MBS đặt mục tiêu có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong thời kỳ mới.

MBS đặt mục tiêu có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong thời kỳ mới.

Khuyến nghị mua cổ phiếu của chính mình: CTCK tạo góc nhìn đa sắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 23/2/2021, Công ty Chứng khoán MB công bố báo cáo khuyến nghị mua vào cổ phiếu MBS với tỷ suất sinh lời kỳ vọng 45,1% gây xôn xao dư luận, vì đây chính là cổ phiếu của Công ty.

Một kênh tham thảo

Luật sư một công ty chứng khoán lớn cho biết, về mặt luật pháp, không có quy định nào cấm công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư mua bán cổ phiếu của công ty. Nhưng theo thông lệ, công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị về cổ phiếu của chính mình là việc ít có công ty nào làm.

Giống như doanh nghiệp niêm yết khác, công ty chứng khoán khi nhận thấy giá cổ phiếu dưới giá trị thực của doanh nghiệp có thể tổ chức các hoạt động quan hệ nhà đầu tư, cung cấp thông tin cho các chuyên viên phân tích công ty chứng khoán khác cũng như tổ chức đầu tư khác để lan tỏa thông điệp ra thị trường.

Trước đây, các công ty chứng khoán như SSI, HSC còn sử dụng biện pháp mua vào cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu giảm sâu.

Theo khuyến nghị của MBS với cổ phiếu MBS, giá mục tiêu là 28.300 đồng/cổ phiếu, bởi thị trường chứng khoán có triển vọng tăng trưởng, Công ty có tiềm năng mở rộng tệp khách hàng cá nhân nhờ hưởng lợi từ hệ sinh thái của Tập đoàn mẹ là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Công ty giữ vững vị trí Top 6 thị phần môi giới và Top 3 mảng ngân hàng đầu tư (IB). Mức giá mục tiêu của cổ phiếu được định giá dựa trên kết hợp 2 phương pháp so sánh P/E và P/B.

Trước đó, trong một báo cáo cập nhật ngày 13/1, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) khuyến nghị mua cổ phiếu MBS từ tháng 11/2020 và đến ngày 13/1 đạt tỷ suất lợi nhuận hơn 80% khi giá cổ phiếu tăng lên 20.400 đồng/cổ phiếu.

CSI khuyến nghị nhà đầu tư không mua thêm mà chốt lời một nửa ở ngưỡng kháng cự 23.000 đồng/cổ phiếu và bán toàn bộ phần còn lại ở mức kháng cự 24.500 đồng/cổ phiếu, tương đương lợi nhuận kỳ vọng là 116,8%

Việc công ty chứng khoán vốn là một doanh nghiệp đưa ra khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu của chính mình rất lạ lẫm trên thị trường nên dễ nhận được các ý kiến trái chiều.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, đây là việc bình thường, bởi khuyến nghị của các công ty chứng khoán, đặc biệt là những báo cáo được công bố rộng rãi, công khai trên thị trường chỉ là một tài liệu để các nhà đầu tư tham khảo. Hiện nay, nhà đầu tư mua bán cổ phiếu còn phải dựa vào rất nhiều yếu tố khác, đặc biệt quan trọng là tiềm năng tăng trưởng và dư địa phát triển của doanh nghiệp.

Câu chuyện tương lai MBS

Tính đến cuối năm 2020, MBS có 96,9 tỷ đồng tiền và tương đương tiền các loại; tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) là 1.468,6 tỷ đồng (bao gồm 124,2 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết, 305,7 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi và 1.038 tỷ đồng trái phiếu); tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) có giá trị 113,4 tỷ đồng (đều là các cổ phiếu chưa niêm yết, đã trích lập dự phòng 59 tỷ đồng) và 889,6 tỷ đồng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (bao gồm 739,6 tỷ đồng tiền gửi dưới 1 năm và 150 tỷ đồng các khoản tiền gửi trên 1 năm).

Cũng tại thời điểm cuối năm 2020, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước là 4.123 tỷ đồng, tăng 53,3% so với đầu năm. Đây là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của MBS, chiếm 58,8%.

Trong điều kiện thị trường tiếp tục sôi động với thanh khoản cao như hiện nay, dư địa tăng trưởng cho những công ty chứng khoán Top đầu là khá lớn. Đơn cử, trong 2 tháng đầu năm 2021, số lượng nhà đầu tư mới mở tài khoản tại MBS đạt 10.000 tài khoản, tăng mạnh so với cuối năm 2020. Thậm chí, tháng 2 vốn có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, số lượng nhà đầu tư mới mở tài khoản vẫn đạt tương đương tháng 1.

