Việt Nam lập kỷ lục mới về xuất siêu, 20,1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2020.

Việt Nam lập kỷ lục mới về xuất siêu, 20,1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2020.

Kinh tế bứt phá, chứng khoán sẽ vượt trội

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới và được nhận định có nhiều cơ hội bứt phá trong năm tới. Theo đó, thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến vượt trội so với khu vực.

Kỳ vọng kinh tế hồi phục

Những số liệu mới nhất được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra trong Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020 tại phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ cho thấy kinh tế Việt Nam duy trì đà phục hồi; sản xuất - kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng; lạm phát được kiểm soát; xuất siêu kỷ lục; dự trữ ngoại hối cao…

Đáng chú ý, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, với nền tảng vĩ mô ổn định và được đánh giá cao trong công tác kiểm soát, đối phó với dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đang có lợi thế trong việc thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, kinh doanh quốc tế.

Mặt khác, việc tham gia và thực hiện Hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành đánh giá, trên bình diện toàn cầu, triển vọng kinh tế sáng hơn nhiều sau khi vắc-xin phòng Covid-19 có tiến triển tích cực, dù dịch bệnh này cũng như thiên tai, căng thẳng địa chính trị vẫn đang là những yếu tố bất định, khó lường.

Quy mô các gói hỗ trợ, cách bơm tiền cho nền kinh tế lớn chưa từng có tại nhiều quốc gia giúp giảm thiểu những khó khăn về kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu chính sách không đủ linh hoạt, điều chỉnh phù hợp cho từng thời điểm, hệ lụy của các gói kích thích sẽ làm tăng mức độ rủi ro tài chính trong bối cảnh nợ toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục.

Về thời điểm nền kinh tế thế giới có thể quay lại như trước khi có dịch Covid-19, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng, đó là năm 2022, nhưng một số lĩnh vực như hàng không, du lịch cần khoảng thời gian dài hơn, đến năm 2023 - 2024.

Ông Thành nhìn nhận, trong 5 năm tới và xa hơn nữa, kinh tế Việt Nam có nhiều tiềm năng và đáng được các nhà đầu tư, giới kinh doanh quan tâm dù trong hay ngoài nước. Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn, được xem như một “hub” (trung tâm ) đầu tư và sản xuất - kinh doanh nhờ hội nhập sâu rộng, môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng cao. Trước mắt, xu hướng kinh tế trong năm 2021 là phục hồi dần.

“Năm 2021, tăng trưởng kinh tế không hoàn toàn ở dạng chữ V, nhưng sẽ có sự bật lên. Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kỳ vọng và đặt ra phương án tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 6 - 6,5%. Tuy nhiên, nếu gộp với tăng trưởng kinh tế năm 2020 thì mức sôi động kinh tế vẫn chưa phục hồi như trước đại dịch”, ông Thành nói.

Công nghiệp chế biến - động lực phục hồi sản xuất

Phân tích cụ thể các động lực giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn cuối năm 2020 và năm 2021, Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc NCIF cho rằng, khu vực nông lâm thủy sản giúp tăng trưởng kinh tế không giảm quá sâu năm 2020.

Tuy vậy, với tỷ trọng đóng góp không cao (khoảng 14% GDP) và tốc độ tăng trưởng không vượt quá 3% thì khó có thể trở thành động lực mạnh cho tăng trưởng kinh tế.

Trạng thái xuất siêu cao khó có thể duy trì trong năm 2021 bởi sản xuất phục hồi sẽ làm tăng nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị.

Trong bối cảnh này, các động lực truyền thống vẫn là chủ đạo trong xu hướng hồi phục kinh tế. Về phía cung, ngành chế biến, chế tạo là động lực dẫn dắt tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu với nhu cầu thế giới và trong nước trên đà hồi phục.

Theo đó, tăng trưởng của nhóm ngành chế biến, chế tạo sẽ cao và đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cùng với sự hồi phục khu vực công nghiệp xây dựng, khu vực dịch vụ có nhiều khả năng phục hồi chủ yếu ở nhóm ngành bán buôn, bán lẻ.

Về phía cầu, tiêu dùng nội địa là động lực của các ngành kinh tế quan trọng. Ngoài việc giúp ngành chế biến, chế tạo và bán buôn, bán lẻ phát triển, tiêu dùng trong nước có thể bù đắp cho sự khó khăn của một số ngành đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như du lịch, lữ hành, lưu trú khi thiếu hụt khách nước ngoài.

Bên cạnh đó, sự gia tăng đầu tư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài giúp hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp hồi phục.

Việc đơn hàng xuất khẩu tăng, đặc biệt là đơn hàng từ thị trường châu Âu và Mỹ sẽ giúp phục hồi sản xuất.

Mặc dù xuất khẩu sẽ kéo theo việc tăng nhập khẩu, qua đó làm giảm đóng góp của xuất khẩu ròng đến tăng trưởng kinh tế, nhưng đây là điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước gia tăng sản xuất.

Thị trường chứng khoán duy trì sức nóng

Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phòng phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS, thời gian qua, các nhóm cổ phiếu chủ chốt như ngân hàng, thép, tiêu dùng đều tăng giá tích cực cùng với xu hướng phục hồi tăng trưởng của kinh tế vĩ mô, cho thấy niềm tin và kỳ vọng lớn của nhà đầu tư.

Dòng vốn đầu tư quốc tế được nhận định sẽ chảy vào các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn.

Ngoài ra, lãi suất duy trì ở mức thấp giúp dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, thanh khoản tăng 35 - 40% so với năm 2019. Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục diễn biến khả quan.

Bên cạnh đó, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước được đẩy nhanh sẽ làm tăng sức hút của thị trường chứng khoán.

Triển vọng sáng của thị trường chứng khoán còn đến từ sự hoàn thiện hành lang pháp lý với Luật Chứng khoán mới và khả năng thị trường sẽ sớm được nâng hạng.

“Với khả năng kiểm soát rất tốt dịch Covid-19 giúp tăng trưởng GDP sớm phục hồi và ít chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng vượt trội so với nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines”, ông Bae Seung-kwon, Trưởng bộ phận đầu tư cổ phiếu của KIM Vietnam Fund Management nhận định.

Hơn nữa, dự báo thị trường Việt Nam sẽ được thêm vào rổ chỉ số các thị trường mới nổi - Morgan Stanley Capital International Emerging Markets Index vào tháng 5/2022 là một yếu tố tích cực, gia tăng niềm tin của của các nhà đầu tư.

Trong khi đó, ông Jeong Seong-in, Giám đốc Quỹ KIM ETF cho rằng, trong bối cảnh USD có thể suy yếu khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển chưa thoát khỏi khó khăn bởi dịch bệnh trong năm 2021, điểm đến của dòng vốn đầu tư sẽ là các thị trường mới nổi và cận biên, thay vì chảy vào các thị trường phát triển.

Trong xu hướng này, với những lợi thế nhờ kinh tế hồi phục nhanh chóng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với các thị trường khác.

“Hiện tại, dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam chưa lớn, song với đà tăng giá của hàng loạt cổ phiếu trong thời gian gần đây và những yếu tố thuận lợi hiện hữu, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài dự kiến rót vốn vào thị trường Việt Nam”, đại diện Quỹ KIM ETF nói.

Tin bài liên quan