Kinh tế Đức rơi vào thời kỳ khó khăn

Kinh tế Đức rơi vào thời kỳ khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành sản xuất công nghiệp trước đây luôn là động cơ tăng trưởng lớn nhất của kinh tế Đức, nhưng hiện nay đang có nhiều lo ngại sẽ trở thành thứ kéo nền kinh tế quốc gia này thụt lùi.

Trong các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, Đức luôn dựa vào hoạt động sản xuất công nghiệp để kéo đất nước ra khỏi suy thoái. Tuy nhiên hiện nay, các chủ doanh nghiệp và giới chuyên gia lại dự báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ đối mặt với giai đoạn khó khăn trong thời gian tới.

Nền kinh tế Đức đang có nhiều lo ngại sẽ "thụt lùi" so với các đối thủ khác trong Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) vào cuối năm 2023 sau khi nền kinh tế này rơi vào suy thoái kỹ thuật hồi đầu năm nay.

Trong khi các viện kinh tế lớn và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Đức sẽ tăng trưởng âm từ 0,2-0,4% trong năm nay thì chỉ duy nhất có chính phủ Đức tự dự báo lạc quan rằng GDP nước này sẽ tăng trưởng dương.

Kinh tế Đức đang gặp nhiều sức ép khi lạm phát và lãi suất đều tăng cao cộng với việc kinh tế Trung Quốc, thị trường xuất khẩu chính của Đức, phục hồi chậm lại và chi phí năng lượng tăng mạnh.

"Kinh tế Đức đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức ngày càng lớn", ông Siegfried Russwurm, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) nói và cho biết thêm, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả các công ty vừa và nhỏ, đang có xu hướng chuyển một phần hoạt động của họ ra khỏi nước Đức.

Bên cạnh đó, kinh tế Đức cũng chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố như bộ máy hành chính thiếu hiệu quả, mức độ số hóa thấp và tình trạng dân số già dẫn đến nguy cơ thiếu lao động.

Thủ tướng Đức - ông Olaf Scholz hồi tháng 3 cho biết, Đức đang nỗ lực để đạt được tình trạng trung hòa về khí nhà kính vào năm 2045. Đức sẽ tập trung chuyển đổi sang năng lượng xanh như đầu tư vào lắp đặt tua-bin điện gió mới, chế tạo xe điện, sản xuất thép ít gây ô nhiễm môi trường hơn. Điều này sẽ tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, viễn cảnh về một nền kinh tế phát triển nhờ chuyển đổi sang năng lượng xanh vẫn gặp nhiều băn khoăn. Ông Russwurm lưu ý việc chuyển đổi xanh trước hết sẽ cần hàng tỷ euro để thay thế công nghệ nhiên liệu hóa thạch đang sử dụng bằng các công nghệ tái tạo với chi phí ban đầu lớn. Điều này sẽ không tạo ra tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Các viện kinh tế lớn của Đức dự đoán kinh tế Đức sẽ tăng trưởng dưới 1% trong vài năm tới. Ông Marcel Fratzscher, người đứng đầu tổ chức tư vấn DIW, dự báo trong thập kỷ này, nền kinh tế Đức có thể tăng trưởng yếu hơn đáng kể so với giai đoạn thịnh vượng vào những năm 2010 của quốc gia này.

Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động chế tạo công nghiệp, Đức đang phải chịu chi phí năng lượng tăng cao sau cuộc xung đột Nga-Ukraine mặc dù chi phí này đã giảm hơn so với mức đỉnh khi cuộc xung đột mới nổ ra.

Bà Ingeborg Neumann, chủ tịch Hiệp hội dệt may Đức cho rằng, trước chi phí năng lượng cao kết hợp với tình trạng thiếu lao động và thủ tục hành chính phức tạp đã khiến hoạt động sản xuất tại Đức trở nên không còn hấp dẫn.

Tin bài liên quan