Kiểm kê khí nhà kính, cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp niêm yết

Kiểm kê khí nhà kính, cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính không chỉ để tuân thủ theo luật định, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, dù việc thực hiện sẽ có nhiều gian nan.

Không thể đứng ngoài

Ông Tôn Thất Hạc Minh, Thành viên Hội đồng chấm Giải thưởng Báo cáo PTBV - Chuyên viên tư vấn độc lập về ESG
Ông Tôn Thất Hạc Minh, Thành viên Hội đồng chấm Giải thưởng Báo cáo PTBV - Chuyên viên tư vấn độc lập về ESG

Tại COP26 năm 2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Đây là một quyết định thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, nhưng cũng là một thách thức, đòi hỏi phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả, sự đồng lòng của tất cả các bên liên quan. Bởi để đạt được mục tiêu net zero cần chuyển đổi nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch hiện nay, sang một nền kinh tế không phát thải…, trong khi thời gian thật sự không còn nhiều.

Để thực hiện cam kết tại COP26, ngay trong tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, bao gồm cả việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon; Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính…

Các quy định này đã tạo nền tảng quan trọng cho kế hoạch thực thi net zero của Việt Nam, bao gồm quy định các lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính, mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Cụ thể, từ 2026 - 2030, cả nước sẽ tiến hành kiểm kê khí nhà kính, lập và thực thi kế hoạch giảm nhẹ khí nhà kính theo các hạn ngạch được ban hành bởi Bộ Tài nguyên Môi trường. Song song đó, Chính phủ cũng sẽ tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước, qua đó các doanh nghiệp có thể trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để đạt được hạn ngạch phát thải của mình.

Trước đó, ngày 16/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, trong đó có yêu cầu bổ sung thông tin phần Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội của công ty, bao gồm tổng mức phát thải khí nhà kính (gián tiếp và trực tiếp), và các sáng kiến, biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đây là một bước tiến rất quan trọng trong việc luật hóa yêu cầu công bố thông tin môi trường, xã hội và quản trị (ESG), sau một thời gian dài được báo cáo theo hình thức tự nguyện.

Ngoài yêu cầu từ Chính phủ, cơ quan quản lý, việc chuyển đổi sang mô hình hoạt động không phát thải với các doanh nghiệp còn là đòi hỏi từ chính thị trường, người tiêu dùng, đối tác.

Người tiêu dùng thuộc Thế hệ Y và Z đang có sự thay đổi trong thái độ và hành vi tiêu dùng, họ mong muốn chi tiền cho các sản phẩm và dịch vụ được cung ứng từ các doanh nghiệp có các cam kết rõ ràng về biến đổi khí hậu.

Với các công ty niêm yết, đây còn là trách nhiệm đối với cổ đông và nhà đầu tư trong việc lượng hóa các rủi ro, tác động đến doanh nghiệp do biến đổi khí hậu gây ra. Ngoài ra, có một xu hướng rõ rệt trong việc các nhà đầu tư ngày càng ưu tiên các công ty trong danh mục đầu tư với các chính sách ESG.

Cơ hội cho doanh nghiệp

Ngoài việc để tuân thủ các quy định, thực hiện kiểm kê khí nhà kính còn mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích.

Cụ thể, việc kiểm kê giúp doanh nghiệp hiểu rõ hoạt động kinh doanh của chính mình qua việc khảo sát, lựa chọn và tập hợp thông tin một cách có hệ thống. Việc doanh nghiệp phải đánh giá rủi ro liên quan đến tác động tiêu cực của khí nhà kính sẽ làm lộ diện các “điểm nóng” trong chuỗi giá trị của mình, giúp doanh nghiệp lựa chọn ưu tiên trong nỗ lực giảm phát thải một cách phù hợp với nguồn lực nội bộ đồng thời đáp ứng các mục tiêu ESG.

Ngoài ra, việc có một cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính chính xác và sẵn sàng sẽ làm tăng độ tin cậy, thỏa mãn nhu cầu của các bên liên quan, đồng thời là tiền đề trong việc sử dụng tài nguyên và năng lượng của mình một cách hiệu quả.

Có một cơ sở dữ liệu minh bạch cũng sẽ giúp có được chứng nhận khí nhà kính, là điều kiện cần thiết để đăng ký nhãn sinh thái, giúp cải thiện uy tín của doanh nghiệp, nâng cao lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp có đầu tư giảm phát thải hiệu quả thì việc trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon cũng có thể là một nguồn thu nhập đáng kể.

