Ông Võ Quốc Khánh, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính ngân hàng EY Việt Nam

Ông Võ Quốc Khánh, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính ngân hàng EY Việt Nam

Khung quản trị hiệu quả - Cẩm nang của ngân hàng

(ĐTCK) Mặc dù còn có những khía cạnh khác mà một DN cần hướng đến (như môi trường, lao động, trách nhiệm xã hội…), nhưng thành công của nhà quản trị trước hết và quan trọng nhất vẫn sẽ được đánh giá trên khả năng mà họ gia tăng giá trị DN và giá trị cho cổ đông.
 

Chân lý giản dị này không được hiểu đúng mọi lúc, mọi nơi và trong nhiều trường hợp, do nhiều nguyên nhân khác nhau, không phải lúc nào cũng trở thành kim chỉ nam cho hành động của các nhà quản trị DN. Cổ phần hóa và sức ép cổ đông là một trong những lực đẩy để đảm bảo rằng, các nhà quản trị đi đúng hướng trong việc gia tăng giá trị DN và giá trị cổ đông. Theo đó, bài viết này đề cập đến những vấn đề về ảnh hưởng của yếu tố rủi ro và vai trò của khung đo lường hiệu quả hoạt động tới việc nâng cao giá trị cho cổ đông trong ngành ngân hàng hiện nay.

Yếu tố rủi ro và ảnh hưởng kép

Thông thường, khi rủi ro đầu tư vào một DN, một ngành, một quốc gia được đánh giá là cao (trong tương quan với các cơ hội đầu tư khác) thì lợi tức yêu cầu (required return) của nhà đầu tư sẽ cao hơn tương ứng. Vì vậy, sẽ là có cơ sở khi ai đó nói rằng, lợi tức đầu tư vào Việt Nam phải là “20% trở lên mới đáng đầu tư”. Hay cổ đông của các ngân hàng có lý khi cho rằng, với mức trả cổ tức 4 - 5% hiện nay là quá thấp, thấp hơn cả mức lợi tức từ gửi tiền vào ngân hàng. Rõ ràng, rủi ro của việc gửi tiền (công cụ nợ) là thấp hơn nhiều so với đầu tư vốn (công cụ vốn).

Cần lưu ý rằng, sự gia tăng rủi ro trong hồ sơ rủi ro của một ngân hàng có tác động kép, không chỉ gia tăng chi phí vốn do lợi tức yêu cầu cao hơn, mà còn dẫn đến yêu cầu duy trì mức vốn cao hơn để đảm bảo hoạt động an toàn của một ngân hàng (yêu cầu vốn tối thiểu theo NHNN hay Hiệp ước Basel). Bên cạnh đó, trong điều kiện thị trường bình thường, mức lãi suất trả cho người gửi tiền cũng cao hơn với các ngân hàng có mức độ rủi ro cao hơn, điều có thể dễ dàng nhận thấy trên thị trường hiện nay.

Vì vậy, yếu tố rủi ro gia tăng luôn cần được đảm bảo bởi sự gia tăng lợi nhuận tương ứng, nếu một ngân hàng muốn đảm bảo gia tăng giá trị cho cổ đông. Tuy nhiên, cái khó của nhiều ngân hàng tại Việt Nam hiện nay là làm sao có thể nâng cao tính cạnh tranh, cải thiện hiệu quả hoạt động để đem lại mức lợi nhuận cao hơn trong khi vẫn đảm bảo rủi ro ở mức độ chấp nhận được. Để giải quyết thử thách này, các ngân hàng trước hết cần có phương pháp để giúp họ nhìn ra hoạt động cốt lõi đem lại giá trị của DN, hành động đúng hướng và giúp đo lường hiệu quả hoạt động, đó là Khung quản trị hiệu quả hoạt động.

Khung quản trị hiệu quả - cẩm nang thành công

Quản trị hiệu quả hoạt động là quá trình xác định các nhân tố thúc đẩy giá trị (value driver) và xác định các chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động, hỗ trợ việc ra quyết định kinh doanh và thúc đẩy hành động của các bộ phận, cá nhân trong tổ chức phù hợp với định hướng và mục tiêu của nhà quản trị.

