Sau khi có sự khởi sắc trong năm 2009, TTCK Việt Nam đang có dấu hiệu điều chỉnh. Ảnh minh họa: Đức Thanh/ĐTCK

Sau khi có sự khởi sắc trong năm 2009, TTCK Việt Nam đang có dấu hiệu điều chỉnh. Ảnh minh họa: Đức Thanh/ĐTCK

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán năm 2010

Năm 2009 là một năm đầy biến động của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và thế giới. Đây là năm mà TTCK toàn cầu chạm “đáy” trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay nhưng đồng thời cũng chứng kiến thị trường có những đợt phục hồi ấn tượng.

TTCK một năm nhìn lại

Năm 2009, TTCK như một bộ phim hành động cảm giác mạnh không dành cho những nhà đầu tư (NĐT) yếu tim khi giá CK đột ngột tuột dốc không phanh và cũng bất ngờ phục hồi mạnh mẽ làm kinh ngạc nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các NĐT.

Cụ thể, những chỉ số lớn trên TTCK thế giới như chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ từ mức cao nhất khoảng 14.000 điểm năm 2008 đổ dốc chỉ còn xấp xỉ 6.500 điểm đầu năm 2009. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản từ mức 16.000 điểm cũng giảm mạnh xuống còn 9.400 điểm. Đây là đợt sụt giảm mạnh nhất của TTCK toàn cầu kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ 2.

Hầu hết các TTCK thế giới trong giai đoạn này đều giảm điểm từ 50% trở lên. Tuy nhiên sau khi sụt giảm mạnh, TTCK toàn cầu đã bất ngờ “bật” dậy mạnh mẽ với mức gia tăng cực kỳ ấn tượng (xem bảng dưới đây).

Chỉ số

Quốc gia

Mức thấp nhất năm 2009

Mức cao nhất năm 2009

% thay đổi

DJ 30 công nghiệp

Mỹ

6.440

10.524

63%

FTSE 100

Anh

3.460

5.397

56%

Thượng Hải

Trung Quốc

1.820

3.471

91%

Nikkei

Nhật Bản

7.021

10.767

53%

VNI-Index

Việt Nam

234

634

171%

Mức gia tăng của TTCK thế giới và Việt Nam trong năm 2009

TTCK vốn được xem là “phong vũ biểu” của nền kinh tế (thước đo sức khỏe kinh tế) do thị trường này là nơi các doanh nghiệp niêm yết CK nên khi nền kinh tế tăng trưởng hay suy thoái sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Việc TTCK phục hồi được xem là do khủng hoảng kinh tế đã chạm “đáy” và đang trong giai đoạn đi lên từ mức thấp nhất. Hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng gia tăng trở lại, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô liên tục được cải thiện cho thấy nền kinh tế có nhiều dấu hiệu tăng trưởng góp phần đưa TTCK phục hồi mạnh.

 

Năm 2010 - mùa Xuân mới trên TTCK

Việc TTCK phát triển ổn định gắn liền với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế quốc gia. Bởi thế chu kỳ hiện tại của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến TTCK và xu hướng của nó trong dài hạn.

Hiện nền kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn giao thời giữa suy thoái và tăng trưởng. Các số liệu kinh tế gần đây từ nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu và một số nền kinh tế mới nổi khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi từng bước được cải thiện. Các chỉ tiêu kinh tế như GDP, PPI, CPI, doanh số bán lẻ, doanh số bán buôn, chỉ số tiêu dùng, lạc quan kinh tế… đều gia tăng đáng kể.

Tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam năm 2009 đã phục hồi trên hầu hết lĩnh vực. GDP năm 2009 ước tính tăng khoảng 5,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp dự báo cả năm đạt 7,2%. Kim ngạch xuất khẩu cũng đang tăng dần trong các tháng cuối năm.

Năm 2009 Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn năm 2008 và có điều kiện hồi phục, thoát khỏi ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Những thông tin trên chính là những tín hiệu cho sự phục hồi kinh tế và là nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của TTCK.

 

Thị trường vẫn còn nhiều khó khăn

Ông Pascal Lamy, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong buổi trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Pháp mới đây đã cho rằng, vẫn chưa thể xác định được kinh tế thế giới có thể thoát ra khỏi khủng hoảng trong năm 2010.

Theo ông, mặc dù kinh tế thế giới đã chạm “đáy” nhưng sẽ không thể bật dậy nhanh chóng do “cơ thể” của nền kinh tế chỉ đang trong quá trình hồi phục.

Ông Pascal Lamy cũng nói thêm, việc các quốc gia trên thế giới liên tục bơm tiền vào lưu thông với mục đích tránh cho khủng hoảng kinh tế lan rộng, tuy nhiên cách làm trên cũng đồng thời tạo ra bong bóng tài chính và có thể làm TTCK tăng “ảo”.

