KIDO (KDC) sẽ bán 22,5 triệu cổ phiếu quỹ cho tập đoàn đa quốc gia

KIDO (KDC) sẽ bán 22,5 triệu cổ phiếu quỹ cho tập đoàn đa quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO (KDC) cho biết, KIDO đã đàm phán và ký kết biên bản ghi nhớ với một tập đoàn quốc tế lớn, là công ty đa quốc gia.

Đối tác có thể mang lại giá trị thông qua việc hợp tác sản xuất và xuất khẩu sản phẩm KIDO đi các nước. Ngược lại, KIDO cũng có thể tiêu thụ sản phẩm của họ qua hệ thống phân phối hiện nay của Tập đoàn.

Thông tin này được ông Nguyên chia sẻ trong ĐHCĐ bất thường diễn ra sáng nay (20/12).

Theo đó, KIDO sẽ bán 22,5 triệu cổ phiếu cho tập đoàn này và đây sẽ là hợp tác lâu dài cùng KIDO.

Sau khi bán xong 22,5 triệu cổ phiếu quỹ, Kido cũng sẽ tiến hành mua lại 10 triệu cổ phiếu KDC nhằm đưa giá cổ phiếu trở về giá trị thực. Lượng cổ phiếu này tương đương 3,57% số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian thực hiện trong năm 2023 sau khi đã bán toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ đang nắm giữ và UBCKNN thông báo đã nhận được đầy đủ tài liệu.

Đại hội cũng thông qua tờ trình chia cổ tức tiền mặt, tỷ lệ 50% (mỗi cổ phiếu nhận 5.000 đồng), ước tính KDC sẽ chi ra hơn 1.336 tỷ đồng cho cổ tức.

Chia sẻ về chiến lược kinh doanh thời gian tới, ông Nguyên cho biết, KIDO sẽ tách ra theo 4 nhóm ngành bao gồm: Dầu ăn, kem, bánh kẹo và nước mắm (và các loại nước chấm). Đồng thời, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh liên kết liên doanh với công ty đa quốc gia.

Theo đó, trong năm 2023, KIDO cũng sẽ tách các công ty thành viên thành các công ty độc lập để dễ kết nối với các công ty đa quốc gia.

Ông Nguyên cho biết, cách làm này nhằm tạo điều kiện cho chiến lược liên doanh liên kết với các tập đoàn đa quốc gia theo từng mảng. Chẳng hạn công ty đa quốc gia chuyên về mảng dầu ăn sẽ hợp tác với công ty chuyên về dầu ăn của Kido, qua đó, tạo điều kiện để các tập đoàn đa quốc gia có thể kết nối thị trường trong nước và đi ra thị trường quốc tế.

“Tăng cường liên kết với các tập đoàn đa quốc gia, sản phẩm của Kido sẽ được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt hơn. Sang năm, tình hình giá nguyên vật liệu ổn định thì hiệu quả lợi nhuận sẽ tăng cao”, ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, Công ty không gặp khó khăn về tài chính, nhờ có nguồn thặng dư từ việc thoái vốn ở một số công ty thành viên trong tập đoàn và bán được cổ phiếu quỹ.

Chia sẻ về kết quả 11 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Kido cho biết, doanh thu thuần Tập đoàn đạt gần 11.500 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch, trong đó, ngành dầu ăn chiếm 80% doanh thu, ngành lạnh 16% và ngành khác 3%.

Theo nghiên cứu của AC Nielsen thì thị phần của Tường An là 26%, xếp thứ hai thị trường. Với ngành kem, Kido đang nắm 44,5% thị phần ở Việt Nam, theo số liệu mới nhất của EuroMonitor.

Theo bà Liễu, sau đại dịch COVID-19, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine đã đẩy giá hàng hóa biến động mạnh, trong đó có dầu cọ (nguyên liệu đầu vào để sản xuất dầu ăn). Từ mức giá 1.181 USD/tấn, giá dầu cọ đã tăng một mạch lên đỉnh điểm 1.777 USD/tấn vào tháng 3/2022. Nhưng chỉ trong 6 tháng sau đó, giá giảm về 909 USD/tấn. Biến động mạnh của giá nguyên liệu đầu vào gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh dầu ăn của Kido.

Tin bài liên quan