Quản trị hiệu quả hoạt động do đó có vai trò quan trọng trong việc tạo ra giá trị cổ đông bởi các lý do sau: Giúp DN tập trung vào các yếu tố cốt lõi thúc đẩy thành công; Hỗ trợ việc đảm bảo tính chịu trách nhiệm trong ngân hàng, nhất là khi gắn liền với cơ chế khen thưởng; Khi được triển khai đúng đắn, sẽ đảm bảo hỗ trợ nhà quản trị ra quyết định hành động, thay vì chỉ xác định vấn đề; Giúp tổ chức thực sự hướng đến khách hàng, cổ đông, đối thủ cạnh tranh và cơ quan quản lý, các đối tượng có liên quan; Tối ưu hóa quy trình hoạt động để nâng cao năng suất, đảm bảo đạt được các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động.

5 bước xây dựng “khung quản trị hiệu quả” trong ngân hàng

Khung quản trị hiệu quả hoạt động đang là mối quan tâm của nhiều ngân hàng Việt Nam hiện nay. Nhiều ngân hàng đã bắt đầu quá trình xây dựng khung quản trị hiệu quả hoạt động, mặc dù việc phát triển có thể chưa thật sự hoàn chỉnh và đồng bộ. Vậy các ngân hàng nên bắt đầu từ đâu?

- Định giá chuyển vốn (FTP)

Có thể thấy rằng, hoạt động tín dụng (nhận tiền gửi, cho vay) vẫn là hoạt động chính, chiếm tỷ trọng lớn trong kết quả kinh doanh của hầu hết ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, xác định giá vốn hợp lý, nâng cao thu nhập lãi là một trong những thành tố cơ bản và quan trọng của khung quản trị hiệu quả hoạt động và công cụ quan trọng giúp ngân hàng đạt được việc này là xây dựng một hệ thống Định giá chuyển vốn (FTP) phù hợp.

Được xây dựng dựa trên chi phí vốn cận biên của ngân hàng có tính tới các chi phí vốn có liên quan, FTP sẽ cung cấp thông tin chính xác về chi phí của một đồng vốn của ngân hàng tương ứng với rủi ro lãi suất và thanh khoản của nó. Đây là thông tin cơ sở để ngân hàng xác định giá cho vay ra bên ngoài, sau khi đã tính tới các chi phí kinh doanh, lợi tức kỳ vọng có liên quan.

- Phân bổ chi phí và doanh thu và Đo lường lợi nhuận đa chiều

Nhiều ngân hàng Việt Nam đã và đang chuyển đổi sang cơ cấu quản trị theo chiều dọc, theo khối kinh doanh và sản phẩm, cùng với đó là văn hóa kinh doanh lấy “khách hàng và sản phẩm là trung tâm”. Để hỗ trợ quá trình này, nhà quản trị ngân hàng cần có thông tin quản trị đo lường lợi nhuận và hiệu quả hoạt động theo rất nhiều khía cạnh khác nhau, do đó, yêu cầu về một hệ thống Đo lường lợi nhuận đa chiều là vô cùng cấp thiết.

Trong cấu phần về lợi nhuận, doanh thu và chi phí là yếu tố không thể tách rời. Do đó, trong phạm vi xây dựng một khung Đo lường lợi nhuận hoàn chỉnh, ngân hàng cần có phương pháp luận phù hợp về phân bổ chi phí và doanh thu theo các đối tượng báo cáo khác nhau.

Phân bổ chi phí là việc đưa các chi phí hoạt động (tiền lương nhân viên, thuê văn phòng…) ghi nhận trên sổ sách hiện tại về các đối tượng cần được đo lường lợi nhuận (tổ chức, sản phẩm, đơn vị kinh doanh và khách hàng). Phân bổ doanh thu là phương pháp kế toán quản trị để phân bổ công bằng doanh thu cho các hoạt động tạo ra doanh thu, trong khi vẫn áp dụng nguyên tắc ghi nhận doanh thu phù hợp với các quy định về kế toán tài chính.

Bên cạnh phân bổ doanh thu, chia sẻ thu nhập cũng có thể cần tính tới khi có nhiều bộ phận khác nhau tham gia vào quá trình bán sản phẩm, dịch vụ, nhằm đảm bảo các nỗ lực của các bộ phận được ghi nhận đầy đủ, qua đó thúc đẩy văn hóa bán chéo sản phẩm giữa các bộ phận trong ngân hàng.