Nhiều chuyên gia và tổ chức kinh tế khác trên thế giới cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng mức độ phục hồi của TTCK quá nhanh, cao hơn mức độ phục hồi của nền kinh tế. Bởi vì theo các chuyên gia này, mặc dù các số liệu kinh tế được cải thiện nhưng chưa cho thấy sự bền vững khi các chỉ tiêu kinh tế tăng giảm thất thường. Đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp và số việc làm bị cắt giảm ở nhiều nền kinh tế còn rất xấu.

Đơn cử, tỷ lệ thất nghiệp ở 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và EU hiện đang ở mức 2 con số, đạt 10% (mức kỷ lục trong gần 30 năm nay). Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ (thống kê số lượng việc làm bị mất trong một tháng ngoại trừ lĩnh vực nông nghiệp) được công bố đầu năm 2010 đã bất ngờ sụt giảm mạnh xuống mức 85.000 việc làm mất trong tháng 1/2010 từ mức có thêm 4.000 việc làm việc làm trong tháng cuối năm 2009.

Số liệu này được công bố tốt vào cuối năm 2009 được các nhà phân tích cho rằng đó là do nhu cầu việc làm thời vụ tăng lên vào cuối năm và dịp đầu năm mới. Tuy nhiên, với việc công bố bảng lương phi nông nghiệp ở mức quá xấu cho thấy giới chủ ở Mỹ vẫn chưa dám mạnh tay thuê mướn nhân công do lo sợ nền kinh tế vẫn chưa thật sự ổn định.

Bởi thế sau gần một năm khởi sắc (từ đầu quý II/2009), TTCK toàn cầu đang có dấu hiệu điều chỉnh để cân bằng với mức độ tăng trưởng của nền kinh tế. TTCK Việt Nam tuy đã có mức gia tăng ấn tượng nhất trong năm 2009 (xem bảng trên) nhưng cũng không nằm ngoài xu thế này khi nhiều dấu hiệu không khả quan từ nền kinh tế như khả năng lạm phát quay trở lại, thâm hụt cán cân thương mại, cán cân thanh toán vẫn còn đáng lo ngại, cộng với việc NHNN chỉ đạo các NHTM hạn chế cho vay CK cuối năm 2009…

Như vậy, với nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế ấm lên nhưng chưa thật sự bền vững thì kịch bản nào phù hợp TTCK năm 2010.

 

Kịch bản nào cho TTCK Việt Nam năm 2010

Với những yếu tố kinh tế vĩ mô từ thế giới và tại Việt Nam như trên cộng với các yếu tố lịch sử, khi nền kinh tế phục hồi, TTCK gia tăng nhưng vẫn cần có sự điều chỉnh để lấy đà đi tiếp.

Các yếu tố tác động đến TTCK hiện nay cho thấy xu hướng thị trường phù hợp với đồ thị phân tích kỹ thuật (PTKT) của mô hình sóng Elliott và sóng cân bằng. Theo đồ thị này, TTCK Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn sóng điều chỉnh của con sóng lớn nhất chu kỳ 10 năm. VN-Index từ mức thấp nhất là 235 điểm đầu năm 2009 lên đến 634 điểm vào tháng 10/2009 là mới hoàn tất sóng I của chu kỳ này và đang trong quá trình điều chỉnh về điểm II.

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán năm 2010 ảnh 1
Mô hình sóng Elliott và sóng cân bằng của TTCK Việt Nam

Quá trình đi lên điểm I và điều chỉnh về điểm II phù hợp với các thông tin về kinh tế vĩ mô, các yếu tố tác động đến TTCK. Sau khi hoàn tất điểm II thị trường mới có khả năng tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, khi điểm I tăng mạnh thì nhiều khả năng thị trường đi lên điểm III sẽ đi dài hơn, chậm nhưng sẽ bền vững. Do đây là thời điểm các gói kích cầu, chính sách kinh tế bắt đầu phát huy tác dụng, các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng ổn định, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư tham gia mạnh vào thị trường… phù hợp với mô hình sóng từ II lên III.

Nếu theo đúng mô hình này, TTCK vẫn chưa hoàn thành điểm II và còn điều chỉnh đi xuống một nhịp nữa trong quý I cho đến quý II/2010 để hoàn tất điểm II này. Khi đó khả năng thị trường bắt đầu đi lên điểm III trong suốt năm 2010 với tốc độ không nhanh như năm 2009 nhưng sẽ ổn định và bền vững cùng với sức khỏe của nền kinh tế từng bước phục hồi đi vào ổn định.