Ba bước chính đo lường phát thải khí nhà kính

Kiểm kê khí nhà kính chỉ là bước đầu tiên trong việc chuyển đổi chiến lược kinh doanh hướng đến net zero, nhưng không hề đơn giản, có thể mất rất nhiều thời gian và nguồn lực. Đây là một thay đổi đột phá, nên quyết định phải xuất phát từ lãnh đạo cao nhất, quyết tâm thể hiện một cách minh bạch, rõ ràng.

Trên thực tế, hoạt động của doanh nghiệp cũng sẽ thường xuyên thay đổi, nên lượng phát thải cũng sẽ biến động, đây là lý do tại sao lượng phát thải khí nhà kính nên được đo lường và theo dõi thường xuyên. Theo thông lệ, các doanh nghiệp nên đo lường và báo cáo hằng năm toàn bộ lượng khí thải từ chuỗi giá trị.

Có nhiều cách để đo lường phát thải khí nhà kính, tùy thuộc vào phạm vi và mục đích mà doanh nghiệp muốn kiểm kê, về cơ bản, có ba bước chính.

Hiểu “dấu chân khí nhà kính”

Tất cả bắt đầu với câu hỏi: "Lượng phát thải của doanh nghiệp đang ở mức nào?", còn được gọi là lượng phát thải cơ bản (base line). Phát thải cơ bản đề cập đến tổng lượng phát thải khí nhà kính được tạo ra từ các hoạt động trước khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào để giảm thiểu.

Đầu tiên, cần phải xác định phạm vi hoạt động (thường gọi là “scope”, tùy tính chất nguồn phát thải mà xác định scope 1, 2 và 3). Tiếp đó, chọn phương pháp tính toán (lượng phát thải theo cấp độ sản phẩm (product GHG) hoặc cấp độ toàn doanh nghiệp (Corporate GHG). Tiếp theo là thu thập dữ liệu và phân loại các yếu tố phát thải.

Lúc này, doanh nghiệp đã có lượng phát thải cơ bản (baseline GHG) sẵn sàng báo cáo công khai cho khách hàng và các bên liên quan.

Đặt mục tiêu

Khi doanh nghiệp đã biết tổng lượng phát thải của mình ở đâu và bao nhiêu, các câu hỏi tiếp theo cần trả lời là: Nguồn thải chiếm đa số đến từ đâu? Nguồn thải tiềm năng nào có thể giảm bớt? Xác định mục tiêu giảm thải cụ thể bao nhiêu? Bạn muốn giảm nó như thế nào? Làm thế nào để giám sát các hoạt động giảm phát thải?

Hành động

Khi doanh nghiệp đã đặt mục tiêu và biết mình muốn đạt được điều gì, câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để đạt được chỉ tiêu của bạn? Có nhiều cách để giảm lượng khí thải, trong đó 2 giải pháp rất hiệu quả và phổ biến tại doanh nghiệp hiện nay là: Cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng; và Hoán chuyển năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và sinh khối.

Những thách thức gặp phải

Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp đã đi trước trong kiểm kê khí nhà kính, phần lớn các doanh nghiệp đang đối mặt với các thách thức như sau:

Thứ nhất, về cơ bản, chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng về kiểm kê khí nhà kính cho tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Thứ hai, hệ thống giáo dục, đào tạo chính thống vẫn đi chậm một bước trong việc cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn, có thể nắm được các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính và quan trọng hơn, là thiết lập và vận hành hệ thống quản trị ESG/khí nhà kính.

Thứ ba, độ tin cậy, sự chính xác của kiểm kê khí nhà kính phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phức tạp của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, do đó cũng thuộc rất nhiều vào mức độ minh bạch và trình độ quản trị doanh nghiệp.

Trong khi các doanh nghiệp vẫn đang đau đầu với báo cáo phát thải scope 1 và scope 2, thì áp lực ngày càng gia tăng trong việc yêu cầu báo cáo phát thải scope 3 trước thềm COP27. Scope 3 là lượng phát thải gián tiếp trong chuỗi giá trị (không tính phát thải gián tiếp scope 2 từ các nguồn năng lượng mà doanh nghiệp mua vào) và chịu trách nhiệm cho hơn 80% tổng phát thải của doanh nghiệp. Kiểm kê phát thải scope 3 là một thách thức rất lớn cho tổ chức do sự đa dạng và phức tạp của các nguồn thải, giới hạn về nguồn lực chuyên môn, sự không đồng bộ trong năng lực quản lý dữ liệu và lớn nhất là cam kết của lãnh đạo cấp cao.

Tin bài liên quan