Du khách tham quan Bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: Hồ Hạ

Du khách tham quan Bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: Hồ Hạ

Kinh doanh lữ hành nhộn nhịp trở lại

0:00 / 0:00
0:00
Sau hơn một thángmở lại toàn bộ hoạt động du lịch với những chính sách cởi mở, thông thoáng, doanh nghiệp lữ hành mừng phát khóc bởi như được cấp ôxy khi đang trong tình cảnh hấp hối.

Thị trường nội địa đông vui trở lại

Ngay khi du lịch mở “toang” cánh cửa trở lại, trong tháng đầu tiên, hàng loạt sự kiện du lịch lớn đã được tổ chức quy mô, bài bản nhằm “hâm nóng” thị trường sau thời gian dài “nguội lạnh”. Đầu tiên phải kể tới Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” do tỉnh Quảng Nam tổ chức. Đây là sự kiện mở màn cho chuỗi khoảng 200 sự kiện, hoạt động đặc sắc, hấp dẫn diễn ra xuyên suốt năm 2022 do các bộ, ngành, địa phương tổ chức.

Ngay sau đó là Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức với 25 sự kiện bên lề, thu hút khoảng 2.000 doanh nghiệp và 40.000 lượt người đến tham dự. Hội chợ đã tạo được hiệu ứng tích cực cho việc phục hồi thị trường du lịch nội địa, gỡ khó cho việc đón khách quốc tế, khích lệ các đơn vị kinh doanh du lịch trở lại “đường đua”.

Rất nhiều địa phương đã liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch tổ chức các đợt xúc tiến xây dựng sản phẩm, đồng thời tăng cường quảng bá điểm đến. Điển hình như Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Chương trình “Du lịch Hà Nội 2022 - Get on Hanoi”, khởi động cho loạt sự kiện kích cầu du lịch trong năm 2022; đồng thời tổ chức đoàn khảo sát, tập huấn nghiệp vụ, liên kết du lịch với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Theo Trung tâm Thông tin (Tổng cục Du lịch), dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights cho thấy, ở khu vực Đông Nam Á, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam từ thị trường Singapore bắt đầu tăng từ đầu tháng 3/2022, tăng đến 400%. Bên cạnh đó, khách đến từ các nước Mỹ, Australia, Pháp, Canada, Nhật Bản, Đức, Singapore, Anh, Ấn Độ, Thái Lan… đang tăng cao, đặc biệt là từ tháng 3.

Cùng với đó, Hiệp hội Du lịch Hà Nội liên kết với các địa phương như Thanh Hóa, Quảng Bình… tổ chức các đoàn khảo sát cho gần 70 doanh nghiệp lữ hành. Câu lạc bộ lữ hành UNESCO thực hiện nhiều chuyến khảo sát đến các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An…

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, việc tăng cường các hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương sẽ giúp Hà Nội và các tỉnh, thành phố xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch có tính liên kết bền vững, góp phần quảng bá cũng như tăng sự hấp dẫn cho ngành kinh tế xanh.

Với những nỗ lực không ngừng từ Chính phủ đến các bộ, ban, ngành, địa phương và sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp du lịch, ngành kinh tế xanh đã phục hồi ngay trong quý I/2022. Theo Tổng cục Du lịch, 3 tháng đầu năm, Việt Nam phục vụ hơn 26 triệu lượt khách nội địa, hơn 22.000 lượt khách quốc tế. Riêng tháng 3, ngành công nghiệp không khói phục vụ 8,5 triệu lượt khách nội địa, 15.000 du khách quốc tế.

Đặc biệt, trong 3 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, toàn ngành đón và phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 1,6 triệu lượt khách lưu trú. Công suất phòng tại những trung tâm du lịch lớn như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu, Đà Lạt đạt trên 90%. TP.HCM và Hà Nội có lượng khách vượt trội, Hà Nội phục vụ khoảng 200.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 560 tỷ đồng; TP.HCM là khoảng 250.000 lượt khách và 1.100 tỷ đồng.

Đặc biệt, người làm du lịch “mừng phát khóc” khi nhiều đoàn khách nước ngoài đã đến Việt Nam. Ngày 27/3, Đà Nẵng đón đoàn khách quốc tế đầu tiên từ Singapore. Ngày 8/4, TP.HCM đón đoàn 130 du khách đến từ Mỹ.

Doanh nghiệp “mừng phát khóc”

Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group chia sẻ, đơn vị này “mừng phát khóc” khi được đón những vị khách trở lại kể từ sau ngày mở cửa 15/3. 10 khách đến từ Singapore, châu Âu, trong đó có cả Việt kiều Đức đã trải nghiệm dịch vụ trọn gói gồm xe limousine từ Hà Hội, bay thủy phi cơ, tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) trên du thuyền trong 2 đêm.

Du khách chia sẻ sự thích thú về chuyến đi và cho biết, Việt Nam là điểm đến nước ngoài đầu tiên của họ sau dịch. Nhóm khách Singapore ấn tượng với vẻ đẹp thiên nhiên, ẩm thực, lòng hiếu khách của người Việt.

“Chúng tôi đang nhận thấy những tín hiệu rất tốt từ thị trường Đông Nam Á, Australia và Tây Âu. Nhiều đoàn đã đặt lịch trong tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau, thể hiện sự tin tưởng, yêu thích đối với điểm đến Việt Nam”, ông Phạm Hà cho biết.

Theo ông Hà, Lux Group đã kết nối với 80 đoàn khách phải hủy chuyến đi tới Việt Nam trong dịch Covid-19, tới nay chốt được khoảng 50 đoàn. Những đoàn tiếp theo sẽ tới vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, ngoài ra còn nhiều đoàn khách mới đi theo nhóm nhỏ cùng gia đình, đồng nghiệp.

Chia sẻ cảm xúc sau thời gian dài doanh nghiệp “chết lâm sàng”, CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài vỡ òa: “Mừng rớt nước mắt, như đang hấp hối gặp được ôxy vậy! Doanh nghiệp lữ hành sống lại thật rồi! Khi các hoạt động kinh doanh hồi sinh, dòng tiền được lưu thông, tuy lợi nhuận gần như không có vì chúng tôi giảm giá kịch sàn để kích cầu và tri ân khách hàng, nhưng giữ được lực lượng nhân sự chủ chốt và sống sót”.

Tại VietSense Travel, từ sau “sự kiện lịch sử” của ngành du lịch ngày 15/3 đến nay, lượng khách trung bình đã đạt khoảng 30-40%, trong đó tuyến nội địa đạt 50-60% so với năm 2019. Nhu cầu bị dồn nén sẽ được giải tỏa từ dịp 30/4 trở đi, lượng khách cũng như các đơn vị du lịch sẽ quay lại hoạt động tích cực hơn.

Theo ông Tài, VietSense Travel đã tổ chức các đoàn đến tất cả các tuyến nội địa, tour outbound đã chạy, tháng 5 sẽ khởi hành thêm các tour đi Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ, Maldives; tháng 6 chạy tour đi châu Âu. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, du lịch nội địa và outbound sẽ hồi phục mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay.

CEO VietSense Travel dự báo, sau ngày 30/4, với chiến dịch biển hè, năm 2022, thị trường nội địa sẽ phục hồi 70-80%, outbound phục hồi trên 50%, còn thị trường inbound phục hồi từ cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Tin bài liên quan