Các đòi hỏi về phát triển bền vững ngày càng được đề cao với các khu công nghiệp. Ảnh: Dũng Minh

Các đòi hỏi về phát triển bền vững ngày càng được đề cao với các khu công nghiệp. Ảnh: Dũng Minh

Khu công nghiệp trước yêu cầu “tiến hóa”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, nhưng mức độ yêu cầu và các tiêu chuẩn cũng ngày một cao hơn và bất động sản khu công nghiệp không là ngoại lệ.

Đề cao tính bền vững

Từ góc nhìn của nhà phát triển dự án khu công nghiệp, ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành miền Bắc, Frasers Property cho biết, thị trường khu công nghiệp Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm phát triển. Theo thời gian, quy mô và số lượng các khu công nghiệp tăng nhanh, hiện cả nước có khoảng 300 khu công nghiệp, với quy mô trên 82.000 ha. Cùng với phát triển hạ tầng kết nối, các khu công nghiệp đã phát triển đến tận những khu vực xa trung tâm, những thị trường cấp 2 nằm kề các trọng điểm kinh tế.

Cũng theo ông Dương, nhìn về 20 năm trước, Việt Nam chủ yếu thu hút đầu tư ở các lĩnh vực cần nhiều lao động, nhưng hơn 10 năm trở lại đây, các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử được gia tăng tỷ trọng, số lượng lao động sử dụng cũng trở nên ít hơn. Đây vẫn sẽ là xu hướng của giai đoạn tới.

Riêng với các khu công nghiệp, giai đoạn trước, các nhà phát triển chủ yếu cung cấp đất làm hạ tầng, cho khách thuê xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, với việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghệ, điện tử… đã thúc đẩy mạnh nhu cầu thuê nhà kho, nhà xưởng xây sẵn.

“Trong trung và dài hạn, các tiêu chuẩn xây dựng nhà xưởng theo hướng phát triển bền vững, phát triển xanh… đáp ứng các chứng chỉ phát triển xanh quốc tế sẽ đòi hỏi cao hơn và là nhu cầu cấp thiết, là xu hướng không thể thay đổi mà các nhà phát triển dự án khu công nghiệp phải lưu tâm”, ông Dương nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, thực tế này đang kéo theo sự nhập cuộc hào hứng hơn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư chuyên nghiệp ở phân khúc bất động sản khu công nghiệp.

Còn theo ông Kim Lê Huy, Phó chủ tịch Ngành hàng tiêu dùng, DKSH Việt Nam, ở hiện tại cũng như tương lai gần, cả các nhà đầu tư (khách thuê tại các khu công nghiệp) lẫn các thị trường xuất khẩu đều coi trọng các yếu tố phát triển bền vững. Do đó, một đòi hỏi bức thiết với các bên là phải thực hiện chuyển đổi kép: Công nghệ xanh và chuyển đổi số.

Lấy dẫn chứng từ doanh nghiệp mình, ông Huy cho biết, DKSH Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng thực thi theo mức độ am hiểu của thị trường địa phương tại tất cả 21 trung tâm vận hành ở Việt Nam, từ khâu phân phối, trung chuyển… cho đến hệ thống các phòng nghiên cứu, thí nghiệm.

Ngoài ra, DKSH Việt Nam cũng đã tham gia hiệp ước toàn cầu về phát triển xanh, tự đặt ra các mục tiêu về lượng phát thải và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm 60% lượng phát thải so với năm 2020.

“Chúng tôi sẽ ưu tiên sử dụng các loại năng lượng tái tạo bởi chuyển hoá xanh thành công sẽ tạo ra các cơ hội cạnh tranh tốt hơn cho doanh nghiệp, nhất là với các thị trường xuất khẩu khó tính”, ông Huy cho hay.

Không thể thiếu ESG

Các yếu tố cần cải thiện để thực hiện chuyển đổi đang trong tầm tay các cơ quan điều hành, nhưng thời gian sẽ không đợi chờ và nếu không kịp triển khai, Việt Nam sẽ bỏ qua các cơ hội, thời cơ tốt đang hiện hữu.

Nêu dẫn chứng về sự cần thiết của việc triển khai các dự án liên quan đến phát triển xanh, bền vững, ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch CME Solar Investment - doanh nghiệp chuyên phát triển các dự án điện mặt trời áp mái trong và ngoài các khu công nghiệp kể, trong một chương trình xúc tiến đầu tư vào thị trường Mỹ dành cho các doanh nghiệp tại Nam Định, các nhà đầu tư ngoại chỉ lựa chọn sản phẩm từ các nhà sản xuất sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đây là “hàng rào kỹ thuật” đầu tiên và quan trọng bậc nhất khi lựa chọn đối tác của “phía bạn”.

