Kinh  doanh thua lỗ, CTCK sẽ bị thu bớt nghiệp vụ

Kinh doanh thua lỗ, CTCK sẽ bị thu bớt nghiệp vụ

(ĐTCK-online) Chính phủ vừa thông qua tờ trình Dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán. Dự kiến, Dự Luật sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới đây trong đó có 2 vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là phát hành và CTCK.

>> Dự thảo Luật Chứng khoán: Sửa đổi từ thực tiễn

ĐTCK đã phỏng vấn ông Hoàng Đức Long, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

 

Thưa ông, đâu là lý do khiến Dự luật sửa đổi lần này tập trung vào một trong những nội dung là sửa đổi quy định về quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động được thông qua TTCK?

Huy động vốn thông qua TTCK thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, do DN phát hành quá nhiều đã dẫn đến hiện tượng pha loãng cổ phiếu, thị trường có dấu hiệu trầm lắng, quan hệ cung - cầu mất cân đối.

Một số DN đã lợi dụng quy định phát hành riêng lẻ chưa rõ ràng để thực hiện việc phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ trong cùng một đợt chào bán, khiến cho quyền lợi của NĐT bị ảnh hưởng. Lần này, Luật sẽ quy định tách bạch, làm rõ điều kiện để DN được phát hành riêng lẻ, phát hành đại chúng. DN đã phát hành riêng lẻ thì không được phát hành ra đại chúng và các đợt phát hành riêng lẻ phải cách nhau 6 tháng. Việc phát hành riêng lẻ cũng như phát hành ra đại chúng phải đảm bảo giá cổ phiếu được phát hành đến khi giao dịch trên thị trường chính thức không có độ chênh lệch quá lớn.

Một vấn đề đáng chú ý nữa là sau khi ĐHCĐ đưa ra kế hoạch phát hành và đợt phát hành thực hiện thành công, tổ chức phát hành phải đưa vào giao dịch tập trung sau 1 năm. Tổ chức muốn phát hành phải có một đơn vị tư vấn và đơn vị đó có trách nhiệm tư vấn phát hành và cả khi niêm yết bổ sung. 

 

Một vấn đề NĐT quan tâm là việc sử dụng nguồn vốn huy động của các tổ chức phát hành ra sao. Luật sửa đổi sẽ chế tài vấn đề này như thế nào, thưa ông?

DN sẽ phải tính toán cụ thể nhu cầu vốn để lựa chọn phương án phát hành. Dự án đầu tư phải hiệu quả, thời hạn thực hiện dự án phải cụ thể. Như thế, dù phát hành với phương án riêng lẻ hay đại chúng (cổ phiếu hay trái phiếu chuyển đổi) đều phải gắn với mục đích sử dụng vốn và khi đưa vào niêm yết bổ sung sẽ không có độ chênh lệch quá lớn so với giá trị sổ sách.

DN sẽ phải xác định việc huy động vốn trên TTCK cũng như đi vay ngân hàng. Trách nhiệm của HĐQT và ban điều hành DN phải công bố tiến độ sử dụng vốn, thay đổi kế hoạch sử dụng vốn nếu có… Mục đích của những quy định này là làm sao nguồn vốn huy động qua TTCK được sử dụng đúng mục đích và chịu sự giám sát không chỉ của cơ quan quản lý mà cả công chúng đầu tư.

 

Vừa qua, có một số CTCK mua cổ phần của DN được họ tư vấn với tư cách là NĐT chiến lược. Ông suy nghĩ gì về điều này?

Tôi cho rằng, đối tác chiến lược phải là những DN có sự tương ứng về ngành nghề, hoặc cung cấp nguyên vật liệu, hoặc là bạn hàng để giúp cho DN có sự phát triển, chứ không phải là các CTCK hoặc tổ chức tài chính nhằm mục đích kinh doanh tài chính.

Trong dự thảo văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán, chúng tôi sẽ hướng đến việc quy định CTCK không được mua với tư cách đối tác chiến lược. Điều này nhằm tránh hiện tượng các CTCK mua cổ phiếu vào giá thấp, sau đó đánh bóng DN và đẩy giá cổ phiếu lên cao rồi bán ra. 

 

Điểm quan trọng nhất đối với các CTCK trong dự thảo luật sửa đổi lần này là gì, thưa ông?

Đó là việc quy định các chỉ tiêu về an toàn tài chính đối với CTCK. Sẽ có quy định yêu cầu tách bạch giữa hoạt động tự doanh với các hoạt động khác của CTCK. Chúng tôi yêu cầu CTCK phải lập một danh mục riêng đối với các tài sản công ty bỏ tiền ra cho NĐT vay với việc trực tiếp đầu tư. Hàng tháng sẽ phải báo cáo danh mục này với cơ quan quản lý để biết được tình hình kinh doanh, tự doanh của các CTCK. Bên cạnh đó là đưa ra tiêu chí vốn tự doanh của CTCK. Trong trường hợp hoạt động kinh doanh, tự doanh của CTCK dẫn đến lỗ một mức nào đó sẽ bị rút giấy phép tự doanh. Điều này nhằm kiểm soát hoạt động của CTCK, tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền, rủi ro hệ thống.

 

Những nội dung như ông vừa nêu không thể chuyển tải trong một "Luật khung". Như vậy, sẽ có nhiều văn bản phải sửa đổi?

Đúng như vậy. Sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực, sẽ có nhiều nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành phải sửa đổi nhằm hướng dẫn Luật mới. Chẳng hạn, sẽ có Nghị định riêng về phát hành ra công chúng, sửa đổi các quyết định, thông tư liên quan đến hoạt động của CTCK.