Nhằm tạo đà cho những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong thời kỳ mới, MBS đã lựa chọn BCG - công ty tư vấn Top đầu thế giới để tham gia tư vấn xây dựng chiến lược.

Giai đoạn 2015 - 2020, MBS đã đạt các mục tiêu chiến lược đề ra; duy trì vị thế Top đầu trên thị trường về hoạt động môi giới cũng như nhóm dẫn đầu doanh thu về dịch vụ ngân hàng đầu tư, triển khai hàng loạt sáng kiến kinh doanh cho hoạt động môi giới và các đơn vị hỗ trợ.

Trong giai đoạn mới, dự đoán điều kiện môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế sẽ có nhiều biến động khó lường, đồng thời áp lực cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán trong nước và các công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng gay gắt.

Do đó, việc xây dựng và triển khai mục tiêu chiến lược cho 5 năm tiếp theo là điều kiện quan trọng đối với sự phát triển và khẳng định vị thế của MBS trong tương lai.

Trong phạm vi dự án, BCG sẽ tư vấn cho MBS các giải pháp toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, thông qua việc đổi mới mô hình kinh doanh có sự kết nối trong hoạt động của tập đoàn với các sáng kiến chiến lược then chốt, xây dựng kế hoạch tài chính tổng thể; chuyển đổi số; cung cấp dịch vụ và sản phẩm chất lượng cao cho khách hàng, đề cao sự hài lòng và trải nghiệm của khách hàng.

Ngoài ra, BCG và MBS sẽ cùng triển khai một số hoạt động quick-win nhằm đem lại hiệu quả nhanh chóng đối với một số mục tiêu trong thời gian tới.

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS cho biết: “Thị trường vốn Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh khi số người dân có tài khoản chứng khoán mới đạt chưa đầy 2%. Mục tiêu của Chính phủ trong Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 là tăng con số này lên 5%. Dù vậy, thị trường chứng khoán ngày càng đòi hỏi sự chuyên nghiệp và khắt khe hơn, cạnh tranh chứng khoán sẽ đi vào chiều sâu, buộc các công ty chứng khoán phải thích ứng mạnh mẽ hơn nữa”.

Soi và mổ xẻ các chuyển động mới của doanh nghiệp, nhìn vào dư địa thực tế của Công ty trong bức tranh chung của cả ngành, một cổ đông của MBS nhận xét, những câu chuyện mới trong định hướng phát triển của MBS, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng và lợi nhuận đem lại cho Công ty, cổ đông mới là điều thu hút nhà đầu tư quan tâm, chứ không chỉ chăm chăm dựa trên những bản báo cáo phân tích đơn thuần.

Nội dung báo cáo của MBS:

MBS có tiềm năng mở rộng tệp khách hàng cá nhân lớn nhờ lợi thế tiền thân là Chứng khoán Thăng Long đạt Top 1 về thị phần và hưởng lợi từ hệ sinh thái của Ngân hàng Quân đội. Ngân hàng sở hữu hơn 5 triệu khách hàng tính đến cuối quý III/2020 và phục vụ hơn 80% khách hàng doanh nghiệp, do đó MBS hoàn toàn có khả năng mở rộng tệp khách hàng thông qua đẩy mạnh các hoạt động bán chéo với Ngân hàng mẹ và các công ty con khác trong Tập đoàn, đặc biệt đối với hoạt động IB và tư vấn phát hành trái phiếu - vốn nằm trong Top 3 các công ty chứng khoán về mảng kinh doanh này.

Công ty có kế hoạch tăng vốn, bán vốn cho đối tác ngoại và đẩy mạnh đầu tư công nghệ số nhằm gia tăng thị phần môi giới trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong ngành khi có sự tham gia của các công ty chứng khoán ngoại với lợi thế lớn hơn về vốn và chi phí thấp. Năm 2020, MBS chiếm 4,79% thị phần, tăng nhẹ so với mức 4,77% của năm 2019.

Công ty kỳ vọng nâng cao hiệu quả kinh doanh nhờ ký hợp đồng tư vấn chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 với Boston Consulting Group (BCG). Với những trường hợp ghi nhận dấu ấn tăng trưởng vượt bậc như Techcombank, VPBank… khi có sự tham gia tư vấn chiến lược của các đơn vị tư vấn hàng đầu (McKinsey, BCG, PwC…), MBS kỳ vọng hiệu quả kinh doanh của Công ty sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng tăng trưởng nhờ quy mô thị trường ngày càng tăng với số lượng tài khoản cá nhân mở mới tăng mạnh; kinh tế vĩ mô ổn định và hệ thống pháp luật hoàn thiện, minh bạch hơn; cơ hội từ khả năng nâng hạng thị trường trong thời gian tới.

Tin bài liên quan