĩnh vực hàng đầu thu hút dòng tiền quỹ ngoại.

Ngân hàng và bất động sản là hai lĩnh vực hàng đầu thu hút dòng tiền quỹ ngoại.

Quỹ ngoại “cạn” tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số quỹ đầu tư nước ngoài có quy mô thuộc tốp đầu gần như đã “tất tay” vào cổ phiếu. Các quỹ này đang nắm những “lá bài” nào trong tay và dự kiến bước đi tiếp theo như thế nào cho tới cuối năm 2022?

Tập trung nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, bất động sản

Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ ngoại lớn nhất do Dragon Capital quản lý với giá trị tài sản ròng (NAV) xấp xỉ 2,1 tỷ USD (tính tới ngày 18/8/2022) đang “full” (đầy) cổ phiếu.

Trong giai đoạn kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 tới nay, quỹ ngoại này rất ít khi để lượng tiền mặt trên mức 1%. Theo đó, với việc chỉ đang nắm giữ tỷ lệ 0,79% tiền mặt, VEIL đang ôm “full” cổ phiếu, không còn nhiều dư địa để giải ngân.

Trong cơ cấu danh mục của Quỹ, chiếm tỷ trọng lớn nhất là nhóm ngân hàng (31,99%), tiếp theo là bất động sản (22,93%), thực phẩm, đồ uống (7,54%) và năng lượng (6,61%).

Trong nhóm ngân hàng, riêng cổ phiếu VPB chiếm 11,21% và cổ phiếu ACB chiếm 10,81%. Một số cổ phiếu nhà băng khác nằm trong Top 10 được VEIL nắm giữ là TCB (3,63%), VCB (3,6%).

Bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong danh mục đầu tư của VEIL, nhưng cổ phiếu địa ốc nằm trong Top 10 chỉ có 2 đại diện là DXG với tỷ trọng 4,2% và VHM với tỷ trọng 4,73%.

Trong gần 2 tháng qua, VEIL có động thái tái cơ cấu danh mục. Nếu như cuối tháng 6/2022, cổ phiếu MWG là khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất của VEIL, thì hiện tại đã rớt xuống vị trí thứ ba, nhường chỗ cho 2 cổ phiếu ngân hàng là VPB và ACB.

Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý có NAV hơn 1 tỷ USD cũng đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu bất động sản và ngân hàng. Cụ thể, bất động sản chiếm 27%, tài chính - ngân hàng chiếm 19,6%, nguyên vật liệu chiếm 15%, hàng tiêu dùng chiếm 9,9%... trong danh mục đầu tư của VOF tính đến ngày 31/7/2022.

Tương tự, Quỹ PYN Elite đến từ Phần Lan (NAV tính đến cuối tháng 7/2022 là 444,56 triệu Euro) dồn tiền vào lĩnh vực ngân hàng và bất động sản. Trong Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục của PYN Elite có sự xuất hiện 4 mã ngân hàng là CTG (16,9%), TPB (8,7%), MBB (7,9%), HDB (4,9%) và 3 mã bất động sản là VHM (16,7%), VRE (9,4%), KDH (2,5%).

Nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục hấp dẫn đầu tư

Chia sẻ tại hội thảo Đầu tư chứng khoán và cân bằng những rủi ro do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Công ty Quản lý quỹ VinaCapital tổ chức ngày 26/8/2022, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư VinaCapital cho biết, về chiến lược chung, Công ty sẽ phân bổ vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.

Trong 4 tháng cuối năm 2022, VinaCapital có đánh giá tích cực và sẽ tăng tỷ trọng đầu tư/nắm giữ cổ phiếu nhóm tài chính - ngân hàng, hàng tiêu dùng, bán lẻ, khu công nghiệp, tiện ích, năng lượng, vật liệu xây dựng.

Trong 4 tháng cuối năm 2022, VinaCapital có đánh giá tích cực và sẽ tăng tỷ trọng đầu tư/nắm giữ cổ phiếu nhóm tài chính - ngân hàng, hàng tiêu dùng, bán lẻ, khu công nghiệp, tiện ích, năng lượng và vật liệu xây dựng.

Trong đó, với nhóm ngân hàng, VinaCapital đánh giá, các chỉ số cơ bản đang ở mức tích cực, tỷ lệ nợ xấu được giữ ổn định sau đại dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 10,6%, lợi nhuận của các nhà băng sẽ tăng trưởng tốt.

Với nhóm hàng tiêu dùng, bán lẻ, đây đang là lĩnh vực ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến sẽ tiếp tục phát triển cùng với đà tăng trưởng kinh tế.

Nhóm khu công nghiệp cũng sẽ là tâm điểm thu hút đầu tư trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, trong đó có Apple, Lego...

Về nhóm tiện ích, năng lượng, vị chuyên gia của VinaCapital nhận định, xung đột Nga - Ukraine sẽ giữ giá năng lượng ở mức cao. Trong khi đó, nguồn cung năng lượng thiếu hụt bởi nhiều nước giảm đầu tư vào năng lượng trong những năm gần đây. Chênh lệch cung - cầu lớn sẽ tạo ra triển vọng tích cực cho nhóm ngành này.

Cuối cùng, vật liệu xây dựng là nhóm ngành VinaCapital đánh giá sẽ hưởng lợi từ đầu tư công. Chi phí đầu vào gia tăng nhưng giá cổ phiếu đã giảm xuống mức hấp dẫn.

Ở chiều ngược lại, ông Minh chia sẻ, VinaCapital sẽ giảm tỷ trọng đầu tư/nắm giữ nhóm cổ phiếu bất động sản, xuất khẩu, nhưng không tăng lượng tiền mặt nắm giữ, mà đẩy mạnh giải ngân vào các nhóm ngành khác, khi thị trường đã qua giai đoạn xấu nhất.

Trong khi đó, chia sẻ về chiến lược đầu tư cho tới cuối năm 2022, ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư AFC Vietnam Fund cho biết, Quỹ sẽ duy trì đầu tư vào các cổ phiếu có định giá thấp.

“Gần đây, chúng tôi nhận thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng bị định giá thấp một cách không thể chấp nhận được, một số cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch bằng, thậm chí dưới giá trị sổ sách. P/E của nhiều ngân hàng cũng chỉ từ 4 - 5 lần, đó là một mức siêu hấp dẫn, bất chấp những rủi ro trong ngắn hạn. Ngoài ngân hàng, các doanh nghiệp hồi phục kinh doanh sau đại dịch cũng được hưởng lợi lớn như dệt may, du lịch, thủy sản, tiêu dùng, nông nghiệp. Ngành thép và chứng khoán cũng hấp dẫn, nhưng cần chọn lọc cẩn thận”, ông Vicente Nguyen nói.

Tin bài liên quan