Kinh tế Italy suy yếu và khó cải thiện nhiều trong 3 tháng cuối năm

Hoạt động công nghiệp và kinh doanh sụt giảm, ECB tiếp tục tăng lãi suất, tín dụng và thanh khoản giảm, chi phí năng lượng tiếp tục tăng cao... đã ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư của Italy.
Người dân mua hàng hóa trong siêu thị tại Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Người dân mua hàng hóa trong siêu thị tại Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Nền kinh tế Italy tiếp tục suy yếu trong quý 3 và dự kiến khó cải thiện được nhiều trong 3 tháng cuối năm.

Trong báo cáo công bố ngày 30/9, Liên đoàn Giới chủ Công nghiệp Italy (Confindustria) - Hiệp hội Doanh nghiệp chính của Italy, cho biết: “Ngoài sụt giảm trong hoạt động công nghiệp và kinh doanh, sụt giảm cũng xuất hiện ở cả ngành kinh doanh dịch vụ, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất, tín dụng và thanh khoản giảm, chi phí năng lượng tiếp tục tăng cao... đã ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư, khiến nhu cầu từ bên ngoài giảm xuống."

Trước đó trong quý 2, nền kinh tế Italy bất ngờ sụt giảm 0,3% so với quý trước đó. Việc nền kinh tế nước này tiếp tục suy yếu trong quý 3, quý thứ hai liên tiếp, đang đặt ra nhiều khó khăn cần giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đang phải nỗ lực kiểm soát tỷ lệ nợ trên GDP vốn đã ở mức cao thứ hai trong Khu vực Sử dụng Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Để tránh suy thoái kinh tế, Chính phủ của Thủ tướng Meloni sẽ phải mở rộng chi tiêu công, nhưng điều này cũng sẽ khiến Italy chưa thể đáp ứng được mục tiêu về thâm hụt ngân sách do Liên minh châu Âu (EU) đề ra.

Theo thông báo của Bộ trưởng Tài chính Italy Giancarlo Giorgetti đưa ra hôm 30/9, tình hình ngân sách của Italy rất hạn hẹp và chính phủ sẽ buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn trong việc giữ bội chi ngân sách khoảng 15,7 tỷ euro (tương đương 16,6 tỷ USD) trong tài khóa tới.

Chính phủ Italy muốn dùng tiền ngân sách để bù đắp cắt giảm thuế lao động, hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn, thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh và gia hạn các hợp đồng trong khu vực công.

Để có thêm ngân sách hoạt động, Italy dự tính sẽ phải thoái vốn với tổng giá trị khoảng 21 tỷ euro (tương đương 22,2 tỷ USD), chiếm 1% GDP, thông qua việc bán tài sản từ năm 2024-2026.

Việc thoái vốn sẽ phải tuân theo những cam kết đã đạt được với Ủy ban châu Âu (EC) và Italy đặt mục tiêu sẽ giảm tỷ lệ nợ trên GDP từ mức 140,2% trong năm nay xuống còn 139,6% vào năm 2026.

Tin bài liên quan