Ông Đinh Dũng Sỹ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: M.Minh)

Ông Đinh Dũng Sỹ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: M.Minh)

Kiến nghị "mượn" vốn của ngân hàng thương mại để đền bù thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đề xuất dùng ngân sách để đền bù thu hồi đất, thông qua nguồn vốn của ngân hàng thương mại và cho rằng giải pháp này sẽ khắc phục được câu chuyện chênh lệch địa tô cũng như giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa các bên trong vấn đề thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch.

Tại Phiên họp tham vấn ý kiến về dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức sáng 4/8, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, thu hồi đất là vấn đề cực kỳ phức tạp và theo ông, cần sử dụng vốn ngân sách nhà nước (vốn đầu tư công) để đền bù giải phóng mặt bằng, sau đó đấu thầu, đấu giá đất tạo ra quỹ đất sạch cho phát triển kinh tế xã hội.

"Tôi cho rằng, đây là giải pháp tốt nhất để điều tiết địa tô chênh lệch và cũng là giải pháp tốt nhất đề xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người bị thu hồi đất, Nhà nước và nhà đầu tư", ông Sỹ nêu quan điểm.

Giải thích vấn đề này, vị chuyên gia pháp luật nói rằng, về nguyên tắc chúng ta tổ chức được càng nhiều cuộc đấu thầu, đấu giá đất thì càng tốt. Nhưng thu hồi đất của dân rồi mang đấu giá thường tạo ra sự chênh lệch địa tô khiến người dân cảm thấy không thoả đáng.

Nếu Nhà nước sử dụng ngân sách để đền bù thu hồi đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng rồi sau đó đấu thầu, đấu giá thì người bị thu hồi đất dù có bị thiệt một chút, họ sẽ vui vẻ chấp nhận khi Nhà nước được lợi.

Còn nếu dùng tiền của nhà đầu tư để thu hồi đất, sau này có chênh lệch địa tô thì nhà đầu tư có lợi, "người dân sẽ không chịu".

"Tất nhiên nhiều người sẽ hỏi tôi: vấn đề đặt ra là vốn ở đâu?", ông Sỹ nói và cho rằng, hoàn toàn có thể nghĩ tới việc tạo ra cơ chế để kéo các ngân hàng thương mại tham gia cùng.

Cụ thể, vị chuyên gia gợi ý, nếu như chúng ta giao quyền cho các tổ chức phát triển quỹ đất kéo các ngân hàng thương mại vào để cho vay lấy tiền thu hồi đất, sau đó đấu thầu đấu giá hoàn lại tiền cho ngân hàng thì đề xuất này hoàn toàn có thể làm được.

"Ngân hàng thương mại không phải không có tiền. Và nếu sử dụng phương pháp này thì thậm chí còn giải quyết được bài toán "Tiền ở đâu để giải phóng mặt bằng?", ông Sỹ nhấn mạnh.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho rằng dùng vốn đầu tư công để tạo quỹ đất sạch sẽ giải quyết được câu chuyện chênh lệch địa tô và giải quyết hài hoà mối quan hệ các bên.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho rằng dùng vốn đầu tư công để tạo quỹ đất sạch sẽ giải quyết được câu chuyện chênh lệch địa tô và giải quyết hài hoà mối quan hệ các bên.

Ngoài ra, ông Sỹ đề nghị phải tổ chức lại tổ chức phát triển quỹ đất tại các địa phương cũng như ủng hộ quy định trong Luật về mức phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất (Điều 113), để Tổ chức phát triển quỹ đất có đủ năng lực tài chính thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thực hiện đấu thầu, đấu giá.

"Tất nhiên 10% hay 15% thì các nhà kinh tế cần tính toán để cân đối", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Về phương pháp xác định giá đất, nguyên Vụ trưởng Pháp luật của Văn phòng Chính phủ cho rằng qua quan sát, ông thấy lý lẽ của các nhà kinh tế về đề nghị bổ sung phương pháp thặng dư có vẻ thuyết phục hơn các ý kiến ngược lại.

Về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp xác định giá đất, dự thảo Luật quy định: "Kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định giá đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xây dựng bảng giá đất. Trong quá trình thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường được thuê tổ chức tư vấn định giá đất để xây dựng bảng giá đất, thẩm định bảng giá đất; trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất để thẩm định trước khi trình UBND cấp tỉnh quyết định".

Theo ông Đinh Dũng Sỹ, các quy định trên đặt ra một loạt câu hỏi là: "Cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định giá cao hơn hoặc thấp hơn so với giá của tổ chức tư vấn định giá?", "Các căn cứ khác để cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định của mình là các căn cứ nào?" "Được thuê tổ chức tư vấn ở đây sẽ được hiểu là có thể thuê hoặc không thuê có đúng không?", "Kết quả xác định giá của tổ chức tư vấn định giá có phải là căn cứ bắt buộc không?"...

Mặt khác, ông cho rằng một quy định nữa cũng rất mơ hồ là Sở Tài nguyên và Môi trường trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất để thẩm định trước khi trình UBND cấp tỉnh quyết định. Rồi sau đó UBND tỉnh lại trình HĐND tỉnh quyết định.

"Như vậy là hai lần quyết định. Vậy quyết định của HĐND ở đây là thế nào? HĐND có quyền, điều chỉnh, quyết định khác với giá mà UBND đã quyết định không? Hay chỉ là trình để HĐND phê chuẩn? Điều này cần làm rõ", ông Dũng nói.

Tin bài liên quan