Ông Đặng Văn Thanh.

Ông Đặng Văn Thanh.

Không thể giãn IPO mà làm chậm CPH

(ĐTCK-online) Đến hết tháng 7/2007 vừa qua, TTCK liên tục sụt giảm khiến một lần nữa ý kiến hoãn bớt các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO ) của doanh nghiệp lớn được đề cập. Là chuyên gia trong lĩnh vực cổ phần hóa, ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội khóa 11 chia sẻ quan điểm với ĐTCK-online về vấn đề này.

Dư luận đang quan tâm đến việc liệu Chính phủ có quyết định giãn IPO của các tập đoàn, tổng công ty lớn trong thời gian tới để tránh cho TTCK cung vượt cầu, ông nghĩ sao về đề xuất này?

Đúng là gần đây có nhiều ý kiến cho rằng cần giãn tiến độ đấu giá phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các DNNN có quy mô lớn CPH. Đây là ý kiến và lo lắng chính đáng  về sự “bội thực” của thị trường chứng khoán. Nhưng tôi cho rằng chỉ vì bảo vệ thị trường chứng khoán mà hạn chế đưa hàng hoá ra thị trường là không hợp lý. Hơn nữa lộ trình IPO các NNN có quy mô lớn đã được nghiên cứu để thực hiện đúng tiến trình CPH, không thể vì lý do này để làm chậm tiến trình CPH. Nếu phân tích trong mối quan hệ tổng thể của nền kinh tế thì khối lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chưa phải là nhiều. Vấn đề quan tâm là chọn thời điểm thực hiện IPO của từng DNNN CPH sao cho đạt hiệu quả cao nhất, ít ảnh hưởng thị trường và thu nhà nước đạt ở mức cao nhất có thể.

 

Trường hợp làm chậm lại tiến trình cổ phần hóa thì VN có vi phạm cam kết gia nhập WTO?
Nhà nước có chủ trương  hoàn thành CPH DNNN trước năm 2010. Đây cũng là lộ trình đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp và cũng là cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Vì vậy nếu làm chậm tiến độ này chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Và quan trọng hơn Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các cam kết quốc tế, gặp nhiều vướng mắc trong cải cách kinh tế. Cần phải thấy rằng, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước để tạo ra những doanh nghiệp đa sở hữu cũng là yêu cầu và đòi hỏi để Việt nam thực hiện các cam kết  trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có cam kết WTO.


Vậy theo ông, với điều kiện như hiện nay có nên để cổ phần hóa tăng tốc?

Từ thực tế những vướng mắc, tồn tại và khiếm khuyết trong quá trình CPH mà  Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/CP về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Nhiều vấn đề vướng mắc về cơ chế được tháo gỡ như xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, bán cổ phần, sửa đổi quy trình CPH… Tuy nhiên , Nghị định không phải là tất cả, vấn đề quan trọng vẫn là nhận thức, trách nhiệm và kết quả của công tác tổ chức thực hiện. Nhiều vấn đề của CPH sẽ không được giải quyết nếu thiếu nhận thức đúng về cổ phần hoá, thiếu kiên quyết và tích cực trong chỉ đạo tổ chức thực hiện, thiếu sự minh bạch. Vấn đề khó khăn nhất là làm sao CPH thành công, bảo vệ an toàn tài sản nhà nước và lợi ích người lao động, đổi mới thực sự hoạt động và quản trị doanh nghiệp.


Tham gia nhiều chuyên đề giám sát thực hiện cổ phần hóa của Quốc hội, theo ông đâu là những yếu kém thường gặp và cần khắc phục?
Qua hơn 15 năm, hơn 3.400 doanh nghiệp nhà nước đã được CPH, trong đó doanh nghiệp nhà nước CPH có quy mô ngày một lớn và mở sang nhiều lĩnh vực quan trọng như dầu khí, điện lực, hàng hải, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng… Tuy nhiên, tốc độ cổ phần hóa còn chậm, mặc dù có hơn 3.000 DNNN và bộ phận DNNN đã cổ phần hóa nhưng phần lớn vẫn là doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính yếu. Số vốn được CPH mới chiếm hơn 10% tổng số vốn trong các DNNN. Vốn nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong vốn điều lệ ở nhiều doanh nghiệp không thuộc diện cần giữ cổ phần chi phối.

Nhà đầu tư chiến lược trong nước khó có thể mua được lượng cổ phần đủ lớn để được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, trong khi mới có hơn 20 công ty có cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài vì thế về thực chất cổ phần hóa ở nhiều doanh nghiệp mới thực hiện khép kín. Hiện tượng thông thầu, liên kết trong đấu thầu hoặc mua gom cổ phiếu diễn ra, chưa được giám sát và ngăn chặn. Vì không thu hút được nhà đầu tư chiến lược, nên cơ chế vận hành và chất lượng quản lý, quản trị doanh nghiệp cổ phần hóa chưa có sự đổi mới thực sự, vẫn hoạt động như trước cả về tổ chức, tư duy, công nghệ, quản lý và triết lý kinh doanh, vẫn sử dụng gần như toàn bộ cán bộ quản lý thuộc bộ máy cũ. Gần đây lại có tình trạng DNNN sau cổ phần hóa đang dần chuyển hóa thành doanh nghiệp tư nhân. Một số cổ đông vì nhiều lý do đã từ bỏ vai trò nhà đầu tư - người chủ sở hữu, bán trực tiếp, chuyển nhượng số cổ phần của mình, kể cả cổ phần ưu đãi hoặc làm trung gian thu gom cổ phần cho tư nhân ngoài doanh nghiệp.