Ông Kiên cho biết, hiện tại, với công tác thu hút đầu tư nước ngoài hay xuất khẩu, năng lượng sạch là một tiêu chuẩn bắt buộc phải có trong hồ sơ doanh nghiệp. Do đó, để đáp ứng yêu cầu này, CME Solar Investment đang mở rộng triển khai các dự án năng lượng tái tạo ở thị trường phía Bắc, cho dù nguồn bức xạ thấp hơn ở phía Nam.

“Nói về chuyển đổi năng lượng xanh nghe có vẻ xa xôi nhưng lại rất thực tế và là yêu cầu ‘gần’ mà các thị trường xuất khẩu khó tính đòi hỏi. Nếu chúng ta có chính sách ổn định, lâu dài, định hướng rõ ràng… thì các nhà đầu tư sẵn sàng đồng hành và tạo ra các yếu tố cộng hưởng để hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế, năng lượng”, ông Kiên nói và nhấn mạnh thêm rằng, các yếu tố cần cải thiện để thực hiện chuyển đổi đang trong tầm tay các cơ quan điều hành, nhưng thời gian sẽ không đợi chờ và nếu không kịp triển khai, Việt Nam sẽ bỏ qua các cơ hội, thời cơ tốt đang hiện hữu.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán từ các thành viên thị trường, bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) đang là vấn đề rất được đề cao, đặc biệt với các thị trường xuất khẩu khó tính. Trong nước, ESG cũng được quan tâm nhiều, đặc biệt từ các doanh nghiệp đầu ngành.

Thực tế, trong 2 năm qua, ESG là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận, hội thảo, tọa đàm chuyên đề được tổ chức bởi các đơn vị chuyên ngành về tư vấn đầu tư, kiểm toán… Riêng với các khu công nghiệp, ngoài việc các khách thuê chủ động thực hiện theo bộ tiêu chuẩn ESG, bản thân các nhà phát triển dự án cũng phải “đi trước”, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn này để làm nền cho khách thuê triển khai các hạng mục phù hợp với từng mô hình sản xuất - kinh doanh.

Bà Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng bộ phận Tư vấn phát triển bền vững, kiêm lãnh đạo Khối cơ sở hạ tầng, chính phủ và y tế KPMG Việt Nam và Campuchia cho hay, hiện tại, việc đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của bộ tiêu chuẩn ESG là đòi hỏi tiên quyết với các nhà đầu tư, nhất là đầu tư năng lượng xanh.

“Chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu của các công ty toàn cầu về việc kiểm tra độ tương thích ESG của nhà cung cấp Việt Nam có theo chuẩn mực quốc tế cho từng hạng mục như đảm bảo cam kết bình đẳng giới, không sử dụng lao động trẻ em… Nếu doanh nghiệp trong nước không thỏa mãn được các yêu cầu đề ra, họ sẽ tìm nhà cung cấp mới”, bà Hà nói và cho biết thêm, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu sang EU đều phải chứng minh được việc đã, đang và sẽ giảm thiểu carbon trong sản xuất (muộn nhất là từ thời điểm 1/10/2023).

“Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu quan tâm đến môi trường, nhưng nay rộng mở hơn với yêu cầu về ESG. Nếu nhà cung cấp trong nước không đáp ứng được thì họ sẽ không đầu tư, nếu có chỉ đầu tư một phần. Do đó, ESG đang rất được quan tâm”, bà Hà nhấn mạnh.

Cũng bình luận về sự cần thiết phải “chuyển mình” của các nhà phát triển dự án khu công nghiệp, bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao Khối Nghiên cứu và tư vấn JLL Việt Nam cho rằng, dòng vốn FDI đã có sự dịch chuyển nhiều về phân khúc sản phẩm. Nếu trước đây, vốn ngoại rót vào thị trường địa ốc chủ yếu ở phân khúc nhà ở thì nay, sự quan tâm được san sẻ nhiều hơn cho các sản phẩm bất động sản khu công nghiệp, logistics, kho lạnh, trung tâm dữ liệu.

Cũng theo bà Trang Lê, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên sự xâm nhập của các mô hình bất động sản mới theo xu hướng quốc tế là rất nhanh. Điều này đòi hỏi năng lực của nhà quản lý, của các nhà phát triển dự án với cái mới phải nhanh, mạnh để bắt kịp sự thay đổi của thị trường, bao gồm cả việc đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển theo xu hướng xanh, bền vững, thân thiện môi trường…

Tin bài liên quan