Kinh tế 2015: Mỹ một bên và… phần còn lại một bên

Kinh tế 2015: Mỹ một bên và… phần còn lại một bên

(ĐTCK) Kinh tế Mỹ phục hồi mạnh, trong khi một số đầu tàu khác như Nhật Bản, châu Âu và Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng.

Nga đứng trước nguy cơ suy thoái, đồng rúp mất giá không phanh. Giá dầu sụt giảm mạnh, trong khi đồng đôla Mỹ mạnh lên, đẩy đồng nội tệ của nhiều nền kinh tế đang phát triển đứng trước thách thức mới. Đó là những điểm nhấn đáng chú ý của kinh tế thế giới năm 2014.

Nhìn chung, kinh tế toàn cầu năm 2014 tăng trưởng yếu hơn dự đoán. Hồi đầu năm, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3,4% trong năm 2014, song đến cuối năm, IMF buộc phải điều chỉnh hạ dự báo xuống chỉ còn 3%.

Trung Quốc khép lại năm 2014 với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 7,3%, con số thấp nhất trong trung bình gần 10 năm qua, khi các nhà lãnh đạo tìm cách ngăn chặn nguy cơ hạ cánh cứng của nền kinh tế bằng cách “kìm cương” núi nợ của chính quyền địa phương và khu vực tư nhân sau giai đoạn tăng trưởng quá nóng. Ngoài ra, nhu cầu bên ngoài yếu dẫn đến xuất khẩu giảm, trong khi tiêu dùng trong nước suy yếu, thị trường bất động sản đóng băng, bong bóng tín dụng tăng lên... cũng là những nguyên nhân kéo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Nếu Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thì “hàng xóm” Nhật Bản – một đàu tầu khác của kinh tế thế giới – gần như không tăng trưởng trong cả năm 2014, khi đầu năm duy trì được nhịp độ tăng trưởng, song lại suy giảm 1,9% trong quý IV so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn một năm sau chính sách “3 mũi tên” kinh tế Abenomics, kinh tế Nhật Bản đã có một số tín hiệu cải thiện, song việc tăng thuế tiêu thụ đã tác động mạnh tới chi tiêu tiêu dùng, khiến mục tiêu lạm phát 2% của Nhật Bản gần như chưa thể thực hiện được. Trong khi đó, nỗ lực “bơm tiền” và hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nhằm chặn đà giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng vẫn chưa đem lại kết quả thực sự rõ nét.

Nhìn sang Mỹ, nền kinh tế này đã thể hiện diện mạo tích cực nhất khi phục hồi trong hai quý cuối năm và dự kiến tăng trưởng 3,5% trong cả năm. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh đã kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới ngưỡng 6% năm 2014. Sự trở lại đáng tự hào của kinh tế Mỹ khiến Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) chuyển hướng sang vai trò trung gian hơn trong nền kinh tế với quyết định rút toàn bộ các gói nới lỏng định lượng. Mặc dù Fed không tăng lãi suất từ các mức thấp kỷ lục 0 - 0,25% hiện nay, song chủ đề này đang được bàn luận xôn xao và dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất trong năm 2015. Điều này đồng nghĩa việc kinh tế Mỹ đủ mạnh để tồn tại mà không cần in thêm tiền nữa.

Vượt qua Đại Tây Dương, kinh tế châu Âu đón nhận ít tin vui trong năm 2014, khi dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng 1,1% trong năm nay. Nguyên nhân chính là do cuộc khủng hoảng nợ công đã kéo dài quá lâu, các công cụ tài chính, nhất là chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã không phát huy hiệu quả. Các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga xung quanh vấn đề Ukraine cũng có những hiệu ứng ngược đối với chính kinh tế Liên minh châu Âu.

Liên quan tới Nga, “bóng ma” khủng hoảng kinh tế, doanh thu từ dầu mỏ suy giảm nghiêm trọng, tỷ giá đồng rúp so với USD rơi tự do là những vấn đề khiến nhà lãnh đạo Vladimir Putin thực sự “đau đầu” trong năm qua. Rõ ràng, những lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đã khiến “xứ sở Bạch Dương” gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Trên thị trường hàng hóa, dầu mỏ chính là chủ đề nóng nhất và tốn không ít giấy mực trong năm qua. Kể từ tháng 6/2014, giá dầu mỏ liên tục tụt dốc không phanh và mất giá tới hơn 40% và giảm xuống ngưỡng thấp kỷ lục của 5 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nguồn cung vượt xa nhu cầu tiêu thụ. Bất chấp giá dầu sụt giảm, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn khăng khăng giữ nguyên sản lượng khai thác và các nước lớn có thể đang sử dụng công cụ giá dầu mỏ để tấn công lẫn nhau. Bên cạnh đó, những tiến bộ kỹ thuật khai thác dầu mỏ vượt bậc bằng công nghệ khoan ngang và bẻ gãy thủy lực đang được áp dụng tại Mỹ đã khiến sản lượng “vàng đen” gia tăng đáng kể. Trong khi đó, nhu cầu dầu mỏ từ Trung Quốc và một phần châu Âu giảm do kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng là một nhân tố khách quan khác kéo giá dầu giảm.

Trên thị trường tiền tệ, đồng USD liên tục tăng giá trong giai đoạn cuối năm đã đẩy giá trị đồng nội tệ của các nền kinh tế đang phát triển xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua. Đồng nội tệ yếu có thể có lợi với một số nước, khi hoạt động xuất khẩu giàu sức cạnh tranh hơn, song lại khiến kim ngạch nhập khẩu trở nên đắt đỏ, qua đó đẩy lạm phát và các khoản nợ bằng đồng USD tăng cao. 

4 nhóm phát triển chính năm 2015

Dự báo, kinh tế thế giới năm 2015 sẽ phát triển theo các tốc độ khác nhau. Nhóm thứ nhất chính là Mỹ khi nền kinh tế lớn nhất thế giới này tiếp tục duy trì đà phục hồi ấn tượng. Thị trường lao động khởi sắc, số lượng công ăn việc làm tiếp tục được tạo ra nhiều hơn.

Nhóm thứ hai là Trung Quốc sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, song thấp hơn các mức tăng lịch sử thời kỳ hoàng kim trước đó. Năm 2015, Trung Quốc vẫn sẽ trải qua giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng bền vững hơn. Giới phân tích đánh giá, nhiệm vụ chính của Bắc Kinh năm 2015 sẽ là củng cố các thị trường tài chính trong nước, cải thiện khung pháp lý và nâng cao vai trò của khu vực tư nhân.

Nhóm thứ ba là châu Âu, khi kinh tế khu vực này sẽ tiếp tục vật lộn tới khó khăn. Tăng trưởng trì trệ, nguy cơ giảm phát và núi nợ công sẽ cản trở đầu tư và đẩy châu Âu tới rủi ro suy giảm kinh tế. Tại một số quốc gia châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là trong giới trẻ, sẽ duy trì ở mức cao và đáng báo động. Nhật Bản cũng trong nhóm này, khi đất nước Mặt Trời mọc dù đối diện với khó khăn song được dự báo sẽ thoát khỏi suy thoái, với mức tăng trưởng dự báo đạt khoảng 1%.

Nhóm thứ tư chính là những nền kinh tế mà quy mô và sự liên kết của nó có tầm quan trọng tới hệ thống toàn cầu. Ví dụ tiêu biểu nhất là Nga, khi quốc gia này đang đối diện với nguy cơ suy thoái trong năm 2015, đồng rúp mất giá, trong khi dòng vốn đầu tư tháo chạy khỏi đất nước. Tổng thống Putin sẽ phải lựa chọn, hoặc là thay đổi cách tiếp cận vấn đề Ukraine hay chấp nhận đương đầu với lệnh trừng phạt của phương Tây và xây dựng nền kinh tế theo xu hướng đa dạng hóa và bền vững hơn.

Ngoài ra, nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ chỉ tăng ở mức trung bình 5,2% năm 2015, do sự giảm nhiệt sau quá trình tăng trưởng “nóng”. 

Một số điểm nóng kinh tế thế giới 2015

Michael Clarke, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu dịch vụ Hoàng Gia (có trụ sở tại London, Anh) nhận xét: “Bạn có thể không bao giờ dự báo chính xác cuộc khủng hoảng tiếp theo, song bạn có thể nhìn thấy một số dấu hiệu và điểm nóng có thể nổi lên trước khủng hoảng”. Trên cơ sở đó, giới phân tích đang đặc biệt lưu ý tới một số “điểm nóng” sau đây:

Bất ổn chính trị có thể phát sinh từ các cuộc bầu cử trên khắp châu Âu trong năm 2015, từ Hy Lạp cho tới Anh. Trong khi đó, giá dầu có thể tiếp tục tụt dốc, kéo một số nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga và Venezuela chìm trong khó khăn. Một số nhà giao dịch đang đánh cược khả năng Venezuela sẽ vỡ nợ trong năm 2015.

Ở châu Á, tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và Biển Hoa Đông có thể là vấn đề đáng quan ngại như năm 2014 vừa qua. Bất đồng biển đảo giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng Đông Nam Á; đặc biệt là tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc từng châm ngòi cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan và có nguy cơ đẩy xung đột giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới trở nên căng thẳng và khó đoán hơn.

Một điểm đáng lưu ý khác trong năm 2015 là rủi ro về một cuộc va chạm tiền tệ. Nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong năm tới và đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền khác. Trong khi đó, các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc thay nhau hạ lãi suất và thực hiện chính sách giảm giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu. Hai bước đi trái ngược nhau giữa Fed và các ngân hàng trung ương chủ chốt khác, đặc biệt ở châu Á, có thể khiến thị trường tiền tệ châu Á biến động mạnh năm 2015.  

Tin bài liên quan