Xây dựng là một trong những ngành phát thải khí nhà kính lớn. Ảnh: Shutterstock.

Xây dựng là một trong những ngành phát thải khí nhà kính lớn. Ảnh: Shutterstock.

Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh ngành công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hội thảo "Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải" do Báo Xây dựng và Liên minh hỗ trợ công nghiệp Việt Nam Visa tổ chức tại Hà Nội, chiều ngày 22/12. 

Nhận diện rào cản

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện tổ chức, doanh nghiệp đã tập trung bàn thảo các nội dung về: kiểm kê khí nhà kính, khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng dữ liệu kiểm kê hướng tới hoạch định chiến lược giảm phát thải, tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp...

Ngoài ra, hội thảo cũng chia sẻ các góc nhìn rộng hơn từ yêu cầu báo cáo kiểm kê từ những nhà cung cấp, nhà đầu tư và các nước châu Âu nhập khẩu một số mặt hàng của doanh nghiệp; chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đã có hành động hướng tới trung hòa carbon, nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp, vật liệu xây dựng và cơ sở hạ tầng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho nội tại doanh nghiệp và thực hiện trách nhiệm với môi trường - xã hội.

Theo PGS.TS. Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên.

Theo số liệu kiểm kê, tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014 là 59,91 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 101,89 triệu tấn CO­2 tương đương. Trong đó phát thải lớn nhất là sản xuất xi măng, với năm 2014 là phát thải 47,64 triệu tấn CO­2 tương đương và năm 2022 là 91,93 triệu tấn CO­2 tương đương; sản xuất gạch xây nung năm 2014 phát thải 5,73 triệu tấn CO­2 tương đương và năm 2022 là 4,22 triệu tấn CO­2 tương đương; còn sản xuất vôi công nghiệp năm 2014 phát thải 4,1 triệu tấn CO­2 tương đương và năm 2022 là 2,9 triệu tấn CO­2 tương đương.

Đánh giá về những khó khăn trong việc chuyển đổi xanh, ông Lê Minh Toàn Phương, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho biết, việc áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính thường tốn kém hơn so với các giải pháp truyền thống. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện. Một số giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, các công nghệ này vẫn còn chưa phổ biến ở Việt Nam (như công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon).

Còn theo TS.LS Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, đối với tầm nhìn xanh cho các doanh nghiệp qua cách nhìn tổng quan hoạt động điển hình của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Việt Nam, chuyển đổi xanh không chỉ mạnh mẽ trong phạm vi từng doanh nghiệp mà có thể được huy động nhiều nguồn lực cùng thực hiện, cùng chia sẻ để nhanh chóng đạt được thoả thuận xanh trên phạm vi rộng hơn của các khu, cụm công nghiệp.

Ông Điệp cho rằng, chuyển đổi xanh trong nội hàm doanh nghiệp đặc biệt quan trọng khi hướng đến những yêu cầu của khách hàng lớn trong thời kỳ hội nhập, sự quan tâm và đòi hỏi về những quyền lợi trong môi trường đầu tư, và các sản phẩm thân thiện môi trường được ưa chuộng, là yêu cầu khắt khe trong trách nhiệm kinh doanh hiện nay. Đây là động lực để doanh nghiệp đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh tài nguyên, an ninh năng lượng và thực hiện tầm nhìn xanh.

Đô thị hoá nhanh đang làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Ảnh: Shutterstock.

Đô thị hoá nhanh đang làm gia tăng phát thải khí nhà kính.

Ảnh: Shutterstock.

Kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững

Về mặt giải pháp, theo Ths. Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường, thời gian qua, doanh nghiệp này đã ứng dụng nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực xử lý các chất thải rắn của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất; nghiên cứu ứng dụng sản xuất các vật liệu xây dựng mới, vật liệu xây dựng xanh thân thiện với môi trường.

Điển hình như các dự án: khai thác, xử lý bã thải phosphogypsum của nhà máy phân bón hóa chất DAP VINACHEM (Hải Phòng), xử lý tro xỉ phát thải cho Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương), Nhiệt điện Uông Bí, Nhiệt điện Mông Dương, Nhiệt điện Hà Khánh (Quảng Ninh), Nhiệt điện Hải Phòng (Hải Phòng), trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận).

Theo đó, các sản phẩm sau xử lý cùng với các vật liệu sẵn có tại địa phương đã được doanh nghiệp đưa vào sản xuất tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng có chất lượng với giá thành cạnh tranh, phục vụ cho ngành xây dựng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm thành phẩm gồm: tro bay chất lượng cao, cấu kiện bê tông, vữa khô trộn sẵn, keo, bột bả, bê tông bền Sunphat phục vụ thi công kè biển, hải đảo...

Cũng chia sẻ tại hội thảo, theo đại diện Eurowindow, việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng xanh trong các công trình xây dựng có thể tiết giảm đến 50% khí thải nhà kính, do đó, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cần tiếp tục ban hành, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh. Cùng với đó là việc đưa ra các chế tài xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành; đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng để thay đổi thói quen trong việc sử dụng vật liệu xây dựng.

Với doanh nghiệp, Eurowindow ưu tiên sử dụng các loại vật liệu có thể tái chế, vật liệu an toàn, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới môi trường như: thanh profile uPVC đạt tiêu chuẩn “Greenline” không chứa chì, cửa nhôm có cầu cách nhiệt ứng dụng gioăng Santoprene chất lượng cao có khả năng tái chế, cửa gỗ sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt chứng nhận FSC.

Còn với Viglacera, đại diện doanh nghiệp này cho hay, Viglacera đã thực hiện 3 cuộc cải cách lớn về mặt sản phẩm. Đầu tiên là giải pháp nhà kính phơi gạch và lò nung tuynel một kênh liên hợp (tận dụng nhiệt thải từ lò nung để sấy sản phẩm mộc). Tiếp theo là đổi mới và liên tục hoàn thiện nâng cao về công nghệ sản xuất và công nghệ sấy nung, rải liệu với các sản phẩm sứ vệ sinh, gạch ốp lát, kính xây dựng. Hiện nay, Viglacera đang triển khai “cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba” - áp dụng sản xuất xanh làm trục cốt lõi. Áp dụng cho các sản phẩm: bê tông khí chưng áp, tấm panel kích thước lớn ALC, kính LowE tiết kiệm năng lượng, dây chuyền đá tấm lớn Vasta Stone và sản phẩm kính siêu trong.

Nêu quan điểm về giải pháp tạo không gian phát triển mới cho Việt Nam, theo hướng chuyển đổi xanh, TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần thực hiện đồng thời các nhóm giải pháp như: Đẩy mạnh kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 ở Việt Nam; Xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững; Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh và bảo hiểm xanh; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh. Và cuối cùng là nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh.

Ông Thiên cho rằng, lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh là để kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững. Và Việt Nam cần tập trung theo đuổi xu hướng này.

“Giai đoạn 1990-2014, vốn tài nguyên chiếm khoảng một phần ba tổng tài sản của Việt Nam, so với 10% ở khu vực Đông Á và 17% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao. Việt Nam cần chuyển từ mô hình phát triển dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô sang mô hình phát triển có thể quản lý vốn tài nguyên bền vững hơn. Việt Nam phải vượt qua nền kinh tế thâm dụng tài nguyên, dựa nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng kinh tế. Chúng ta đặt mục tiêu tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, để đạt được vị thế đó, Việt Nam cần có tốc độ tăng trưởng bình quân vượt trội giai đoạn 1990 – 2020 và tăng trưởng xanh là giải pháp hiệu quả”, ông Thiên nhấn mạnh.

Tin bài liên quan