- Lập kế hoạch, ngân sách và dự báo

Lập kế hoạch, ngân sách và dự báo là một phần không thể thiếu trong Khung quản trị hiệu quả hoạt động.

Lập kế hoạch bao gồm kế hoạch chiến lược và kế hoạch kinh doanh. Trong đó, lập kế hoạch chiến lược là quá trình cụ thể hóa mục tiêu của ngân hàng thành lộ trình. Kế hoạch chiến lược cần bao gồm các yếu tố như xu hướng ngành, thị phần, kỳ vọng của khách hàng, kỳ vọng của bản thân ngân hàng, các yếu tố cạnh tranh và các yếu tố bên ngoài khác. Lập kế hoạch kinh doanh tiếp tục cụ thể hóa kế hoạch chiến lược thành các sáng kiến, kế hoạch hành động và nguồn lực của từng khối kinh doanh, bộ phận để đạt được mục tiêu tổng thể của toàn ngân hàng.

Lập ngân sách sẽ chuyển đổi các mục tiêu hoạt động và tài chính thành kế hoạch tài chính. Kết quả của quá trình này là việc xác định nguồn lực sẽ được phân bổ như thế nào để đạt được các kế hoạch đã đề ra.

Dự báo là quá trình cập nhật kết quả kinh doanh, phản ánh điều kiện hiện tại của thị trường, các thay đổi, cơ hội và thách thức mới.

- Xây dựng Bản đồ giá trị và Hệ thống KPI (chỉ số đo lường hiệu suất) thực sự hướng đến giá tr

Trong một cơ chế quản trị hiệu quả, mọi khoản chi tiêu hay đầu tư trước khi thực hiện đều cần được chứng minh hiệu quả dựa trên một phương án kinh doanh “business case” thuyết phục. Do đó, nhu cầu của quản lý DN là phải xác định được chuỗi giá trị và bản đồ giá trị để định hướng hoạt động kinh doanh. Đây là vấn đề mà hầu hết các ngân hàng Việt Nam chưa làm được.

Khen thưởng theo KPI, khuyến khích “hành vi phù hợp” của các cấp quản lý và nhân viên hướng tới lợi ích chiến lược của toàn DN và xa hơn là giá trị cổ đông. Vấn đề của nhiều hệ thống KPI tại các ngân hàng hiện nay là các chỉ tiêu đo lường không có sự gắn kết với chiến lược, các chỉ tiêu có quá nhiều, hoặc đơn giản là chỉ tiêu không phù hợp.

- Phân bổ vốn và đo lường lợi nhuận điều chỉnh rủi ro

Mục tiêu của việc đo lường lợi nhuận điều chỉnh rủi ro là đảm bảo rằng, hiệu quả kinh tế thực sự được đo lường, có tính đến mức độ vốn cần thiết tương ứng với hồ sơ rủi ro của ngân hàng. Các tiêu chí đo lường hiệu quả điều chỉnh rủi ro do đó sẽ cung cấp một công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả của các bộ phận khác nhau trong cùng một ngân hàng trên cùng một “mặt bằng”, là cơ sở để phân bổ nguồn lực của ngân hàng vào những khu vực thực sự đem lại hiệu quả.

Với khung hiệu quả hoạt động có tính tới các tiêu chí điều chỉnh rủi ro, nhà quản trị có công cụ để cân bằng giữa hoạt động lợi nhuận hàm chứa rủi ro với nhu cầu đảm bảo an toàn trong hoạt động.

Nhiều nghiên cứu ở các nước phát triển chỉ ra rằng, khi các nhà quản trị tập trung vào việc gia tăng giá trị cổ đông, ngân hàng có thể gia tăng lợi nhuận cho cùng một mức độ rủi ro chấp nhận.

Lời kết

Xây dựng khung quản trị hiệu quả hoạt động là một lộ trình không hề đơn giản nhưng là con đường mà các ngân hàng Việt Nam bắt buộc phải đi để hướng tới thông lệ quản trị hiện đại. Nỗ lực và thời gian cần thiết sẽ là không nhỏ nhưng hiệu quả mà nó đem lại sẽ là rất lớn trong việc xác định những sản phẩm khách hàng, kênh phân phối thực sự hiệu quả, góp phần gia tăng lợi nhuận và giá trị cổ đông.        

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan